Bạn đọc

Nỗi niềm bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Là những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, thường xuyên phải đến bệnh viện để lọc thận, nhiều người trông chờ vào "phép màu" thay thận. Sự mong đợi ấy sẽ rất xa vời nếu như thiếu những tấm lòng biết sẻ chia…

Là những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, thường xuyên phải đến bệnh viện để lọc thận, nhiều người trông chờ vào “phép màu” thay thận. Sự mong đợi ấy sẽ rất xa vời nếu như thiếu những tấm lòng biết sẻ chia…

Người bệnh suy thận giai đoạn cuối phải gắn với máy lọc thận suốt đời nếu không được ghép thận (ảnh chụp tại Khoa Lọc máu Bệnh viện đa khoa Thống Nhất). Ảnh: P.LIỄU
Người bệnh suy thận giai đoạn cuối phải gắn với máy lọc thận suốt đời nếu không được ghép thận (ảnh chụp tại Khoa Lọc máu Bệnh viện đa khoa Thống Nhất). Ảnh: P.LIỄU

Theo GS-TS-BS.Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Niệu thận học TP.Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng khoa Ngoại - tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, ghép thận là cứu cánh hàng đầu cho những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Chất lượng cuộc sống của họ được cải thiện rất nhiều nếu được ghép 1 quả thận khỏe.

* Khi bệnh viện là nhà

Trong khi bạn bè đi học, đi làm thì 6 năm nay Ngô Thanh Uyên (19 tuổi, ngụ phường An Bình, TP.Biên Hòa) sống phụ thuộc vào máy lọc thận. Uyên đã đăng ký xin thay thận ở Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa tìm được quả thận tương thích. Khi nghe bệnh viện thông báo có thận, mẹ của Uyên mừng quá đã bán vội một phần căn nhà lấy 300 triệu đồng để chuẩn bị cho ca ghép thận. Thế nhưng khi xét nghiệm thận không tương thích, khả năng thải ghép cao, nên ca phẫu thuật thay thận cho Uyên bị hoãn lại. “Dù kinh tế chật vật, nhưng mẹ em quyết không động đến số tiền trên với hy vọng một ngày nào đó em sẽ được ghép thận và trở lại với cuộc sống” - Uyên bộc bạch.

Khoa Lọc máu (thận nhân tạo) Bệnh viện đa khoa Thống Nhất có 92 máy lọc thận, mỗi máy chạy 3 ca/ngày nhưng lúc nào cũng kín người bệnh. Trong số 520 bệnh nhân đang điều trị suy thận tại đây có người chưa qua tuổi đôi mươi, có bệnh nhân tóc đã bạc, gắn bó với Khoa Lọc máu hàng chục năm.

17 năm chạy thận nhân tạo ở 3 bệnh viện cũng chừng ấy thời gian ông Nguyễn Thanh Hùng (67 tuổi, hiện ở xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) không thể về quê ở Nam Định. Suy thận giai đoạn cuối nên cứ cách ngày ông Hùng phải đến Bệnh viện đa khoa Thống Nhất lọc máu một lần. Ông tâm sự: “Nhiều đợt chạy thận về, nghỉ ngơi chưa lại sức tôi đã phải trở vào bệnh viện. Nếu không lọc kịp thời, người phù lên, nước trữ trong người gây ép tim, ép phổi rất mệt. Bác sĩ khuyên tôi nên ghép thận nhưng nguồn thận hiến khan hiếm”.

Tương tự, bà Phan Thị Thanh Vân (50 tuổi, ở thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) bị suy thận mãn tính, mất đi ánh sáng một bên mắt do biến chứng từ bệnh tiểu đường. Đã 3 năm nay bà Vân “làm bạn” với máy lọc thận. Do cơ địa phải gắn thiết bị lọc ở mạch máu cổ, nên bà không thể lọc thận ở Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán mà phải cách ngày đi về Bệnh viện đa khoa Thống Nhất để chạy thận. Bà than thở với tình trạng này không biết sẽ sống được bao lâu vì m ới 3 năm chạy thận nhưng sức khỏe và kinh tế gia đình cũng suy kiệt dần theo bệnh tật của bà.

* Cần nguồn thận hiến

Theo Sở Y tế, Đồng Nai hiện có gần 1 ngàn bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải lọc thận, phần lớn bệnh nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Mặc dù bảo hiểm y tế đã thanh toán phần lớn chi phí, nhưng mỗi tháng người bệnh vẫn phải tốn 2-3 triệu đồng cho những khoản chi phí khác ngoài danh mục.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng khoa Lọc máu Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết với người bệnh suy thận mãn tính có 3 phương pháp điều trị: chạy thận nhân tạo, lọc máu qua màng bụng và ghép thận. Mỗi phương pháp điều trị có những ưu, khuyết điểm khác nhau. Tuy nhiên, nếu được ghép thận thì cuộc sống của bệnh nhân được cải thiện rất nhiều vì không phải lệ thuộc vào máy móc.

GS-TS-BS.Trần Ngọc Sinh cho biết ghép thận tuy chi phí cao (khoảng 200 triệu đồng/ca mổ ghép, chưa kể các chi phí nằm viện, thuốc men, uống thuốc chống thải ghép suốt đời…) nhưng cuộc sống của người bệnh sẽ thay đổi và chủ động hơn rất nhiều so với lọc thận. Theo tính toán của ngành, chi phí ghép thận tuy cao nhưng cũng chỉ bằng 1/3 so với chi phí điều trị bệnh suốt đời cho bệnh nhân. Sự tốn kém ấy không những làm suy kiệt kinh tế gia đình bệnh nhân mà còn là gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là sự khan hiếm nguồn thận hiến tặng. Không ít người có tiền cũng phải… mong đợi ngậm ngùi.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        165,095       59