Bạn đọc

Xử lý ly nhựa uống một lần

Từ nhu cầu về nước giải khát, nhất là trà sữa đang được giới trẻ ưa chuộng mỗi ngày ở Biên Hòa có hơn chục ngàn ly nhựa uống một lần rồi thải bỏ, không chỉ gây lãng phí mà còn tạo áp lực cho môi trường. Ly nhựa dùng một lần đang được nhiều quốc gia khuyến cáo hạn chế sử dụng, thậm chí kêu gọi tẩy chay.

Trong quán không còn chỗ, nhiều bạn trẻ phải “tràn” ra lề đường ngồi uống trà sữa Houjicha (đường Phan Trung, TP.Biên Hòa). Ảnh: P.LIỄU
Trong quán không còn chỗ, nhiều bạn trẻ phải “tràn” ra lề đường ngồi uống trà sữa Houjicha (đường Phan Trung, TP.Biên Hòa). Ảnh: P.LIỄU

* Ly nhựa “Siêu” tiện lợi

Biên Hòa có cả trăm quán trà sữa với hàng chục thương hiệu khác nhau, đã và đang thu hút đông đảo giới trẻ. Dạo một vòng qua các quán trà sữa, có thể thấy bất kể giờ nào những quán trà sữa này đều rất đông, nhất là dịp cuối tuần và lễ, tết.

Ly nhựa dùng 1 lần bỏ, rất lãng phí.
Ly nhựa dùng 1 lần bỏ, rất lãng phí.

Trước đây, ly nhựa chỉ dùng cho người mua trà sữa mang đi, nay người ngồi uống tại chỗ cũng được phục vụ bằng ly nhựa. Sự phổ biến của ly nhựa xuất phát từ tính tiện lợi là dễ sử dụng, dễ dàng mang theo, thích nghi với mọi sự di chuyển...

Hiện mới chỉ có quán trà sữa Houjicha dán nhãn và đặt trên giá riêng ly đã uống mà khách hàng yêu cầu giữ lại. Lần sau sử dụng lại ly cũ, khách sẽ được tích điểm, giảm giá 10%. Theo anh Mai Nhật Tài, dù chưa nhiều khách hàng tham gia nhưng Houjicha sẽ kêu gọi các thành viên hưởng ứng. Điều đó giúp tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Qua tìm hiểu, một quán trà sữa nhỏ trung bình  mỗi ngày bán được từ 300-500 ly. Những quán có thương hiệu nổi tiếng như: Gongcha, Sencha, Houjicha, Royaltea… mỗi ngày bán được cả ngàn ly, đặc biệt vào cuối tuần và ngày lễ số lượng bán ra có thể tăng gấp đôi, gấp ba. Ngần ấy ly trà sữa được bán ra, đồng nghĩa cũng ngần ấy ly, nắp, ống hút nhựa được thải bỏ. Làm một phép tính đơn giản, sẽ thấy mỗi ngày ở Biên Hòa có hơn chục ngàn chiếc ly nhựa được thải ra môi trường.

Sở dĩ hầu hết các tiệm trà sữa sử dụng ly nhựa bởi sự “siêu” tiện lợi cũng như độ thẩm mỹ. Ly nhựa không chỉ dễ dàng “ship” hàng mang đi mà còn có thể “biến tấu” đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, kích cỡ làm ly trà sữa đẹp hơn. Ngoài  ra còn đem đến cho khách hàng trẻ sự vui mắt khi trên ly có in hình ảnh, truyện tranh, biếm họa, những câu nói ngộ nghĩnh như: “Rất tỉnh và đẹp trai”, “Bơ đi mà sống”, “Đẹp trai có gì sai”, “Nơi này có ta có nhau”...

Nói về lý do sử dụng ly nhựa, anh Mai Nhật Tài, quản lý quán trà sữa Houjicha trên đường Phan Trung, cho biết loại ly này hợp với xu thế thời đại và sự yêu thích của giới trẻ, tiết kiệm chi phí đầu tư, ly nhựa lồng vào nhau từng chồng rất gọn gàng, dễ lấy, không tốn chỗ, không mất nhân công để rửa, không bị vỡ đổ, sứt mẻ... Trên hết, tâm lý khách hàng thích uống nước từ một cái ly mới hoàn toàn hơn là từ chiếc ly đã được nhiều người dùng qua...

* Cần thay đổi thói quen

Rõ ràng, xu hướng của giới trẻ trong thời hiện đại là thích những thứ gọn, nhẹ, tiện lợi. Tuy nhiên, phía sau sự tiện lợi ấy, kéo theo hàng loạt hệ lụy.

Trà sữa sẵn sàng chuyển đến tận tay khách khi được đặt hàng
Trà sữa sẵn sàng chuyển đến tận tay khách khi được đặt hàng

Bà Đặng Thị Thùy Dương, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai (Sở Tài nguyên - môi trường) cho hay việc dùng ly nhựa gây lãng phí tiền bạc, tài nguyên, tăng áp lực xử lý môi trường... Chưa kể các sản phẩm từ nhựa PVC có thể mất từ 500-1.000 năm mới có thể tự phân hủy, trong quá trình xử lý các sản phẩm này còn gây ra những tác hại xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Nhiều năm qua, chi cục đã phối hợp với Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn tổ chức truyền thông cho học sinh, sinh viên hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, hiệu quả thu được còn hạn chế vì xu hướng này đang phổ biến.

Thay đổi thói quen là một việc khó. Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Tổ chức hành động và liên kết vì môi trường và phát triển Việt Nam (CHANGE), chia sẻ sử dụng ly nhựa uống một lần là thói quen có hại cho môi trường. Hiện nay, CHANGE  đang xây dựng một dự án truyền thông có tên “I change” - nghĩa là “Tôi thay đổi”, và đối tượng truyền thông là các quán trà sữa ở TP.Hồ Chí Minh. “Chúng tôi khuyến khích các bạn trẻ đem theo ly, cốc gốm sứ, thủy tinh khi đi uống trà sữa; tái dùng từ 2-3 lần ly nhựa, ống hút trước khi bỏ hẳn. Nếu mỗi “tín đồ” trà sữa hiện nay làm được điều này, chắc chắn sẽ giảm được gánh nặng rất lớn cho môi trường” - bà Hồng nhấn mạnh.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        166,403       190