Thể thao

U.19 Việt Nam: Lớn lên từ sự thờ ơ và thất vọng

Sẽ là cơn địa chấn tuyệt vời nếu bản tin đầu ngày sáng đầu tuần hôm nay 24-10 là tin vui thắng trận từ Bahrain và bóng đá Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ World Cup.

Nhưng dù có ngược lại, bất luận thế nào thì việc lần đầu tiên trở thành một trong 8 đội mạnh nhất châu lục với thành tích bất bại ở vòng bảng, thắng cả CHDCND Triều Tiên tại VCK U.19 châu Á 2016, đội tuyển U.19 Việt Nam đã viết nên lịch sử. Đáng khen ngợi hơn, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn không chỉ vượt qua chính mình mà còn thoát khỏi cái bóng trên tường quá lớn của lứa U.19 Học viện HAGL Arsenal JMG.

Đội tuyển U.19 Việt Nam.
Đội tuyển U.19 Việt Nam.

Sau màn ra mắt ấn tượng ở giải U.19 Đông Nam Á 2013 tại Indonesia và đặc biệt trận đấu thăng hoa đại thắng Australia 5-1 ở vòng loại Giải U.19 châu Á 2014; đội tuyển U.19 của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường tắm trong những lời khen ngợi, được sự quan tâm hết mực của dư luận, được chăm bẵm từng li từng tí. Để chuẩn bị cho VCK U.19 châu Á 2014 là chuyến tập huấn dài ngày tại châu Âu (Anh, Bỉ) và Nhật Bản. Cả một êkíp đầu bếp chuyên nghiệp theo chân phục vụ, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ từ vòng loại đến VCK, “bầu” Đức mang cả chuyên cơ riêng sang Myanmar để “những đứa trẻ” của mình di chuyển khỏi mất sức. Cùng thời điểm, cả một bộ truyện tranh về Công Phượng và đồng đội được ra mắt. Đổi lại tất cả những sự “ồn ào” ấy là vị trí chót bảng tại VCK với 1 điểm duy nhất trước U.19 Trung Quốc ở trận cuối cùng sau khi thất bại 0-6 trước Hàn Quốc và 1-3 trước Nhật Bản (cả 3 đối thủ này đều không đi quá vòng tứ kết).

Chỉ 1 năm sau thôi, mọi sự trái ngược hoàn toàn. Từ 2 giải Đông Nam Á 2015 - 2016, từ vòng loại đến VCK châu Á 2016, đội tuyển U.19 của HLV Hoàng Anh Tuấn thi đấu trong sự thờ ơ, lạnh nhạt của truyền thông và người hâm mộ. Cùng đoạt chức á quân khu vực và giành vé vào VCK châu Á như nhau, nhưng thầy trò ông Tuấn đều trở về trong âm thầm, lặng lẽ, không kèn không trống. Đội tuyển chỉ quanh quẩn đá tập với các “quân xanh” làng nhàng trong nước. HLV Hoàng Anh Tuấn từng kể, năm ngoái để chuẩn bị cho giải U.19 Đông Nam Á tại Lào, tìm mãi không được “quân xanh”, ông phải xin về Quảng Ninh đá giao hữu với đội trẻ tỉnh này, đang đá thì mưa to phải dừng. Trên đường trở về Hà Nội, xe chở đội suýt bị trôi vì mưa lũ. Chưa hết, ở trận giao hữu giữa tuyển Việt Nam với Man City, đội tuyển U.19 nhận được chỉ đạo là các cầu thủ sẽ làm nhiệm vụ... lượm bóng (tất nhiên, ông Tuấn không đồng ý). Dù giải U.19 Đông Nam Á tháng trước được tổ chức trên sân nhà, nhưng đội tuyển U.19 Việt Nam cũng chỉ có duy nhất 1 chuyến tập huấn tại Quảng Châu, Trung Quốc trong thời gian... 1 tuần lễ, với 1 trận cọ xát duy nhất trước đội B của CLB Guangzhou Evergrande. Còn trước khi đến với VCK châu Á 2016, tiếng là đội tuyển được tập huấn tại Qatar, nhưng chẳng qua như một chặng quá cảnh, nhân tiện đá giao hữu với Tatjikistan trước khi sang Bahrain.

Sau 2 thất bại thảm hại 0-6 trước U.19 Thái Lan ở trận chung kết Đông Nam Á năm ngoái và 2-5 trước Australia ở bán kết giải năm nay ngay tại Hàng Đẫy, đội tuyển U.19 của Hoàng Anh Tuấn bị chỉ trích nặng nề từ tinh thần đến phong độ và lối chơi bóng dài. Niềm tin đặt vào U.19 Việt Nam tại VCK châu Á hầu như là con số 0.

Thế nhưng, tất cả những thua thiệt ấy đã vô hình trung trở thành động lực to lớn cho thầy trò ông Tuấn. Đội tuyển U.19 bị thờ ơ, lãnh đạm và chỉ trích ấy đã làm được điều mà “lứa trẻ vàng” 2 năm trước, cũng như 5 thế hệ U.19 trước đó không làm được.

Trong lịch sử 7 lần dự VCK giải U.19 châu Á, đây mới là lần đầu tiên U.19 Việt Nam vào tứ kết. Suốt từ năm 2002 trở lại đây, 6 lứa U.19 Việt Nam của các HLV: Lê Tuấn Long, Triệu Quang Hà, Mai Đức Chung, Graechen... đều không vượt qua vòng bảng và chỉ giành được 2 chiến thắng với cùng tỷ số 2-1 trước U.19 Malaysia (2006) và Jordan (2010).

Đông Kha

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        1,156,188       482