Bạn đọc

Xe buýt cần nâng chất lượng phục vụ để thu hút khách

Từ ngày 17 đến 19-9, trên Báo Đồng Nai đăng loạt bài Xe buýt trong chiến lược phát triển giao thông công cộng phản ánh về thực trạng mạng lưới xe buýt tại Đồng Nai ngày càng tăng về số lượng xe nhưng lại giảm về số lượng hành khách. Sau khi các bài báo được đăng tải, Báo Đồng Nai đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Tuyến xe buýt số 7 (Bến xe Biên Hòa - Bến xe Vĩnh Cửu), phương tiện được thay thế hoàn toàn bằng xe chất lượng cao, hiện đại để thu hút hành khách. Trong ảnh: Nhân viên tuyến xe buýt số 7 đang bảo dưỡng xe trước khi xuất bến
Tuyến xe buýt số 7 (Bến xe Biên Hòa - Bến xe Vĩnh Cửu), phương tiện được thay thế hoàn toàn bằng xe chất lượng cao, hiện đại để thu hút hành khách. Trong ảnh: Nhân viên tuyến xe buýt số 7 đang bảo dưỡng xe trước khi xuất bến. Ảnh:T.Hải

TIN LIÊN QUAN
Nhiều ý kiến bạn đọc đồng tình với quan điểm của các bài báo, xe buýt vẫn là một phương tiện giao thông công cộng quan trọng. Để người dân không “quay lưng” thì xe buýt phải liên tục đổi mới.

Bà Nguyễn Nhiều (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất): Tôi vẫn chọn xe buýt nếu xe buýt có sự đổi mới

Đọc loạt bài Xe buýt trong chiến lược phát triển giao thông công cộng của Báo Đồng Nai, tôi rất đồng tình với các ý kiến cho rằng người dân không “mặn mà” với xe buýt do nhiều xe xuống cấp, chờ đợi lâu, trang thiết bị không được đầu tư hiện đại.

Nhiều năm nay, tôi và những người dân ở xã Hưng Lộc thường đi TP.Biên Hòa bằng xe buýt số 16. Phải nói rằng, tuyến xe này rất hữu ích, giúp người dân di chuyển tiện lợi và tiết kiệm hơn 50% chi phí so với các xe dịch vụ khác. Xe buýt 16 lại đi qua nhiều bệnh viện lớn trong tỉnh như: Bệnh viện đa khoa khu vực Thống Nhất, Bệnh viện ITO Hoàn Mỹ...

Tiện lợi là thế nhưng hành khách vẫn còn phàn nàn nhiều vì chất lượng phục vụ của nhà xe còn nhiều hạn chế: hầu hết các xe đều cũ kỹ, xuống cấp; thời gian chờ đợi lâu; thiếu chỗ ngồi, đi đường xa mà phải đứng lâu nên nhiều người tỏ ra khá mệt mỏi. Đó là chưa kể, một số tài xế còn phóng nhanh, vượt ẩu, bấm còi ầm ĩ khiến hành khách nơm nớp lo sợ và khó chịu.  Do đó, tôi đồng ý với vấn đề nêu ra tại loạt bài Xe buýt trong chiến lược phát triển giao thông công cộng của Báo Đồng Nai, các doanh nghiệp phải tự đổi mới để “cứu” mình; cần nâng cao chất lượng phục vụ, đầu tư xe mới, nhất là các tuyến đường dài như tuyến xe buýt 16 để thu hút khách.

