Bạn đọc

100% người nhiễm HIV/AIDS được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong năm 2019

Những năm qua, ngoài việc tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, ngành y tế Đồng Nai còn quan tâm hỗ trợ người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trong điều trị bệnh, giúp người bệnh duy trì tốt việc điều trị.

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải.
Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải.

Liên quan đến vấn đề trên, Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết Đồng Nai hiện có gần 2,9 ngàn người đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Trong đó có trên 2,5 ngàn người đã có thẻ BHYT, chiếm tỷ lệ trên 87% (có 80% thẻ do Sở Y tế hỗ trợ mua cho bệnh nhân).

 Việc điều trị và cấp thẻ BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Những năm gần đây, Đồng Nai đã giảm đáng kể về số người nhiễm HIV mới. Từ đầu năm đến nay phát hiện trên 60 ca nhiễm mới, con số này còn nằm dưới chỉ tiêu cho phép. Điều này cho thấy người dân đã chủ động trong vấn đề phòng chống.

Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn là một trong những địa bàn được đánh giá là phức tạp trong vấn đề lây truyền HIV, do đặc thù là nơi có sự biến động dân cư lớn, điều kiện sinh hoạt khu vực đông công nhân lao động chưa bảo đảm, sự hiểu biết về vấn đề tình dục an toàn còn hạn chế.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng là một trong 5 tỉnh trọng điểm về HIV ở phía Nam được Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS (gọi tắt là PEPFAR) viện trợ về mặt kỹ thuật, đào tạo, trang thiết bị và kinh phí cho các đồng đẳng viên tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trong những năm qua.

Theo ông Huỳnh Cao Hải, tại Đồng Nai ngoài gần 2,9 ngàn bệnh nhân đang điều trị, hiện vẫn còn hơn 1 ngàn bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang điều trị tại các cơ sở ở TP.Hồ Chí Minh. Thời gian tới khi chế độ hỗ trợ điều trị miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS không còn, những người này sẽ được chuyển về Đồng Nai điều trị và được cấp thẻ BHYT.

Theo kế hoạch, từ năm 2019, chế độ hỗ trợ điều trị miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS sẽ không còn. Do vậy, Đồng Nai vẫn đang tiếp tục rà soát các bệnh nhân nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT để làm các thủ tục cấp thẻ, bảo đảm đến năm 2019, 100% bệnh nhân có thẻ BHYT khám, chữa bệnh.

Đây là chủ trương chung của Chính phủ mà ngành y tế cần thực hiện nhằm bảo đảm tất cả những người nhiễm HIV/AIDS duy trì tốt việc điều trị. Bởi, đối với căn bệnh trên, việc điều trị theo đúng phác đồ rất quan trọng do bệnh nhân phải được uống thuốc kháng virus ARV mỗi ngày. Thuốc này có tác dụng làm chậm tiến trình phát triển của virus trong máu người bệnh và giảm khả năng lây truyền sang người khác, nếu bệnh nhân duy trì uống thuốc theo đúng phác đồ điều trị. Trường hợp bỏ uống thuốc sẽ có nguy cơ rất lớn đến tính mạng của bệnh nhân và sự lây truyền ra cộng đồng. Những người điều trị đúng phác đồ sẽ kéo dài thời gian sống, thậm chí trên 20 năm.

 Thưa ông, việc kiểm soát và điều trị cho người bị nhiễm HIV/AIDS thời gian qua có gặp khó khăn gì không?

- Hiện nay, do việc cấp thuốc kháng virus ARV còn miễn phí nên bệnh nhân còn thờ ơ với thẻ BHYT, khiến cho ngành y tế gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các bệnh nhân chưa thật chính xác, những biến động (thay đổi chỗ ở, đi làm ăn xa, điều trị ngoài tỉnh) khó quản lý dẫn đến số liệu thống kê thẻ BHYT chưa chính xác. Trong khi đó, mục tiêu của Bộ Y tế đến năm 2019 là 100% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT.

Bệnh nhân nhận thuốc điều trị HIV/AIDS tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai. Ảnh: M.QUÂN
Bệnh nhân nhận thuốc điều trị HIV/AIDS tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai. Ảnh: M.QUÂN

Thời gian qua, việc rà soát phát hiện các đối tượng bị nhiễm HIV rất khó khăn, chỉ tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao, những đối tượng tự nguyện đi xét nghiệm còn rất ít, dù hiện nay tất cả các trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa đều làm được các xét nghiệm này. Những người nghi ngờ bị nhiễm HIV nên chủ động kiểm tra, tầm soát để bảo vệ sức khỏe cho mình và những người xung quanh. Ngay cả những phụ nữ mang thai nếu nghi ngờ nhiễm HIV thì cần nên đến các cơ sở y tế sớm để có hướng điều trị dự phòng nhằm hạn chế lây nhiễm sang con. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn luôn rà soát, vận động những đối tượng nhiễm HIV/AIDS cư trú trong tỉnh tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để được cấp thẻ BHYT miễn phí theo quy định.

 Để hoàn thành mục tiêu 100% người điều trị HIV/AIDS có BHYT, ngành y tế cần có những giải pháp gì, thưa ông?

- Hiện nay còn 2 đơn vị chưa ký được hợp đồng BHYT với ngành bảo hiểm xã hội là Trung tâm y tế TX.Long Khánh và Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, số người đang điều trị thuốc kháng virus ARV tại đây khá lớn. Về cơ sở vật chất, dự kiến 2 cơ sở này sẽ hoàn thiện vào cuối tháng 9-2018. Đây cũng sẽ là thời điểm 100% bệnh viện đa khoa khu vực và trung tâm y tế các huyện trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện khám, cấp thuốc kháng virus ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS và điều trị những bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Song song với việc hoàn thiện về cơ sở vật chất, ngành y tế sẽ tiếp tục  rà soát, cấp thẻ BHYT cho các bệnh nhân để bảo đảm 100% người bệnh có thẻ BHYT. Toàn bộ kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các bệnh nhân được trích từ Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh. Ước chi phí cho mỗi năm khoảng 5 tỷ đồng cho việc mua thẻ BHYT và đồng chi trả cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

 Xin cảm ơn ông!

Minh Quân (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,601       788