Bạn đọc

Người trồng mía lao đao

Người dân trồng mía trên địa bàn xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) hiện đang gặp khó khăn gần như trắng tay do liên tiếp mất mùa, trong khi gánh nặng cho những khoản tiền thuê đất, đầu tư cho cây mía không nhỏ.

Cánh đồng mía xã Phú Ngọc (huyện Định Quán).
Cánh đồng mía xã Phú Ngọc (huyện Định Quán).

Gần đây, mọi người lại thêm bức xúc khi phát hiện số tiền thuê đất hằng năm của mình phải tạm đóng cho Công ty cổ phần mía đường La Ngà cao hơn mức tạm thu của cơ quan thuế với công ty, kèm theo đó là một số khúc mắc trong việc ký kết hợp đồng thuê đất chưa được phía công ty phản hồi đúng tâm tư, nguyện vọng.

* Thua lỗ triền miên

Vùng trồng mía khu vực huyện Định Quán thuộc 2 xã Gia Canh và Phú Ngọc có diện tích trên 2,8 ngàn hécta. Tại xã Phú Ngọc hiện có khoảng gần 2 ngàn hộ dân đang sinh sống bằng nghề trồng mía với hình thức thuê đất từ Công ty cổ phần mía đường La Ngà. Trong quá trình canh tác, một số hộ có khai hoang mở rộng thêm diện tích. Tuy nhiên, những năm gần đây cuộc sống người trồng mía trở nên bấp bênh do cây mía không mang lại giá trị kinh tế như mong muốn.

3 năm liên tiếp trở lại đây, hơn 6 hécta mía của ông Nguyễn Văn Hòa (ấp 7, xã Phú Ngọc) luôn thua lỗ từ 5-10 triệu đồng/hécta, điệp khúc mất mùa kéo dài khiến gia đình ông gặp không ít khó khăn. Đã vậy, ông và các hộ trồng mía còn phải đóng phạt năng suất do không đạt đủ số tấn mía/hécta mà phía công ty quy định.

Trả lời những thắc mắc của người dân, ông Trần Văn Ngà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường La Ngà cho biết việc ký lại hợp đồng là do những  yêu cầu mới tại Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ, trên thực tế quyền lợi người dân vẫn không có gì thay đổi. Đối với số tiền thuê đất tạm thu do lâu nay chưa xác định cụ thể vị trí từng thửa đất nên công ty tạm thu theo giá đó. “Sau khi đã xác định vị trí cụ thể từng thửa đất chúng tôi sẽ hoàn trả lại tiền dư đối với những hộ đóng dư, trường hợp nào đóng thiếu (những hộ nằm ở vị trí 2) chúng tôi sẽ thu bù để cân đối” - ông Ngà khẳng định.

Cùng cảnh ngộ, ông Võ Hạnh Phúc (xã Phú Ngọc) gắn bó với nghề trồng mía từ năm 1982 đến nay cũng không thoát khỏi tình trạng mất mùa. Ông Phúc cho biết vụ mía vừa qua chưa tính công chăm sóc cho 4,5 hécta mía khoảng 30 triệu đồng/năm, sau thu hoạch ông vẫn lỗ 5 triệu đồng. Gia đình ông không được công ty hỗ trợ phân bón chăm sóc cho cây mía nên đành phải tự lo hết gần 40 triệu đồng. “Dù khó khăn nhưng phần lớn bà con vẫn bám trụ trồng mía để cung cấp nguyên liệu cho công ty. Chúng tôi rất mong các ngành, các cấp cũng như phía công ty có những quan tâm, hỗ trợ để người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, yên tâm sản xuất ổn định cuộc sống” - ông Phúc chia sẻ.

Theo phản ảnh của người dân, tình trạng cây mía bị thất thu, chất lượng giảm sút xảy ra khoảng 10 năm nay. Không ít hộ dân hiện là “con nợ” của Công ty cổ phần mía đường La Ngà. Do là vùng trồng nguyên liệu mía để cung cấp cho nhà máy đường, nên ngoài đầu mối này nông dân không thể tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Các khâu từ chọn giống đầu tư đến thu hoạch đều do phía công ty quyết định.

Theo kinh nghiệm trồng mía của bà con, thời điểm thu hoạch quyết định chủ yếu chất lượng chữ đường của cây mía. Nếu giống mía tốt và thu hoạch đúng thời điểm thì cây mía thu hoạch cho chữ đường cao. Tuy nhiên, nếu cây mía không được thu hoạch kịp thời sẽ bị khô dẫn đến chữ đường giảm, năng suất không đạt. Thế nhưng, những vụ mùa gần đây nhiều nông dân phải phơi mía trên đồng chờ công ty đến thu hoạch, có trường hợp phải chờ vài tháng mới đến lượt vườn mía của mình.

* Đóng tiền thuê đất cao hơn quy định

Trong khi những khó khăn từ cây mía chưa có hồi kết thì gần đây người dân phát hiện từ năm 2011 đến nay, các hộ dân thuê đất của Công ty cổ phần mía đường La Ngà phải tạm đóng tiền thuê đất cao hơn số tiền mà Cục Thuế Đồng Nai tạm thu đối với công ty.

Nông dân trồng mía xã Phú Ngọc nhiều năm mất mùa vì mía không được thu hoạch kịp thời.
Nông dân trồng mía xã Phú Ngọc nhiều năm mất mùa vì mía không được thu hoạch kịp thời.

Cụ thể, theo Hợp đồng số 111/HĐTĐ giữa UBND tỉnh và Công ty cổ phần mía đường La Ngà thì đất thuộc xã Phú Ngọc được xác định là vị trí 3, từ năm 2011-2015 có giá thuê chưa tới 1,2 triệu đồng/hécta/năm, nhưng công ty vẫn tạm thu của người dân 1,5 triệu đồng/hécta/năm. Từ năm 2016 giá thuê đất được tính theo quy định tại Nghị định 46/2014/NĐ của Chính phủ, theo đó giá thuê đất trồng mía toàn khu vực Định Quán được Cục Thuế Đồng Nai tạm thu 1,2 triệu đồng/hécta/năm, trong khi đó công ty tạm thu của dân 2 triệu đồng/hécta/năm.

Ông Phạm Văn Bảo (ngụ ấp 7, xã Phú Ngọc) bức xúc cho biết lúc người dân đối mặt với thua lỗ thì phía công ty không những không có chế độ xem xét giảm tiền hoặc cho ghi nợ mà vẫn thẳng tay trừ tiền vào mỗi vụ thu hoạch. “Nếu tính từ năm 2011 đến nay, công ty đã thu dư ít nhất gần 8 tỷ đồng tiền thuê đất từ người trồng mía. Chúng tôi không biết mức thu này đã đúng theo quy định của pháp luật hay không, cũng như khoản tiền trên lâu nay được sử dụng như thế nào. Đề nghị ngành chức năng làm rõ vấn đề này” - ông Bảo nói.

Bên cạnh việc thu tiền thuế cao hơn quy định, người dân cho rằng hợp đồng thuê khoán đất mà công ty đang yêu cầu người dân ký lại có nhiều điểm chưa phù hợp. Vì vậy, người dân mong muốn được đối thoại với lãnh đạo công ty để được giải những khúc mắc. Người dân cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét xác nhận phần đất do dân tự khai hoang trong quá trình sản xuất thuộc quyền sử dụng của người dân, không phải đất nằm trong diện tích của Công ty cổ phần mía đường La Ngà cho thuê như lâu nay.

Minh Quân

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        122,071       34