Bạn đọc

Sao không được phun thuốc diệt muỗi?

Những tuần qua, có nhiều người dân ở Khu dân cư Tân Thuận (thuộc tổ 18, KP.5, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) bị sốt xuất huyết (SXH). Các hộ dân nơi đây đã kiến nghị ngành Y tế cho phun thuốc diệt muỗi nhưng đến nay chưa được chấp thuận.

Một hộ dân trong Khu dân cư Tân Thuận (KP.5, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) trồng sen trong bồn nhưng không thả cá bảy màu để diệt lăng quăng
Một hộ dân trong Khu dân cư Tân Thuận (KP.5, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) trồng sen trong bồn nhưng không thả cá bảy màu để diệt lăng quăng. Ảnh:A.Nhiên

Đến nay, trong Khu dân cư Tân Thuận đã có 15 trường hợp bị SXH, cá biệt có nhà có đến 5 người bị SXH.

* Người dân lo lắng…

Bà Nguyễn Thị Luân cho biết, những ngày qua là “nỗi ám ảnh” với gia đình bà khi có đến  5/6 thành viên trong nhà bị SXH phải nhập viện để điều trị, có thời điểm có đến 3 người nằm viện cùng một lúc. Trong đó, cháu trai 7 tuổi của bà bị SXH nặng nhất. Dù mới sốt 2 ngày nhưng cháu đã có biến chứng đông máu, rất may được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không để lại di chứng nặng.

Bà Nguyễn Thị Mộng Hà (ngụ tổ 18, KP.5, phường Tân Hiệp) kiến nghị: “Trong gần 3 tuần lễ có tới 15 ca SXH khiến chúng tôi rất lo lắng. Dù chúng tôi đã dọn dẹp nhà cửa, các khu vực xung quanh sạch sẽ nhưng vẫn có người bị SXH. Rất mong chính quyền địa phương và ngành Y tế triển khai phun thuốc diệt muỗi để góp phần ngăn ngừa hữu hiệu tình trạng muỗi gây bệnh SXH sinh trưởng, tránh dịch bùng phát ở khu vực này”.

Ông Nguyễn Văn Điềm, Tổ trưởng tổ 18, KP.5 cho biết, trước tình hình dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp trong cả tỉnh nói chung và ở Khu dân cư Tân Thuận nói riêng khiến các hộ dân sinh sống ở đây hết sức lo lắng.

“Ngay khi trong khu dân cư xuất hiện hơn 5 ca mắc SXH, tôi đã báo lên UBND phường, một số người dân cũng phản ảnh lên Trạm y tế phường Tân Hiệp yêu cầu cho phun thuốc dập dịch, nhằm ngăn chặn muỗi gây bệnh SXH sinh trưởng nhưng chờ mãi vẫn không thấy ai xuống phun thuốc. Liên tục 2 tuần sau đó, các số ca mắc SXH không ngừng tăng” - ông Điềm nói. 

Sốt ruột khi thấy số ca bệnh trong xóm cứ tăng lên, bà Nguyễn Thị Mộng Hà (ngụ tổ 18, KP.5) cho biết: “Khi chúng tôi phản ảnh lên trạm y tế, đã có 2 cán bộ y tế xuống khảo sát và yêu cầu người dân phát quang bụi rậm, dọn dẹp các lu chậu, bình hoa chứa nước không để cho muỗi sinh sản. Khi bà con ở đây yêu cầu được phun thuốc diệt muỗi, 2 cán bộ này nói Trạm y tế phường không có thuốc, phải báo cáo lên thành phố, nếu xác định đúng là ổ dịch mới cho phun thuốc diệt muỗi diện rộng”.

* Chưa đủ điều kiện là một ổ dịch?

Qua ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, Khu dân cư Tân Thuận có khoảng 50 hộ dân sinh sống. Đây là khu dân cư được quy hoạch, hầu hết là nhà cao tầng, ý thức giữ gìn vệ sinh trong mỗi gia đình khá tốt. Tuy nhiên, xung quanh khu dân cư này vẫn còn một số mảnh đất trống chưa được xây dựng, cây cỏ mọc um tùm; nhiều nhà dân đặt chậu kiểng, hồ cá, bồn thả sen (nhưng không thả cá bảy màu để diệt muỗi) trước nhà... Đây là một trong những nguyên nhân chính phát sinh muỗi gây bệnh SXH ở khu dân cư này.

Trưởng Trạm y tế phường Tân Hiệp Nguyễn Văn Hoa cho biết, khi nhận được phản ảnh của người dân, nhân viên y tế đã xuống lập biên bản ổ dịch, giám sát và theo dõi thời điểm xuất hiện các ca bệnh và báo lên Trung tâm y tế TP.Biên Hòa; đồng thời vận động người dân dọn dẹp vệ sinh nơi sinh sống. Vì muỗi mang mầm bệnh SXH có thể bay từ nơi này sang nơi khác, nếu chỉ sạch nhà mình thôi chưa đủ, mà phải cùng nhau dọn dẹp những bụi rậm, cống rãnh quanh khu vực thì muỗi mới không có điều kiện sinh trưởng.

Bà Nguyễn Thị Luân (ngụ tổ 18, KP.5, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) xịt thuốc diệt muỗi khu vực trồng cây kiểng
Bà Nguyễn Thị Luân (ngụ tổ 18, KP.5, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) xịt thuốc diệt muỗi khu vực trồng cây kiểng

Riêng đề nghị của người dân về việc phun thuốc dập dịch, ông Hoa cho biết, vào thời điểm khảo sát, Trung tâm y tế TP.Biên Hòa  xác định khu dân cư này chưa đủ điều kiện là một ổ dịch nên không triển khai phun thuốc dập dịch.

Bác sĩ Trần Minh Hòa, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, trong phòng chống dịch SXH điều quan trọng nhất là diệt lăng quăng, không có lăng quăng thì không có muỗi, không có muỗi thì không có bệnh SXH. Việc phun thuốc diệt muỗi diện rộng không phải là giải pháp tối ưu nhất mà chỉ hạn chế phần nào tình trạng muỗi gây bệnh SXH sinh trưởng.

Theo quy định của Bộ Y tế, điều kiện để xác định ổ dịch SXH, là khi một nơi (xóm, tổ dân phố, cụm dân cư) có 2 trường hợp mắc SXH (có kết quả xét nghiệm là dương tính với virus Dengue gây bệnh SXH), xảy ra trong vòng 14 ngày; đồng thời phát hiện khu vực này có lăng quăng, muỗi truyền bệnh. 

Do đó, bác sĩ Trần Minh Hòa cho biết: “Nếu trong vòng 3 tuần mà có đến 15 ca SXH xuất hiện trong cụm dân cư này, có thể ở đây đã xuất hiện ổ dịch SXH nhỏ. Chúng tôi sẽ chỉ đạo Trung tâm y tế TP.Biên Hòa xuống khảo sát, theo dõi và cho phun thuốc diệt muỗi nếu xác định đây là ổ dịch cần dập”.

                An Nhiên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        157,031       176