Bạn đọc

Nên đổi thói quen "trữ" thực phẩm dịp Tết

Nhiều người có quan niệm Tết là thứ gì cũng phải có, phải đầy để mong cả năm được ấm no, đầy đủ nên thường mua và trữ rất nhiều loại thực phẩm trong dịp Tết. Việc này khiến tủ lạnh "quá tải" dẫn đến thực phẩm mất sự tươi ngon, phát sinh độc tố, giảm chất lượng do lưu trữ quá lâu trong điều kiện bảo quản không đúng cách.

Nhiều người có quan niệm Tết là thứ gì cũng phải có, phải đầy để mong cả năm được ấm no, đầy đủ nên thường mua và trữ rất nhiều loại thực phẩm trong dịp Tết. Việc này khiến tủ lạnh “quá tải” dẫn đến thực phẩm mất sự tươi ngon, phát sinh độc tố, giảm chất lượng do lưu trữ quá lâu trong điều kiện bảo quản không đúng cách.

Ngày càng có nhiều người chọn mua thực phẩm tại các siêu thị để đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua thực phẩm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: P.Liễu
Ngày càng có nhiều người chọn mua thực phẩm tại các siêu thị để đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua thực phẩm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: P.Liễu

Hiện nay, các cửa hàng, siêu thị, chợ hoạt động lại rất sớm, ngay ngày mùng 2 Tết nhiều nơi đã khai trương bán hàng, hàng quán cũng đã mở cửa. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân không nên trữ nhiều thực phẩm.

* Thấy gì cũng muốn mua

Tết năm nào bà Đặng Thị Thảo (ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cũng lên một “danh sách” các loại thực phẩm cần mua và “dặn” mình chỉ mua những gì trong kế hoạch nhưng rồi Tết nào bà cũng khuân về đủ thứ khiến cho tủ lạnh đầy ắp.

Bà Thảo cho biết: “Năm nào nhà tôi cũng hết tháng Giêng mới “giải quyết” xong số thực phẩm mua hôm Tết. Trong khi Tết đi chơi, chúc Tết người thân nên ăn uống không nhiều. Vả lại, Tết đến nhà ai cũng đãi thịt thà nên rất ngán. Thực phẩm trữ lạnh rồi cũng không còn ngon nữa, mua vào dịp tết giá lại đắt đỏ”.

Tương tự chị Nguyễn Ngọc Thanh Thanh (ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết: “Nhiều năm mẹ tôi mua rất nhiều thực phẩm tích trữ nhưng có những thứ sau Tết cả tháng cũng chưa sờ đến. Lúc bỏ ra thì không ngon nữa, ăn thì dở, bỏ thì tiếc”.

Thời điểm này, lượng thực phẩm từ các nguồn, các nơi đổ về các chợ rất lớn. Đây cũng là dịp nhiều loại thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng được bán trà trộn. Ham rẻ hoặc không tinh ý, người mua  sẽ dễ  bị nhầm.

Tết năm nay, bà Nguyễn Thị Lệ (ngụ phường Phước Tân, TP.Biên Hòa) cẩn trọng hơn khi chọn mua tôm, mực khô, bởi Tết năm 2019, bà đã mua phải hàng trôi nổi, kém chất lượng. Bà Lệ cho biết, đi chợ hôm 25 Tết năm ngoái, bà thấy một người bán các loại mực khô, tôm khô, cá đù, mực một nắng rất ngon với giá mềm hơn so với thời điểm cận Tết. Nhìn con mực một nắng loại 1 kg 2 con trắng phau, dày thịt rất ngon nên bà mua 2kg với giá 450 ngàn đồng/kg; thêm nửa ký tôm khô, nửa ký mực xé sợi để ăn với củ kiệu. Mùng 2 Tết ăn cơm gia đình, con bà đem mực một nắng ra nướng thì mới biết mua phải thực phẩm kém chất lượng.

Bà Lệ kể, khi nướng lên con mực này cứ duỗi đơ, xé không có thớ và càng nướng chỉ càng khét chứ không có mùi thơm của hải sản nướng. Còn khô mực xé sợi và tôm khô trộn với khổ qua bào, bị ngấm nước sợi mực nở to, kéo căng thấy có sự đàn hồi như dây thun, còn tôm nõn thì cứ dai, nhai hoài không đứt. Sợ quá, gia đình bà bỏ luôn không dám ăn.

* Đừng thứ gì cũng cho vào tủ lạnh

Mua và trữ nhiều thực phẩm trong dịp Tết là tâm lý chung của nhiều gia đình. Song, theo bác sĩ Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai (Sở Y tế), các gia đình chỉ nên mua một lượng thực phẩm vừa phải và lưu trữ, bảo quản đúng cách để giữ được chất lượng tươi ngon, phòng tránh ngộ độc. Bởi ngay cả khi bảo quản trong điều kiện lạnh, vẫn có những vi sinh vật phát triển trên thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Việc để thực phẩm sống chung với thực phẩm đã nấu chín trong tủ lạnh dễ gây nhiễm khuẩn, không đảm bảo an toàn thực phẩm
Việc để thực phẩm sống chung với thực phẩm đã nấu chín trong tủ lạnh dễ gây nhiễm khuẩn, không đảm bảo an toàn thực phẩm

Về lựa chọn thực phẩm đóng gói đã qua sơ chế, theo khuyến cáo của bác sĩ Hữu, nên chọn mua thực phẩm của những nhà sản xuất có thương hiệu, bao bì nguyên vẹn, nhãn mác, hạn dùng in trên bao bì đầy đủ. Hiện nay có nhiều loại thực phẩm cũng đã được in mã truy xuất nguồn gốc, người mua có thể dùng app quét mã để kiểm tra.

Riêng đối với thực phẩm là thịt và các chế phẩm từ thịt, bác sĩ Hữu khuyến cáo chỉ nên mua lượng vừa ăn trong 3-5 ngày, hạn chế phải trữ đông lượng lớn trong thời gian dài. Khi phải trữ đông nên rửa sạch, chia theo từng phần đủ ăn, để trong hộp hoặc bọc lại, không nên tiếp tục cấp đông thực phẩm đã rã đông. Khi tủ lạnh lưu trữ một lượng thực phẩm lớn, cần điều chỉnh nhiệt độ xuống từ -8OC đến -10OC, nếu không sẽ gây ra tình trạng thực phẩm phân hủy, không chỉ giảm chất lượng mà còn phát sinh ra nhiều loại vi khuẩn.

Theo bác sĩ Hữu, đối với tủ lạnh nhiều ngăn, nên để riêng thực phẩm sống - chín, không để chung vì dễ bị “nhiễm chéo” các loại vi khuẩn từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín. Còn với rau xanh, trái cây cũng nên loại bỏ quả dập hư, bỏ lá sâu, cắt rễ, nên sơ chế rồi cho vào túi trữ thực phẩm, để ngăn mát. Đừng thứ gì cũng cho vào tủ lạnh để đỡ “vất vả”, đỡ lãng phí và tiện trong việc bảo quản thực phẩm nhằm giữ gìn an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe để vui Xuân, đón Tết.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        118,023       39