Bạn đọc

Lão nông hiến tạng cứu 4 người

Ra đi sau khi đã thực hiện ước nguyện được hiến tạng cứu người, nghĩa cử cao đẹp của ông Phùng Văn Hinh (ngụ ấp 4, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) chính là "tài sản" ông để lại cho các con và cuộc sống này khi ông không còn nữa...

Ra đi sau khi đã thực hiện ước nguyện được hiến tạng cứu người, nghĩa cử cao đẹp của ông Phùng Văn Hinh (ngụ ấp 4, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) chính là “tài sản” ông để lại cho các con và cuộc sống này khi ông không còn nữa...

Nhớ chồng, bà Lê Thị Không (vợ ông Phùng Văn Hinh) lại nhìn di ảnh và xem giấy chứng nhận hiến tạng của chồng. Ảnh: P.LIỄU
Nhớ chồng, bà Lê Thị Không (vợ ông Phùng Văn Hinh) lại nhìn di ảnh và xem giấy chứng nhận hiến tạng của chồng. Ảnh: P.LIỄU

Đã 1 tuần sau khi ông Hinh mất, bà Lê Thị Không (vợ ông) vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau về sự ra đi đột ngột của chồng. Đôi mắt ngấn lệ luôn đăm đắm nhìn lên bàn thờ của ông Hinh, bà kể: “Tôi chỉ buồn là ông ấy ra đi đột ngột quá. Chiều 23-5, đang ngồi xem tivi với tôi, ông nói muốn ghé nhà anh bạn hàng xóm bàn chút chuyện rồi bất ngờ đột quỵ. Câu nói cuối cùng của ông ấy là: “Bà và các con hãy thực hiện ước nguyện hiến xác cho tôi nhé”, rồi ông hôn mê cho đến lúc ra đi”.

* Hết mình vì việc thiện

Bà Không kể khi được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh), các bác sĩ chẩn đoán ông Hinh sẽ đi trong vòng 24 giờ tới. Biết ông không qua khỏi, bà và các con đã thông báo với bệnh viện về ý nguyện hiến xác của ông. Sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra xác nhận thông tin ông có đăng ký hiến tạng, đã tiến hành phẫu thuật tiếp nhận những bộ phận hiến từ cơ thể ông gồm: 1 giác mạc phải, 1 quả tim và 2 quả thận.

Theo cổng thông tin điện tử Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh), nếu một người khỏe mạnh bình thường bị chết não mà hiến tạng, các bộ phận của người ấy có thể cứu sống được ít nhất là 7 bệnh nhân và nhiều nhất là 13 bệnh nhân. Tạng của người hiến ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể sử dụng để cấy ghép cho các bệnh nhân bị suy tạng hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo như: ung thư, bệnh mắt…

Ngay sau khi ông qua đời, những bộ phận ông hiến đã được cấy ghép cho 4 người, đem lại sự sống cũng như ánh sáng cho những bệnh nhân mắc bệnh nan y. Còn ý nguyện hiến xác cho y học, bộ phận tiếp nhận xác hiến của Bệnh viện Chợ Rẫy trân trọng cảm ơn gia đình và cho biết hiện bệnh viện không thể tiếp nhận xác hiến của ông vì không còn chỗ.

Nhiều người trong xã biết đến ông Hinh, bởi khi còn sống lão nông chân chất này luôn hết mình với công tác từ thiện. Mặc dù kinh tế gia đình không phải khá giả nhưng ông vẫn âm thầm làm việc thiện mỗi khi có thể. Đặc biệt, với những người bị tai nạn giao thông chết giữa đường, người già cả, neo đơn trong xã qua đời ông thường đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ quan tài để đỡ đần chi phí mai táng.

Không chỉ thế, ông còn là một người tích cực trong phong trào hiến máu nhân đạo. Hơn 20 năm qua với 30 lần hiến những giọt máu quý giá của mình, ông từng là gương điển hình về hiến máu cứu người được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh danh. Và ước nguyện của ông “sẽ làm việc thiện đến tận cùng kể cả sau khi chết”, đó là sẽ hiến tạng và hiến cả xác cho y học. Việc này đã được ông âm thầm chuẩn bị khi chạm tuổi 60. Và nay, 8 năm sau gia đình đã giúp ông thực hiện ước nguyện cuối đời của mình.

* Nghĩa cử cao đẹp sẽ được tiếp nối…

Trong số những người đến chia buồn với gia đình ông Hinh, có người xúc động vì nghĩa cử cao đẹp mà ông đã làm trước khi về với đất; nhưng cũng có người lên tiếng “trách” vợ con ông sao nỡ để ông ra đi mà xác thân không trọn vẹn. Bà Không giãi bày hồi còn sống trước khi đăng ký hiến tạng ông Hinh vẫn nói với bà và các con chết là về với cát bụi. Nhưng cái chết sẽ không vô nghĩa, không bị lãng quên, không chấm hết khi những bộ phận cơ thể mình được tiếp nối sự sống cho những người khác. “Tôi tôn trọng ước nguyện cuối cùng của chồng, tuy rất đau lòng khi thấy ông lần nữa trải qua phẫu thuật để chia sẻ một phần cơ thể cho người khác, thế nhưng lại thấy như được an ủi khi biết ông ấy vẫn còn “sống” đâu đó trong cơ thể những bệnh nhân kia” - bà Không nói.

Nhà báo, nhà thơ Phùng Hiệu, con trai ông Hinh, tâm sự: “Với nhiều người, việc hiến tạng, hiến xác người thân cho y học sau khi chết, nhất là khi người đó là cha mẹ mình, điều đó không hề dễ dàng bởi phong tục, tình cảm, quan niệm tâm linh, ràng buộc họ hàng… Nhưng sẽ đẹp lòng cha tôi khi chúng tôi làm tròn điều ước nguyện của ông”.

Anh Hiệu cho hay tuần tới Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tổ chức mời những gia đình có người thân hiến tạng dự buổi họp thông báo về kết quả tiếp nhận tạng hiến của những bệnh nhân, trong đó có 4 bệnh nhân được ghép tạng hiến của cha anh. Dịp này, mấy anh em của anh Hiệu sẽ đăng ký hiến tạng giúp người giống như cha.

Bàn thờ của ông Hinh không lúc nào thiếu vắng khói nhang bởi tình cảm của những người nhận ơn dành cho ông. Ông Điền, một người neo đơn từng được ông Hinh giúp đỡ, mỗi ngày đi làm qua nhà đều ghé vào thắp cho ông bạn già nén nhang. “Khi sống, ông ấy luôn hết lòng vì mọi người đến khi chết cũng lại chia sẻ bản thân, tôi rất khâm phục những việc ông ấy làm. Với cái tâm cao cả, tôi tin ông ấy sớm được an vui miền cực lạc” - ông Điền xúc động nói.

Phương Liễu - Văn Tuấn

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,911       648