Bạn đọc

Giao trách nhiệm phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư cho cấp huyện

Đó là một trong những điểm mới của Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND do UBND tỉnh ban hành "quy định về việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh", có hiệu lực từ ngày 15-3-2018.

Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai Nguyễn Hồng Quế.
Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai Nguyễn Hồng Quế.

Đó là một trong những điểm mới của Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND do UBND tỉnh ban hành “quy định về việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh”, có hiệu lực từ ngày 15-3-2018.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những điểm mới của quyết định, ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên - môi trường), cho biết: Trước đây, 1 dự án từ khi bắt đầu triển khai thông báo thu hồi đất đến khi chi trả cho người dân kéo dài trung bình từ 15-20 tháng, thậm chí có những dự án khi cấp cơ sở có nhiều thiếu sót sẽ phát sinh khiếu nại, có thể kéo dài vài năm. Với quy định mới, nếu thực hiện đúng theo thẩm quyền và trách nhiệm thì chúng tôi bảo đảm rằng sẽ rút ngắn thời gian cho 1 dự án từ 3-5 tháng so với quy định trước đây.

 Theo quyết định mới của tỉnh, trách nhiệm trong công tác  phối hợp thực hiện thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư được quy định như thế nào, thưa ông?

 - Nội dung chính của Quyết 09/2018/QĐ-UBND là quy định việc thực hiện phối hợp giữa các cơ quan chức năng, UBND các cấp trong việc thực hiện thu hồi đất, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn. Một trong những điểm mới của quyết định là thay thế toàn bộ quy định về trình tự thủ tục bằng các quy định về phối hợp thực hiện. Trong đó, quy định chức trách, nhiệm vụ, thời gian thực hiện theo từng công đoạn của các ngành, địa phương có liên quan.

Người dân làm các thủ tục hành chính về đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh Biên Hòa (ảnh minh họa). Ảnh: N.LIÊN
Người dân làm các thủ tục hành chính về đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai Đồng Nai chi nhánh Biên Hòa (ảnh minh họa). Ảnh: N.LIÊN

Điểm nổi bật nhất của quyết định là phân cấp lại việc thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường cho UBND cấp huyện, kể cả các dự án liên huyện. Tỉnh chỉ tổ chức thu hồi đất nếu đất đó của tổ chức quản lý (ví dụ: đất do phường, xã, các cơ quan, tổ chức… quản lý). Như vậy, quyết định mới sẽ bảo đảm rút ngắn được thời gian, các thủ tục hành chính khi giao quyền về cho các huyện.

 Thời gian qua, nhiều trường hợp người dân không nắm rõ thông tin về các dự án; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn “mập mờ” dẫn đến khiếu nại kéo dài cũng như phát sinh tình trạng mua bán đất, xây dựng trái phép trên đất quy hoạch… Liệu khi áp dụng quy định mới có hạn chế được tình trạng này, thưa ông?

- Quy định mới là một trong những bước cải cách về thủ tục hành chính khá rõ. Ngoài rút ngắn thời gian, quy định này còn trao quyền chủ động cho cấp huyện. Song song đó, quy định cụ thể thời gian thực hiện của từng cấp, từng ngành và chế độ thông tin về dự án giữa các ngành cũng được liên thông để nắm bắt tình hình chung, tránh tình trạng phát sinh những vi phạm về xây dựng, chuyển nhượng…trên đất quy hoạch. Ngay khi có quyết định thu hồi đất phải thông báo rộng rãi đến người dân bằng nhiều hình thức. Nếu để người dân khiếu nại vì không nắm thông tin thì cá nhân, đơn vị có trách nhiệm thông báo đến người dân phải chịu trách nhiệm. Điều này cho thấy tỉnh đang kiên quyết khắc phục thực trạng một số dự án kéo dài thời gian. Căn cứ theo quy định này, Sở Tài nguyên - môi trường sẽ tiến hành kiểm tra một số dự án tại các địa phương trong tỉnh để nắm bắt, đề xuất tỉnh sớm có hướng xử lý kịp thời nếu phát hiện có tình trạng kéo dài thời gian.

 Những địa phương để xảy ra chậm trễ, vi phạm quy định trên có bị xử lý? Người dân muốn phản ảnh cần đến cơ quan nào?

- Theo quy định của pháp luật, UBND cấp huyện là nơi giải quyết khiếu nại lần đầu. Khi nhận được phản ánh của người dân, UBND huyện có trách nhiệm giải quyết kịp thời, tránh phát sinh khiếu kiện kéo dài, phức tạp, ảnh hưởng chung đến tiến độ của dự án. Như đã nói ở trên, quy định lần này đã phân rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cá nhân, đơn vị nên nếu để xảy ra vi phạm thì sẽ căn cứ theo trình tự, mức độ để xử lý cụ thể.

Đồng Nai lâu nay là địa bàn nóng về vấn đề giải phóng mặt bằng vì tập trung rất nhiều công trình đầu mối về giao thông, điện, nước. Trong giai đoạn từ năm 2018-2020 sẽ có những dự án quan trọng, như: đường vành đai 3 Tân Vạn - Nhơn Trạch, các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương (Đà Lạt); đường liên cảng nối cảng của Đồng Nai với Cảng Cái Mép, Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu)… Đây là những dự án liên quan rất nhiều đến thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân.

 Xin cảm ơn ông!

Ngọc Liên (thực hiện)

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        166,302       562