Thực phẩm tươi sống được bày bán gần bãi rác, đặt thực phẩm ngay trên nền đất nhớp nhúa nước bẩn, sơ chế thực phẩm ngay trên miệng cống rãnh… là những hình ảnh thường thấy tại một số khu chợ lớn, nhỏ ở TP.Biên Hòa.
Thực phẩm tươi sống được bày bán gần bãi rác, đặt thực phẩm ngay trên nền đất nhớp nhúa nước bẩn, sơ chế thực phẩm ngay trên miệng cống rãnh… là những hình ảnh thường thấy tại một số khu chợ lớn, nhỏ ở TP.Biên Hòa.
Thực phẩm bán ngay sát bãi rác ở chợ Tam Hòa, phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa. Ảnh: P.LIỄU |
Thực phẩm tươi sống bị nhiễm bẩn từ môi trường không chỉ gây các bệnh về đường ruột, mà còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh tật nguy hiểm khác, đe dọa sức khỏe người dùng.
* Nơi bán thiếu vệ sinh
Tại khu vực bán thực phẩm tươi sống ở chợ Tam Hòa (phường Tam Hòa), nhiều người thấy khó chịu vì mùi hôi thối bốc ra từ bãi rác nằm ngay trong khu vực bán thịt gia cầm, hải sản và rau củ. Tại đây, nhiều loại thực phẩm được đổ trên bạt nhựa đặt ngay dưới nền đường nhớp nhúa nước rác; thịt heo, gà, cá, tôm các loại cũng đặt trên những chiếc thúng, chiếc bàn gỗ thấp lè tè, ruồi vô số kể.
Theo quy định, mặt bàn và móc treo bàn bán thịt và phụ phẩm cao ít nhất 80cm so với mặt đất, phải được làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, không gỉ sét và dễ làm vệ sinh và khử trùng tiêu độc (điều 8, Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT “quy định điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm”). |
Trong khi đó, khu bán thực phẩm trong lồng chợ gần đó có nhiều sạp bỏ trống. Bà Nguyễn Thị Nga (ngụ phường Trảng Dài) bán cá ở chợ Tam Hòa cho biết giá sạp thì đắt, bán trong ấy không mấy người mua, cứ ngồi dọc theo lối đi vào chợ lại bán được hàng. Đây là khu vực thực phẩm giá rẻ, chủ yếu bán cho người thu nhập thấp.
Tương tự, tại chợ Hóa An (xã Hóa An), phần lớn hàng cá, hải sản, rau củ được bày bán khá nhiều ở bên ngoài lồng chợ. Điều đáng nói là thực phẩm được sơ chế ngay trên những miệng cống hôi hám. Những mớ cá kèo, cá bống được cho vào túi lưới rồi chà xuống nền đường cáu bẩn, những con cá biển lớn thì được xẻ thịt ngay trên nền gạch nhớp nhúa nước bẩn. Gà, vịt sống cũng được làm tại chỗ và chất thải được đẩy xuống cống gần đó. Tại chợ Cổng 2 (phường Trung Dũng), nhiều chiếu thịt heo, thịt bò được bày ngay sát đường đông đảo xe cộ và người qua lại.
Tình trạng nêu trên cũng diễn ra tại các khu chợ tạm ở các phường Trảng Dài, Long Bình, chợ nhỏ trên đường Nguyễn Thị Tồn… Điều đáng nói là mặc dù thực phẩm được bày bán, sơ chế trong điều kiện vệ sinh kém nhưng vẫn thu hút khá đông người mua.
* Kiểm tra không xuể?
Khi đề cập đến việc cải thiện tình trạng trên thì ban quản lý một số chợ thừa nhận rất khó xử lý. Bà Võ Thị Sâm, đại diện Ban quản lý chợ Tam Hòa, cho rằng khó có thể dẹp được tình trạng buôn bán mất vệ sinh ở chợ này. Do Tam Hòa là chợ cũ, chật hẹp nên người bán hàng cứ tràn ra các ngõ, các hẻm, bán buôn ngay cạnh bô rác của chợ. Ban quản lý đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng sự việc vẫn cứ diễn ra. “Chúng tôi không có chức năng xử phạt, chỉ kiến nghị lên UBND phường, nhưng ngay cả lãnh đạo phường nhiều lần tiến hành dẹp các khu vực bày bán tự phát, mất vệ sinh, nhưng khi đoàn đi rồi, đâu lại vào đó” - bà Sâm nói.
Làm cá ngay trên đường cống rãnh thoát nước ở chợ Hóa An. |
Thực tế, việc nhắc nhở, xử lý vệ sinh an toàn tại các điểm bán thực phẩm tươi sống tại một số chợ được ví như “bắt cóc bỏ dĩa”. Trong khi đó, theo công bố nghiên cứu giám sát vào tháng 8-2017 của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh khi tiến hành lấy ngẫu nhiên 150 mẫu thịt heo, gà, vịt tại một số chợ ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương để kiểm nghiệm. Kết quả, 100% số mẫu thực phẩm tươi sống này chứa vi khuẩn E.coli vượt ngưỡng cho phép ở mức rất cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai, kết quả trên là hồi chuông cảnh báo đối với vấn đề an toàn thực phẩm. Ông Hữu cho biết hiện nay thực phẩm tươi sống do 3 ngành: y tế, công thương và nông nghiệp - phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý. Hàng năm, đoàn liên ngành tỉnh, thành phố cũng tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, nhưng lực lượng mỏng nên không thể kiểm tra xuể. Riêng các chợ ở địa phương, theo phân cấp là trách nhiệm quản lý của UBND các xã, phường và ban quản lý chợ, nhưng một số nơi địa phương không quan tâm.
100% số vụ kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đều có vi phạm Theo báo cáo của Sở Công thương, trong quý I-2018 ngành đã kiểm tra 195 điểm bao gồm chợ, doanh nghiệp sản xuất, tụ điểm kinh doanh thực phẩm. Kết quả, 100% số điểm kiểm tra có vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, vi phạm về thực phẩm hết hạn sử dụng: 11 vụ; vi phạm về an toàn thực phẩm: 49 vụ; vi phạm về nhãn hàng hóa: 97 vụ; vi phạm thực phẩm không rõ nguồn gốc: 38 vụ. Tổng số tiền phạt trên 853 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu là hơn 8,5 triệu đồng. |
Phương Liễu