Cuộc sống áp lực dễ đưa con người đến những sang chấn, rối loạn tâm thần. Nhẹ thì lo âu, nặng thì trầm cảm, rối loạn hành vi… gây những hệ lụy to lớn cho bản thân, gia đình và xã hội.
TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng. |
Cuộc sống áp lực dễ đưa con người đến những sang chấn, rối loạn tâm thần. Nhẹ thì lo âu, nặng thì trầm cảm, rối loạn hành vi… gây những hệ lụy to lớn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Trao đổi về vấn đề này, TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, Quyền Giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương 2, cho rằng lâu nay ngành y tế cũng như người dân chỉ mới quan tâm chăm sóc sức khỏe thực thể mà chưa chú trọng chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Ông nhận định thế nào về thực trạng sức khỏe tâm thần của người dân hiện nay?
- Hiện nay, đời sống kinh tế được nâng lên nhưng xã hội lại gia tăng tỷ lệ người bị các sang chấn tâm lý và rối loạn tâm thần. Theo thống kê của ngành tâm thần Việt Nam, 10 năm trước tỷ lệ bị sang chấn tâm lý trong quần thể dân cư là 17%, còn tỷ lệ bị rối loạn tâm thần là 6%. Hiện nay, tỷ lệ này lần lượt là 24% và 13%, nhưng chỉ có 0,2% người rối loạn tâm thần được điều trị đến nơi đến chốn. Đây là những con số đáng suy nghĩ.
Có nhiều nguyên nhân khiến gia tăng tỷ lệ 2 loại bệnh trên, nhưng có 3 nguyên nhân chính. Đó là gia tăng số người bị tác động bởi những mâu thuẫn tình cảm trong đời sống, gia đình ly tán, con cái hư hỏng, mất mát người thân; bị thất bại trong học hành, tranh chấp, thua lỗ, mất mát trong làm ăn; chán nản, mệt mỏi do bị bệnh tật nan y. Thứ hai, xã hội phát triển hơn, thông tin đa chiều hơn, người dân bị tác động nhiều hơn bởi những vấn đề tiêu cực của xã hội. Thứ ba, tỷ lệ người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thần và game tăng cao. Năm 1975, chỉ có 12 ngàn người nghiện ma túy/49 triệu dân, hiện nay có tới 234 ngàn người nghiện các loại ma túy/ 90 triệu dân (tăng 20 lần trong khi dân số chỉ tăng gần gấp đôi) nhưng đó mới chỉ là phần nổi. Có những đêm bệnh viện tiếp nhận 10 bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần thì có đến 9 bệnh nhân sử dụng ma túy.
Sức khỏe tâm thần kém sẽ dẫn đến những hệ lụy gì, thưa ông?
TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng cho biết theo quy định quốc tế, cứ 10 ngàn dân phải có 1 bác sĩ tâm thần. Nhưng hiện nay ở Việt Nam, 100 ngàn dân mới có 1 bác sĩ (nghĩa là chỉ đạt 1/10 theo chuẩn chung quốc tế). Hiện Bộ Y tế đang phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,5 bác sĩ/100 ngàn dân. Bệnh viện tâm thần trung ương 2 là tuyến cuối phía Nam, phụ trách 47 triệu dân của 32 tỉnh, thành, 17 bệnh viện; với 1.200 giường bệnh và 600 bệnh nhân khám trong ngày, yêu cầu phải có ít nhất 200 bác sĩ tâm thần, nhưng hiện bệnh viện chỉ có 80 bác sĩ. |
- Trong cuộc sống, hầu như ai cũng từng gặp phải những sang chấn tâm lý, nếu không biết cách đối diện và giải quyết sẽ rất dễ dẫn đến rối loạn tâm lý. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân như: chán sống, dễ hủy hoại bản thân; không thể tiếp tục làm việc dẫn đến ảnh hưởng kinh tế gia đình; không thể xây dựng và tổ chức được gia đình; mất thời gian, chi phí điều trị bệnh… Những người “ốm yếu” về tâm thần cũng khó sinh được những đứa con có trí tuệ khỏe mạnh, điều đó ảnh hưởng đến giống nòi.
Hiện người dân cũng chưa hiểu hết tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần, nguyên nhân do đâu?
- Công tác truyền thông về sức khỏe tâm thần hiện còn rất hạn chế nên người dân chưa biết cách nhận diện bệnh. Mặt khác, còn có một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, nặng về mê tín, thường đưa người bệnh đi thầy bà, cúng bái để chữa bệnh. Nhiều người dân còn đánh đồng người bệnh tâm thần là… người điên, dẫn đến kỳ thị, làm cho người bệnh cũng như người nhà giấu bệnh hoặc không được điều trị đúng phương pháp. Có trường hợp bệnh nhân đã được chữa khỏi, nhưng do kỳ thị làm hạn chế việc tái hòa nhập cộng đồng, dẫn đến người bệnh bị tách rời, xa lánh khiến họ dễ rơi vào trầm cảm và tái phát bệnh.
Bệnh tâm thần là bệnh điều trị lâu dài, trong khi đội ngũ nhân lực bác sĩ chuyên tâm thần đang rất thiếu. Phần lớn bác sĩ được đào tạo chuyên ngành tâm thần còn hạn chế, 6 năm học bác sĩ, nhưng chỉ có 2 tuần để học chuyên khoa tâm thần nên chất lượng điều trị hạn chế. Chưa kể, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp đối với bác sĩ làm việc trong những bệnh viện tâm thần khá cao nên nhiều bác sĩ ngại không muốn về công tác ở các bệnh viện tâm thần.
Để sức khỏe tâm thần được đặt đúng tầm quan trọng của nó, theo ông phải làm gì?
- Về phía ngành, phải tăng cường truyền thông, đưa kiến thức sức khỏe tâm thần đến với cộng đồng, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với những bác sĩ, nhân viên phục vụ trong ngành tâm thần, quan tâm đào tạo chuyên khoa về tâm thần, đặc biệt là xây dựng được luật về sức khỏe tâm thần với những quy định cụ thể.
Về phía người dân, cần tự trang bị kiến thức về sức khỏe tâm thần để biết cách đối phó và giải quyết khi gặp các sang chấn tâm lý. Khi bị bệnh phải đến các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị. Xa hơn là phòng ngừa từ trong bào thai, nghĩa là người mẹ trong quá trình mang thai không nên có những căng thẳng, lo âu hay những cú sốc tinh thần dẫn đến những sang chấn; tự nâng cao “sức đề kháng” tâm thần bằng việc kết hợp chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Nếu gặp phải những sang chấn tâm lý nên tự mình giải quyết, không nên kéo dài tình trạng mâu thuẫn, bị ám ảnh, ức chế lâu ngày sẽ dẫn đến rối loạn tâm thần.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liễu (thực hiện)