Hơn 20 nhân viên là tài xế, nhân viên bán vé tuyến xe buýt số 1 ở TP.Biên Hòa bức xúc vì đã làm việc hơn 1 năm nhưng vẫn chưa được đơn vị quản lý, khai thác là Công ty TNHH Trí Minh Phát ký hợp đồng lao động, chế độ về bảo hiểm xã hội, lương hằng tháng không được bảo đảm.
Xe buýt tập trung tại Bến xe Trảng Dài sáng 1-8 để yêu cầu công ty thực hiện các chế độ lao động cho người dân |
* Nhân viên tự thu, tự chia tiền lương
Dù làm việc cho công ty nhưng các nhân viên của tuyến xe buýt số 1 phải tự cân đối nguồn thu từ việc bán vé xe buýt cho hành khách để chi trả lương. Do phải trông chờ vào số tiền thu được mỗi ngày nên các nhân viên phải phân công thứ tự người lãnh lương bằng cách bốc thăm. Căn cứ vào số thứ tự này, các nhân viên phải lãnh lương rải rác suốt tháng, trong khi lịch chi trả tiền lương của công ty từ ngày 1-10 hằng tháng.
Tuyến xe buýt số 1 là tuyến xe buýt có trợ giá. Đầu tuyến đặt tại Trường đại học công nghệ Đồng Nai (KP.5, phường Trảng Dài) qua các tuyến đường Bùi Trọng Nghĩa - Đồng Khởi - Dương Tử Giang - Phan Trung - Phạm Văn Thuận - 30-4 - Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thành Phương - Đặng Văn Trơn - cầu An Hảo - đường số 11 (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) - Bến xe Tân Vạn (phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa). Hiện tuyến xe buýt số 1 có 12 chiếc xe buýt được khai thác. Xe được lắp đặt hệ thống camera an ninh trước và sau xe, hệ thống máy lạnh, wifi miễn phí. |
Bà Nguyễn Thị Phương Mai, một trong những nhân viên bán vé của tuyến số 1 và là 1 trong số những người đi làm từ khi tuyến xe buýt số 1 mới đi vào hoạt động đến nay cho biết, do ở nhà trọ nên hằng tháng bà cần phải có tiền trả nhà trọ đúng ngày. Việc công ty chậm chi trả lương đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bà.
Tương tự, anh Nguyễn Hữu Tiến, nhân viên của công ty cũng cho rằng người lao động rất mong muốn công ty thực hiện lời hứa của mình là sớm chi trả lương cho nhân viên. “Chúng tôi đi làm cho công ty nhưng lại phải tự thu, tự chia lương với nhau từng ngày. Lâu nay biết công ty có khó khăn nên các anh chị em nhân viên rất chia sẻ. Tuy nhiên, phía công ty cũng phải có trách nhiệm với chúng tôi hơn để anh em ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc, chấm dứt cảnh bốc thăm lấy số thứ tự để được lãnh lương như hiện nay” - anh Tiến cho hay.
* Nhân viên chưa được ký hợp đồng lao động
Tuyến xe buýt số 1 bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1-2018, tính đến nay đã được 19 tháng nhưng các nhân viên vẫn chưa được ký hợp đồng lao động. Tất cả các chế độ chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều không được thụ hưởng. Một nhân viên lái xe cho biết, nghề lái xe buýt rất vất vả và áp lực do suốt ngày phải chạy ngoài đường nên ai nấy đều mong sớm được ký hợp đồng lao động và hưởng các chế độ theo đúng quy định của pháp luật. Thậm chí, các nhân viên đã từng đề xuất Công ty TNHH Trí Minh Phát đăng ký thẻ bảo hiểm y tế cho nhân viên nhưng cũng chỉ nhận được những lời hứa hẹn.
Ông Nguyễn Thái Dương, nhân viên điều hành điều phối tuyến số 1 xác nhận thực trạng nhân viên không được lãnh lương từ công ty mà phải tự trang trải khiến nhân viên bức xúc đã xảy ra thời gian dài. “Suốt thời gian qua, các nhân viên luôn nghiêm túc chấp hành nội quy của công ty, luôn cố gắng phục vụ hành khách tốt nhất để phía công ty yên tâm. Hiện tại các nhân viên chỉ mong hai điều ở công ty là sớm trả lương và trả đúng hẹn, song song đó phải ký hợp đồng lao động cho nhân viên để bảo đảm các chế độ, chính sách cho nhân viên theo đúng quy định của pháp luật” - ông Dương cho biết.
Trước những bức xúc của nhân viên tuyến xe buýt số 1, ngày 1-8-2019, Sở Giao thông - vận tải đã mời Công ty TNHH Trí Minh Phát, ngân hàng và người lao động cùng ngồi lại tìm hướng giải quyết vụ việc. Các bên đã đi đến thống nhất Công ty TNHH Trí Minh Phát sẽ ký hợp đồng lao động, ngân hàng tạm thời không thu nợ công ty mà để khoản tiền này cho doanh nghiệp trang trải tiền nợ nhân viên. Về lâu dài, nếu Công ty TNHH Trí Minh Phát không bảo đảm được năng lực phục vụ hành khách thì sẽ kiến nghị tìm doanh nghiệp có khả năng thay thế để duy trì hoạt động của tuyến xe buýt số 1. |
Minh Quân