Bạn đọc

Chủ động phòng chống thiên tai mùa mưa bão

Những ngày qua, tình hình thời tiết có những diễn biến phức tạp và đang bước vào cao điểm mùa mưa bão. Nguy cơ ngập lụt, dông lốc, sạt lở… do thiên tai gây ra tại các địa phương trong tỉnh là khó tránh khỏi.

ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi.
Ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi.

Những ngày qua, tình hình thời tiết có những diễn biến phức tạp và đang bước vào cao điểm mùa mưa bão. Nguy cơ ngập lụt, dông lốc, sạt lở… do thiên tai gây ra tại các địa phương trong tỉnh là khó tránh khỏi.

Để người dân hiểu rõ hơn những diễn biến của thời tiết cũng như chuẩn bị các phương án đối phó kịp thời, nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông VŨ QUỐC VIỆT, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh.

 Xin ông cho biết công tác tuyên truyền, kế hoạch ứng phó với diễn biến thời tiết, thiên tai tại các địa phương đến thời điểm này được thực hiện như thế nào?

- Để người dân chủ động ứng phó với tình hình thời tiết mùa mưa bão, thời gian qua Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã tập trung chỉ đạo tuyên truyền ở các địa phương. Đồng thời, phối hợp với Trường đại học thủy lợi và Trường Chính trị tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; tập huấn nâng cao kiến thức về phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai cho cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai ở các huyện, xã.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 7 đến cuối năm 2018 sẽ có khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông. Trong số đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung trong chính mùa bão (tháng 8-11). Ngoài bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, gió mạnh, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như: dông lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ, lũ quét và sạt lở đất sẽ có khả năng xảy ra trên phạm vi toàn quốc.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên tuyên truyền Luật Phòng chống thiên tai và các chính sách hỗ trợ cũng như kế hoạch ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn rộng rãi trong nhân dân, qua nhiều hình thức như: cấp tờ rơi, trên các
pa-nô, áp phích hoặc ngay tại các buổi sinh hoạt tổ dân phố, ấp…

Để thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, thời gian qua Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh luôn duy trì hình thức truyền tin chỉ huy, điều hành trong công tác PCTT-TKCN qua tin nhắn điện thoại một cách hiệu quả, góp phần giảm tổn thất, bảo đảm an toàn cho người dân khi có thiên tai.

 Năm 2017 Đồng Nai cũng bị ảnh hưởng thời tiết như: mưa trái mùa, hạn hán, sạt lở, ngập lụt… gây thiệt hại cho người dân. Theo ông nguyên nhân do đâu? Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã có những phương án khắc phục như thế nào nhằm hạn chế những tổn thất cho bà con trong thời gian tới?

- Một trong những nguyên nhân khách quan lớn nhất đó chính là sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và những diễn biến bất thường của thời tiết. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn chủ quan trong việc phòng chống thiên tai. Tình trạng lấn chiếm lòng suối vẫn còn xảy ra tại khu vực đô thị. Công tác tuyên truyền dù được các cấp chính quyền quan tâm nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Ngoài việc tăng cường công tác tập huấn và tuyên truyền cho cán bộ và người dân. Ngay từ đầu mùa mưa, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã tổ chức rà soát, kiểm tra và theo dõi các phương án, kế hoạch cụ thể tại các địa phương để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tế từng địa phương đó. Qua đó, ghi nhận các địa phương đều thực hiện xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, xác định những vùng trọng điểm và chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện ứng phó khi có sự cố thiên tai xảy ra.

 Những khu vực nào trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn trong mùa mưa bão, thưa ông?

Mưa lớn làm đất đồi sạt lở gây thiệt hại nhà dân tại huyện Tân Phú vào tháng 10-2017.
Mưa lớn làm đất đồi sạt lở gây thiệt hại nhà dân tại huyện Tân Phú vào tháng 10-2017.

- Qua rà soát từ các địa phương, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã ghi nhận một số địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai như: nguy cơ ngập lụt thường xảy ra tại các xã: Phước Tân (TP.Biên Hòa); Đắc Lua, Thanh Sơn (huyện Tân Phú); Phú Hòa, Thanh Sơn (huyện Định Quán); Sông Ray, Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) và khu vực xã Lộ 25 của huyện Thống Nhất. Dông, lốc xoáy thường xảy ra tại một số xã thuộc các huyện: Định Quán, Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu. Đồng thời, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất tại một số điểm dọc sông Đồng Nai thuộc các huyện như: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu; khu vực đồi 112 (huyện Định Quán); đồi đất xã Phú Sơn, huyện Tân Phú.

Tuy nhiên, những năm gần đây diễn biến thời tiết thường phức tạp và khó lường nên các địa phương cũng như người dân ở những nơi nằm ngoài khu vực cảnh báo vẫn cần chú trọng theo dõi diễn biến thời tiết để có phương án ứng phó kịp thời khi xảy ra thiên tai.

 Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp từ các cơn bão có thể xảy ra, ông có những khuyến cáo gì đến người dân trong việc chủ động phòng tránh thiệt hại từ thiên tai?

- Trước tiên, người dân cần theo dõi sát tình hình thời tiết và các thông tin cảnh báo được cập nhật thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để nắm bắt kịp thời. Chủ động sản xuất, gieo trồng đúng thời vụ, trong vùng quy hoạch và theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Thường xuyên kiểm tra, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây có nguy cơ gãy đổ. đồng thời tìm hiểu, trang bị kiến thức về phòng chống thiên tai; đặc biệt là những loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn mình sinh sống để có phương án ứng phó hiệu quả nhất.

 Xin cảm ơn ông!

Ngọc Liên (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,502       642