Bạn đọc

Xung quanh các khoản thu đầu năm học

Sau ngày khai giảng, điều mà các bậc phụ huynh quan tâm là là các khoản thu đầu năm học. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT.

Sau ngày khai giảng, điều mà các bậc phụ huynh quan tâm là là các khoản thu đầu năm học. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT.

 Thưa bà, những khoản thu nào đối với từng cấp học mà học sinh phải đóng vào đầu năm học?

- Mức thu học phí trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Quyết định 2642/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đối với mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục: mầm non, phổ thông, thường xuyên, đại học, nghề nghiệp công lập do tỉnh quản lý từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021. Riêng những trường hợp được miễn giảm học phí, sở đã có văn bản hướng dẫn các trường từ đầu tháng 8.

Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế từ các địa phương nên Sở GD-ĐT cho phép các trường được thu thêm ngoài quy định trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh học sinh. Đó là tiền phí để trả công người dọn vệ sinh trên nguyên tắc thu để bù chi, không được phép thu dư. Lâu nay, tình trạng nhà vệ sinh tại các trường học chưa thực hiện tốt dẫn đến mất vệ sinh là có. Vấn đề này không chỉ giáo viên, học sinh mà ngay cả phụ huynh cũng băn khoăn. Hiện nay việc xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh đều được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Thời gian qua, mặc dù nhà trường đã giáo dục học sinh cần có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung nhưng do số lượng học sinh quá đông nên vẫn không bảo đảm theo yêu cầu, vì thế phải có người phụ giúp dọn dẹp, trong khi kinh phí hoạt động của các trường về lĩnh vực này không đủ để chi trả cho nhân công.

 Một trong những khoản thu mà phụ huynh quan tâm như BHYT. Theo bà có nên bắt buộc đóng khoản này từ đầu năm học, nhất là đối với các gia đình khó khăn?

- BHYT bắt buộc được thực hiện theo quy định. Học sinh thuộc đối tượng 4 là diện phải mua tại nhà trường. Tuy nhiên, BHXH không yêu cầu phụ huynh phải đóng một lúc mà có thể chia thành nhiều lần. Chẳng hạn mua từng đợt 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm tùy theo khả năng của mỗi gia đình. Để các phụ huynh hiểu rõ điều này, giáo viên phải hướng dẫn cụ thể cho học sinh, cần thiết phải giải thích thỏa đáng nếu phụ huynh có thắc mắc.

Ngoài BHYT, các khoản phí hoặc loại hình bảo hiểm nào khác là do phụ huynh tự nguyện tham gia. Trường hợp phụ huynh thấy giáo viên có dấu hiệu ép buộc thu các khoản ngoài quy định có thể phản ảnh với Ban giám hiệu nhà trường.

 Nhiều phụ huynh cho rằng ngoài những khoản thu theo quy định, khoản thu nhằm gây quỹ để duy trì hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa hợp lý. Sở có nhận định gì về vấn đề này?

- Theo quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được phép đề xuất khoản cần đóng, còn mức bao nhiêu là do tập thể phụ huynh quyết định. Nói cách khác, đây là khoản thu hoàn toàn tự nguyện bằng cách bàn bạc thống nhất. Lâu nay, có một thực tế dễ gây hiểu lầm vì cách đóng khoản quỹ này tại mỗi lớp theo kiểu người sau nhìn người trước đóng bao nhiêu rồi đóng theo. Ví dụ, người đi sau thấy người trước đóng 300 ngàn đồng thì cũng đóng cùng mức ấy, sau đó mọi người đều chấp nhận. Xin được lưu ý, đây là quỹ đóng góp trên tinh thần tự nguyện, nhà trường không đề ra mức đóng bao nhiêu, thậm chí miễn hẳn đối với gia đình khó khăn không có điều kiện.

Có một thực tế, khi họp phụ huynh có người đề xuất mức đóng hơi cao, trong khi người khác chưa đồng ý nhưng ngại không nêu ý kiến. Do đó, tôi đề nghị quý phụ huynh khi không đồng ý mức đóng nào thì mạnh dạn lên tiếng để mọi người cùng thống nhất.

 Gần đây cũng có ý kiến về hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, thực tế chưa phát huy hết nhiệm vụ như Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT quy định. Quan điểm của sở như thế nào?

- Tất cả điều lệ của hệ thống trường học từ cấp mầm non trở lên đều có Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tại Thông tư 55 cũng quy định hoạt động của ban đại diện này. Tôi nghĩ rằng, nếu có trường hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động không hiệu quả thì cần xem xét lại nguyên nhân do đâu để tìm giải pháp khắc phục.

Hiện nay Ban đại diện cha mẹ học sinh phần lớn là kiêm nhiệm. Thực chất Ban đại diện khi hình thành không phải để thu tiền mà nhiệm vụ lớn nhất chính là cầu nối giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Thời gian qua, nhờ có sự hỗ trợ từ các ban đại diện mà nhiều công trình như: nhà vệ sinh, thiết bị phục vụ dạy và học… của các trường học được nâng cấp, sửa chữa kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được Ban đại diện kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ.

 Xin cảm ơn bà!

Ngọc Liên (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        117,722       47