Bạn đọc

Động tác phản cảm trong thể thao: Chỉ nên nhắc nhở, chưa xử phạt

Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực từ ngày 1-8-2019, quy định sử dụng các bài tập, các động tác mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy sẽ bị phạt chế tài. Nhưng thế nào là mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy lại chưa được làm rõ trong nghị định này. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông NGUYỄN XUÂN THANH, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho rằng, chỉ nên khuyến cáo, nhắc nhở, chưa nên xử phạt.

Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Xuân Thanh
Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Xuân Thanh

Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực từ ngày 1-8-2019, quy định sử dụng các bài tập, các động tác mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy sẽ bị phạt chế tài. Nhưng thế nào là mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy lại chưa được làm rõ trong nghị định này. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông NGUYỄN XUÂN THANH, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho rằng, chỉ nên khuyến cáo, nhắc nhở, chưa nên xử phạt.

* Là người làm công tác quản lý, ông có suy nghĩ gì về quy định xử phạt đối với các bài tập, động tác thể thao được cho là khiêu dâm, đồi trụy?

- Sau khi Nghị định 46/2019-CP ngày 27-5-2019 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-8-2019, nhiều lãnh đạo, huấn luyện viên và vận động viên hoạt động trong lĩnh vực thể thao có những quan ngại về quy định chế tài trong nghị định này. Từ đầu tháng 8 đến nay, Đồng Nai đã giao lưu và đăng cai tổ chức nhiều cuộc thi, giải đấu thể thao toàn quốc, có điều kiện gặp gỡ, tôi thấy nhiều anh em trong ngành đã có những trải lòng quanh vấn đề này, nói chung là còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đúng là thời gian qua có một số trường hợp đã biến tấu, sửa đổi những bài tập, động tác hay sáng tạo ra một môn thể thao mới với những động tác rất phản cảm, gây bức xúc cho người xem. Điển hình như  màn múa thể thao của nhóm nữ biểu diễn ở Công viên văn hóa Đầm Sen (TP.Hồ Chí Minh) với những động tác khiêu dâm, tục tĩu khiến người lớn xem cũng phải ngại. Hiện nay cũng có một số người tập bán chuyên nghiệp khi đến phòng gym, phòng khiêu vũ đã cố tình “biến tấu” trang phục, động tác, cố ý để lộ phần nhạy cảm của cơ thể, tạo nên những hình ảnh phản cảm hoặc yoga khỏa thân... Những trường hợp này thì nên chấn chỉnh. Tôi hoan nghênh việc sớm có những quy định chế tài đối với các hoạt động thể thao kém lành mạnh, mang tính kích động, khiêu dâm nhằm làm cho môi trường thể thao ngày một đẹp hơn, trong sạch và lành mạnh hơn.

* Theo ông, những động tác thể thao nào được coi là có tính chất khiêu dâm, đồi trụy?

- Nghị định đã có hiệu lực thi hành nhưng vẫn không quy định rõ bài tập, động tác, trang phục biểu diễn như thế nào là có tính chất khiêu dâm, đồi trụy. Quy định mang tính chung chung này gây hoang mang, lo lắng cho những huấn luyện viên, vận động viên đang tập những môn thể thao đòi hỏi phải có hình thức đẹp từ hình thể, trang phục, động tác biểu diễn như: khiêu vũ thể thao, thể dục thể hình, bóng chuyền bãi biển, thể dục nhịp điệu...

Không nói đến những động tác mà người biểu diễn bán chuyên nghiệp cố tình khiêu gợi, kích động với mục đích không trong sáng, thì trong thể thao chuyên nghiệp, một động tác được xem là đẹp, là nghệ thuật hay khiêu dâm, phản cảm còn tùy thuộc vào người xem.

* Theo ông, quy định xử phạt này có khả thi?

- Cho đến nay, thể thao chuyên nghiệp tại Đồng Nai cũng như trong cả nước chưa có trường hợp nào bị xử phạt theo quy định này. Nhưng theo tôi, muốn xử phạt được cần phải có quy định cụ thể, mô tả chi tiết bằng hình ảnh thế nào là hành vi, động tác khiêu dâm, đồi trụy. Sau khi có được quy định chi tiết, nếu vận động viên nào có động tác, trang phục thi đấu được cho hoặc có dấu hiệu là phản cảm, khiêu dâm, đồi trụy thì phải lập hội đồng xem xét, đánh giá mức độ vi phạm và lập biên bản vi phạm... Ngay cả việc đánh giá động tác đó, trang phục đó có thực sự phản cảm, có đồi trụy hay không cũng là vấn đề gây tranh cãi. Bởi cùng một động tác nhưng với người này là phản cảm, với người kia là đẹp... rất khó để kết luận là vận động viên đó có vi phạm hay không. Đưa những hành vi này vào nghị định để có cơ sở kiểm tra, xử lý nhưng theo tôi chỉ nên nhắc nhở, răn đe là chính. Nếu đối tượng cố ý, vi phạm nhiều lần thì mới xử phạt.

* Để không bị vướng vào những quy định cấm, sở đã có khuyến cáo nào đối với đội ngũ hoạt động thể thao tỉnh nhà, thưa ông?

- Công tác hướng dẫn, tư vấn, giáo dục về đạo đức nghề nghiệp, về giao tiếp, ứng xử, về trang phục tập luyện và phong cách biểu diễn của các vận động viên được các huấn luyện viên thường xuyên nhắc nhở. Từ nghị định này, để các vận động viên khi biểu diễn, thi đấu tâm lý không bất ổn, băn khoăn, lo lắng liệu mình có bị xử phạt không, gây ảnh hưởng đến kết quả, chúng tôi cũng nhắc nhở thêm các em nên nghiêm túc thực hiện theo Luật Thể dục thể thao và theo hướng dẫn của huấn luyện viên.

 Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        157,049       428