Công Phượng - cái tên được hâm mộ nhất của lứa U.19 HAGL và cả bóng đá Việt Nam thời điểm này, lại chật vật trong việc cạnh tranh vị trí chính thức ở đội tuyển quốc gia cả dưới thời HLV Miura lẫn Hữu Thắng hiện tại.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet) |
Lần đầu tiên, Công Phượng ra mắt đội tuyển Việt Nam là trận giao hữu với Manchester City vào tháng 7-2015, nhưng vào sân chỉ 5 phút như một “món quà” của Miura nhằm đáp ứng sự mong mỏi của khán giả. Dù vậy, anh cũng là cầu thủ đầu tiên của lứa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG được khoác áo đội tuyển quốc gia. Thế nhưng, chặng đường sau đó lại không trải toàn hoa hồng. 9 trận (cả giao hữu và chính thức) dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng, Công Phượng chưa một lần được đá chính (thua cả... Hoàng Thiên). Vào sân ít, không có nhiều thời gian để hòa nhập và đất diễn để thể hiện, Công Phượng không tạo được dấu ấn nào nổi bật, không ghi bàn, không kiến tạo. Chơi cực hay và là cánh chim đầu đàn ở các đội tuyển U.19 và U.23 nhưng khi lên đội tuyển quốc gia, tiền đạo HAGL tỏ ra “đuối”, lạc lõng trong tập thể các đàn anh.
Trong khi đó, lên tuyển sau nhưng những người bạn của Công Phượng: Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn và cả Vũ Văn Thanh đã thích nghi rất nhanh, để lại những dấu ấn nhất định và tìm được vị trí cho mình.
Vấn đề nằm ở vị trí thi đấu và chính bản thân tài năng trẻ này. Sở trường của Công Phượng là tiền đạo và tiền đạo lùi, nhưng ở đội tuyển Việt Nam lúc này với đẳng cấp, kinh nghiệm dày dạn và sức ảnh hưởng, Công Vinh là bất khả xâm phạm; kế đến là Văn Quyết. Trong 4 trận mà HLV Hữu Thắng sử dụng sơ đồ 2 tiền đạo, Văn Quyết - Công Vinh đá cùng nhau tới 3 trận. Cả trước đó khi Toshiya Miura còn tại vị, cặp Văn Quyết - Công Vinh cũng là sự lựa chọn số 1. Các thống kê cũng cho thấy phong độ của Công Phượng không thể so sánh với 2 đàn anh. Dưới thời Hữu Thắng, Công Vinh đã ghi 10 bàn, là chân sút tốt nhất của đội tuyển. Văn Quyết dù chỉ có 1 bàn nhưng là trung tâm trong các đường lên bóng, một “số 10” đích thực. Rõ ràng ở vị trí tiền đạo, dưới con mắt người cầm quân, Công Phượng vẫn còn “xanh”, là của để dành.
Công Phượng cũng có thể lùi lại đá tiền vệ công, nhưng trong vai trò này anh không thể tốt hơn 2 đồng môn Tuấn Anh, Xuân Trường. Còn chơi dạt cánh thì HLV Hữu Thắng lại đang sở hữu quá nhiều những tiền vệ sở trường bám biên xuất sắc, trong đó kể cả người từng là “cặp bài trùng” với Công Phượng là Văn Toàn (cũng được đào tạo trở thành một tiền đạo nhưng đã biết thích nghi rất tốt theo yêu cầu HLV để tìm được chỗ đứng trong đội hình).
Công Phượng phải dự bị dài dài là dễ hiểu. Có lẽ kỳ AFF Cup cuối năm nay chưa phải là của Công Phượng - trừ phi trong giải anh có màn thăng hoa, tỏa sáng xuất thần; nhưng thời của tiền đạo trẻ này sẽ là SEA Games 2017 và AFF Cup 2018. Mới 21 tuổi, có tố chất trời ban và kỹ năng cơ bản cực tốt, Công Phượng còn cả tương lai rộng mở trước mặt. Tuy nhiên, lúc này anh cần có những lời khuyên, sự động viên, chỉ bảo chân tình từ những người lớn, đặc biệt là HLV Hữu Thắng, để tránh sự thoái chí, nản lòng dễ vướng ở người trẻ. Với bản thân, Công Phượng phải ý thức tương lai, sự nghiệp còn rất dài, cần rèn luyện, phấn đấu hơn nữa, đồng thời có những điều chỉnh để thích ứng, hòa nhập lối chơi của đội tuyển, giành vị trí trong đội hình chính.
Trần Đỗ