Thể thao

Kết thúc ABG5 - Đà Nẵng 2016: Chủ nhà Việt Nam áp đảo

Sau 2 tuần tranh tài, tối 3-10, Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 với chủ đề "Tỏa sáng đại dương - rực sáng tương lai", đã khép lại bằng lễ bế mạc tại quảng trường Công viên Biển Đông, TP.Đà Nẵng.

Sau 2 tuần tranh tài, tối qua 3-10, Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016 với chủ đề “Tỏa sáng đại dương - rực sáng tương lai”, đã khép lại bằng lễ bế mạc tại quảng trường Công viên Biển Đông, TP.Đà Nẵng. 

Phó chủ tịch Hội đồng Olympic Châu Á (OCA) nhận cờ từ Bộ trưởng Bộ VHTT & DL Nguyễn Ngọc Thiện
Phó chủ tịch Hội đồng Olympic Châu Á (OCA) nhận cờ từ Bộ trưởng Bộ VHTT & DL Nguyễn Ngọc Thiện

* Tìm vàng trên cát

Chỉ đặt chỉ tiêu có 18-22 HCV, đứng trong tốp 5 hoặc tốp 3 đại hội, nhưng đoàn thể thao Việt Nam đã giành tới 52 HCV (cùng 44 HCB, 43 HCĐ), dẫn đầu một cách vô đối ABG5, khi bỏ xa 2 đoàn đứng đầu kỳ đại hội trước là Thái Lan tới 16 HCV và Trung Quốc... 40 HCV(!) cùng những cường quốc thể thao châu Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc.

Do hiện vẫn chưa có quốc gia nào đăng cai ABG6-2020 (dự kiến ban đầu là TP.Goa của Ấn Độ), nên trong lễ bế mạc tối qua, Việt Nam đành phải “trả cờ” lại cho Hội đồng Olympic châu Á thay vì bàn giao cho nước chủ nhà kế tiếp.

Dẫn đầu mang về “cơn mưa” vàng cho nước chủ nhà là pencak silat với 9 nội dung vô địch (cùng 4 HCB, 2 HCĐ). Đội tuyển đá cầu lập kỳ tích chiến thắng ở toàn bộ 7 trận chung kết. Các VĐV Việt Nam cũng thống trị tuyệt đối ở các nội dung điền kinh trên bãi biển với 6 HCV, 7 HCB, 2 HCĐ. Bên cạnh đó là các môn: võ cổ truyền (5 HCV); thể hình bãi biển, muay, kurash (cùng 4 HCV); vovinam, bóng gỗ (3 HCV); vật (2); và bóng ném, bi sắt, cầu mây, jujitsu, sambo, bóng ném nữ, mỗi môn 1 HCV.

Màn pháo hoa đẹp mắt tại lễ bế mạc
Màn pháo hoa đẹp mắt tại lễ bế mạc

Đây thực sự là thành tích nằm ngoài sức tưởng tượng khi số HCV giành được tại Đà Nẵng hơn gấp 5 lần tổng cộng cả 4 kỳ tham dự ABG trước đó (chỉ có 10 HCV). Sau 2 chiếc HCV của thể hình và pencak silat trong lần đầu tiên góp mặt ABG tại Bali, Indonesia 2008, thể thao Việt Nam “trắng” vàng ở kỳ đại hội liên tiếp sau đó ở Muscat (Oman) 2010 và Haiyang (Trung Quốc) 2012. Hai năm trước tại bãi biển Phuket, Thái Lan là kỳ ABG thành công nhất của thể thao Việt Nam, nhưng cũng chỉ xếp thứ 5 với 8 HCV.

Tuy nhiên giới chuyên môn, những người làm thể thao lại chẳng mấy quan tâm, vui mừng trước thành quả này, bởi đây chỉ là một đại hội thể thao bãi biển nặng về tính giải trí, du lịch, chứ hoàn toàn không phải là sân chơi của thể thao thành tích cao châu lục. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta là nước chủ nhà thứ 4 trong 5 lần tổ chức ABG giành vị trí nhất toàn đoàn. Nếu đoàn thể thao Việt Nam tham dự với con số kỷ lục 320 VĐV, trong đó có nhiều tuyển thủ quốc gia ở các môn trong nhà, chuẩn bị tập luyện ròng rã cả năm qua thì ngoài Thái Lan, các quốc gia mạnh đều chỉ cử đến một lực lượng khiêm tốn và hầu hết đều không phải là các VĐV hàng đầu, chuyên nghiệp.

Đội bóng ném nữ Việt Nam đoạt huy chương vàng. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Đội bóng ném nữ Việt Nam đoạt huy chương vàng. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Hơn nữa, cũng chẳng có gì để “hồ hởi, phấn khởi, tự hào” khi trong tổng số 139 huy chương giành được của nước chủ nhà ABG5 có rất ít môn thể thao bãi biển thực thụ mà hầu hết là từ các môn “giả cầy” trên bờ mang xuống biển. Như những chiếc huy chương trên cát, ngày mai một cơn sóng biển sẽ xóa đi, lãng quên tất cả.

* Hơn 300 tỷ đồng chỉ để “mua vui một vài trống canh”

Kinh phí tổ chức ABG5 được Thủ tướng chính thức phê duyệt là 373 tỷ đồng (trên đề xuất 460 tỷ của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch). Trong đó, ngoài nguồn thu 46 tỷ đồng từ lệ phí tham dự của các đoàn, BTC dự kiến chỉ “làm ra” được khoảng 22 tỷ đồng từ vận động tài trợ (nhà tài trợ chính lại là Tập đoàn FBT của... Thái Lan). Tức, ngân sách nước chủ nhà phải bỏ ra hơn 300 tỷ đồng.

Với kinh phí lớn như thế và sự “thành công rực rỡ” về thành tích của chủ nhà, nhưng dư luận và giới truyền thông lại hết sức thờ ơ với đại hội. Rõ ràng công tác marketing, truyền thông của BTC là rất kém. Ý nghĩa và mục đích hướng tới của ABG không là thành tích mà thông qua thi đấu thể thao để giới thiệu, phát triển tiềm năng du lịch biển, tuy nhiên không có bất kỳ một tour du lịch nào đến với Đà Nẵng thông qua ABG5. Lập luận 3 ngàn quan chức, HLV, VĐV tham dự đại hội khi về nước sẽ góp phần quảng bá cho du lịch Việt Nam hay trở lại chỉ là sự chống chế.

Không nói đâu xa, ngay người Đà Nẵng cho đến cận ngày khai mạc vẫn rất mù mờ về một đại hội thể thao châu lục diễn ra ở thành phố của mình. Không khí sôi động ở các địa điểm thi đấu võ thuật, bóng đá bãi biển..., hay vài buổi biểu diễn nghệ thuật đường phố những ngày sau đó chỉ là “mua vui cũng được một vài trống canh”.

Trần Đỗ

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        954,347       434