Sau hơn 1 tháng xảy ra vụ cá chết hàng loạt vào đêm 20, rạng sáng 21-5, gây thiệt hại hàng ngàn tấn cá tại làng cá bè La Ngà (huyện Định Quán), đến nay nghề nuôi cá bè nơi đây vẫn chưa thể hồi sinh...
Sau hơn 1 tháng xảy ra vụ cá chết hàng loạt (diễn ra vào đêm 20 đến rạng sáng 21-5), gây thiệt hại hàng ngàn tấn cá tại làng cá bè La Ngà (thuộc 2 xã La Ngà và Phú Ngọc, huyện Định Quán), đến nay nghề nuôi cá bè nơi đây vẫn chưa thể hồi sinh.
Hộ anh Nguyễn Văn Trí thiệt hại hơn 1 tỷ đồng trong đợt cá chết vừa qua đang gặp nhiều khó khăn |
Để trang trải cuộc sống đồng thời mua cá giống tiếp tục cho đợt nuôi mới, người dân ở đây đang rất mong sớm nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước.
* Cuộc sống khó khăn
Bến cá nằm ở khu vực chân cầu La Ngà (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) hiện không còn cảnh mua, bán cá nhộn nhịp như trước đây. Lý giải về sự vắng vẻ này, ông Nguyễn Văn Trí, hộ dân nuôi cá bè hơn 20 năm ở đây, cho biết nếu không xảy ra đợt cá chết hơn 1 tháng trước thì vào những ngày này, hàng chục xe tải đang xếp hàng chờ cá. Trên sông, các ghe cá của người dân cũng như thương lái tấp nập ra vào bến, bởi đây là thời điểm thu hoạch và xuống giống cá lớn nhất trong năm.
Mới đây, tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, người dân nuôi cá bè cho biết họ chưa thỏa mãn với kết luận nguyên nhân cá chết là do thiên tai của cơ quan chức năng. Theo các hộ, thời gian gần đây có khá nhiều doanh nghiệp trên địa bàn các xã La Ngà, Túc Trưng hoạt động có dấu hiệu xả thải ra môi trường. Do đó, bà con mong muốn ngành chức năng cần kiểm tra, giám sát kỹ, tránh bỏ lọt những vi phạm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. |
Ông Trí cũng là một trong những người bị thiệt hại nặng trong đợt cá chết vừa rồi. Gần 20 tấn cá lăng, cá chép và cá nheo trị giá trên 1 tỷ đồng của ông đang chờ bán bất ngờ chết trắng bè, khiến gia đình lâm cảnh khó khăn.
“Do không đủ tiền xuống cá giống như mọi năm nên gia đình tôi mới chỉ xuống được 20% cá giống, số bè còn lại đành treo lưới chờ có vốn sẽ xuống tiếp” - ông Trí than.
Không nằm ngoài tình cảnh của ngư dân làng bè, hộ ông Lý Văn Lũy cũng gặp khó khi hơn 30 tấn cá điêu hồng và cá lăng trị giá khoảng 1,6 tỷ đồng cũng bị chết sạch sau 1 đêm.
Nhìn các vèo cá đang phơi lưới xếp dài hàng chục mét trên sông, ông Lũy buồn bã cho biết, gia đình ông giờ trắng tay. Hiện ông phải vay mượn tiền họ hàng để xuống giống. Thay vì phải xuống 2 tấn cá giống như mọi năm, năm nay ông Lũy mới chỉ đủ tiền mua được 600kg để thả.
“Bà con có cá chết đợt này hầu hết là cá lớn, đến ngày thu hoạch nên bao nhiêu tiền của đều đổ vào cá chờ ngày bán để lấy lại vốn, không ai ngờ lại bị mất trắng. Chúng tôi đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để cuộc sống sớm ổn định, yên tâm sản xuất” - ông Lũy kiến nghị.
* Bao giờ được hỗ trợ?
Theo thống kê mới nhất của UBND huyện Định Quán, đợt cá chết hàng loạt trên sông La Ngà vừa qua gây thiệt hại trên 1,9 ngàn tấn cá tại 550 lồng bè của 131 hộ dân thuộc 2 xã La Ngà và xã Phú Ngọc. Ngay khi nghe thông tin cá chết, lực lượng chức năng đã xuống hiện trường ghi nhận thiệt hại của từng hộ dân, đồng thời lấy các mẫu nước, cá đi xét nghiệm, kiểm tra.
UBND tỉnh cũng yêu cầu huyện Định Quán tuyên truyền, vận động người dân tạm ngưng thả cá, chờ môi trường nước ổn định cũng như hướng dẫn người nuôi cá bè thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành nông nghiệp về nuôi thủy sản trong lồng bè.
Do không đủ tiền, nhiều bè cá phải chờ có vốn mới xuống giống tiếp... |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, nguyên nhân cá chết là do sự biến đổi bất lợi về môi trường, một số hàm lượng chất trong nước vượt ngưỡng cho phép. Nhằm hỗ trợ bà con giảm bớt thiệt hại về tài sản, ngày 15-6, UBND tỉnh có văn bản chấp thuận hỗ trợ người dân bị thiệt hại do cá chết.
Trong đó, UBND tỉnh có giao cho UBND huyện chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan căn cứ quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại. Tuy nhiên, đến nay chưa hộ nào được nhận hỗ trợ.
Trả lời thắc mắc của người dân về vấn đề này, ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, sẽ tính hỗ trợ người dân căn cứ theo diện tích lồng bè nuôi, ước tổng số tiền hỗ trợ khoảng 16 tỷ đồng.
Cũng theo ông Tài, căn cứ các quy định, thì các hộ nuôi cá bè phải có hợp đồng với chính quyền địa phương, nhưng do lòng hồ Trị An có những cơ chế riêng (cụ thể, xã quản lý hành chính về con người; đất do Thủy điện Trị An quản lý; diện tích mặt nước do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý) nên qua kiểm tra, cả 2 xã Phú Ngọc và La Ngà đều không có hộ dân nào ký hợp đồng hay khai báo với UBND xã. Vì vậy, huyện đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan noí trên để có phương án thống nhất hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân trong thời gian sớm nhất...
Bài và ảnh: Minh Quân