Chị Trần Thanh Thảo (ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa): Xe buýt nào cũng được như tuyến 150 thì hay quá

Nhiều năm nay, tôi thường ra Bến xe ngã tư Vũng Tàu (phường An Bình, TP.Biên Hòa) để đón xe buýt 150 lên TP.Hồ Chí Minh và cảm thấy rất hài lòng với chất lượng dịch vụ từ xe buýt này mang lại. Với giá vé rẻ, toàn tuyến chỉ tốn có 7 ngàn đồng nhưng hành khách được ngồi trong xe có máy lạnh mát mẻ, ghế ngồi sạch sẽ; cứ khoảng 4-15 phút là có 1 chuyến; thời gian hoạt động từ 4 giờ 30 đến 21 giờ hằng ngày. Đó là chưa kể lộ trình xe buýt 150 đi ngang qua nhiều tuyến đường lớn của trung tâm thành phố nên rất tiện lợi cho người có nhu cầu học tập và khám bệnh.

Nếu xe buýt nào cũng được như xe buýt 150 thì hay quá, chắc chắn nhiều người sẽ lựa chọn xe buýt để đi lại hằng ngày vì vừa đỡ tốn kém chi phí, vừa tiện lợi, an toàn.

Ông Trần Văn Thành (lái xe đưa đón công nhân ở TP.Biên Hòa): Cần đa dạng các tuyến xe buýt

Hiện nay, nhiều người muốn đi xe buýt nhưng không có nơi để gửi xe máy. Do đó, muốn xây dựng mạng lưới xe buýt hoàn chỉnh, phải mở thêm nhiều điểm trung chuyển xe buýt để người dân có thể chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng nhằm kết nối giữa tuyến xe buýt này với tuyến xe khác; đồng thời, cần mở mới nhiều tuyến xe tiếp cận các khu công nghiệp, khu dân cư có đông công nhân, người lao động với giá rẻ, tiện nghi và thời gian di chuyển nhanh.

Bà Võ Thị Mỹ Phương (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa): Mong xây dựng được các tuyến xe buýt kết nối đô thị

Tôi là giáo viên dạy tiếng Nhật nên thường đi lại giữa TP.Biên Hòa với TP.Hồ Chí Minh khoảng 3 buổi/tuần. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất của tôi là phải di chuyển qua nhiều chuyến xe buýt mới tới được nơi làm việc và ngược lại. Điều này vừa bất tiện lại tốn thời gian rất nhiều. Do đó, điều kiện cần thiết cho xe buýt phát triển là mạng lưới giao thông, điều kiện về hạ tầng phải tương xứng và đồng bộ; đồng thời xe buýt phải cải thiện về thời gian chuyến đi, đảm bảo tính an toàn, tính tiện nghi trong chuyến đi... thì người dân mới chọn đi loại phương tiện này.

Ông Đoàn Văn Hà (ngụ xã Phú Thịnh, huyện Tân Phú): Chú trọng cung cách phục vụ chuyên nghiệp

Tôi thường đi lại bằng xe buýt, bởi so với đi xe máy thì đi xe buýt dẫu có bất tiện hơn vì phải phụ thuộc vào lịch trình các tuyến cũng như khung giờ xe hoạt động, thế nhưng phải nhìn nhận đi xe buýt vừa có lợi về kinh tế, vừa đảm bảo an toàn hơn so với đi xe máy. Hiện nay, tôi thấy hoạt động của xe buýt vẫn còn nhiều bất cập phải thay đổi để phục vụ hành khách tốt hơn.

Các tuyến xe từ Đồng Nai đi TP.Hồ Chí Minh và các địa phương khác hiện người dân có nhu cầu rất nhiều nên thường xảy ra tình trạng nhồi nhét, bắt khách dọc đường. Hơn nữa, tình trạng mất an ninh, mất cắp, buôn bán hàng rong trên xe vẫn còn xảy ra. Một số nhân viên phục vụ còn thiếu chuyên nghiệp; khi khách gặp khó khăn, thắc mắc, nhưng không được giải đáp thuận tình, đôi lúc còn gắt gỏng, lớn tiếng với người đi. Nếu giải quyết những tồn tại này, tôi tin người dân sẽ đón nhận, cởi mở hơn với xe buýt.

Kim Liễu - Đăng Tùng - Thanh Hải (ghi)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        122,644       38