Bạn đọc

Oằn mình gom rác ngày tết

Tết là thời điểm các hoạt động mua sắm, sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa… tăng đột biến. Đây cũng là dịp nhân viên thu gom rác phải oằn mình đi gom rác với số lượng gấp nhiều lần ngày thường.

Tết là thời điểm các hoạt động mua sắm, sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa… tăng đột biến. Đây cũng là dịp nhân viên thu gom rác phải oằn mình đi gom rác với số lượng gấp nhiều lần ngày thường.

Sau tết, rác tràn ngập đường phố ở TP.Biên Hòa. Ảnh: M.Quân
Sau tết, rác tràn ngập đường phố ở TP.Biên Hòa. Ảnh: M.Quân

Những người có ý thức đều gom rác thải gọn gàng, cho vào túi cột chặt đem để đúng nơi quy định. Tuy nhiên, không ít trường hợp vô tư vứt rác, thậm chí xả rác nơi công cộng bừa bãi.

* Vô tư xả rác

Nhiều người dân ở TP.Biên Hòa còn nhớ hình ảnh rác ngập đường ở khu vực cầu Hóa An trong thời điểm giao thừa vừa qua. Đây là nơi tổ chức bắn pháo hoa nên từ sớm đã tập trung rất đông người chờ đến thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Tuy nhiên, khi màn bắn pháo hoa rực rỡ kết thúc, đám đông giải tán thì nơi tụ tập đông người đó trở thành “chiến trường” với đủ loại rác thải, như: ny-lông, vỏ chai nước, giấy vệ sinh… vứt ngổn ngang khắp nơi. Đương nhiên, khi mọi người ra về thì hậu quả này không ai khác chính là những công nhân vệ sinh phải vất vả dọn dẹp để đường phố tươm tất trước sáng mùng 1 tết.

Ông Nguyễn Văn Hưng, một người buôn bán gần khu vực cầu Hóa An, chia sẻ: “Trong khi mọi người ai về nhà nấy hoặc tiếp tục đi hái lộc xuân thì lực lượng công nhân quét rác không hề được rảnh rang bên gia đình vào thời khắc thiêng liêng trong năm. Họ phải dọn sạch sẽ trước khi trời sáng. Giá như mỗi người ý thức bỏ rác đúng chỗ thì công nhân vệ sinh đã không mất nhiều thời gian cho việc “xử lý” những đống rác phát sinh trên nhiều tuyến phố. Hy vọng tết năm sau không còn cảnh xả rác như đêm giao thừa vừa qua để nhân viên vệ sinh có thời gian nghỉ ngơi, vui đón tết cùng gia đình. Theo tôi được biết, năm nào đội ngũ này cũng thức trắng đêm 30 vì phải đi gom rác vì không thể để dồn ứ rác trước nhà dân”.

Ngoài ra, tại những điểm bán hoa ven đường cũng trở thành những bãi rác sau giờ giao thừa. Một nhân viên thu gom rác trên đường Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết nhiều chậu hoa lớn nhỏ bị bỏ la liệt bên đường nên nhân công phải ra sức thu gom hết để kịp trả lại mặt đường sạch - đẹp nên chẳng biết giây phút giao thừa là gì.

* Ý thức văn hóa ở đâu?

Lâu nay, khái niệm về văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa đường phố thường xuyên được nhắc nhở trên các phương tiện thông tin đại chúng. Văn hóa đường phố chính là điều mọi công dân đều phải tuân thủ  chấp hành nghiêm các quy định về lối sống một cách quy củ, nhất là tại thành phố loại I như Biên Hòa cần thể hiện nếp sống văn minh đô thị.

Dù có bảng cấm nhưng nhiều người vẫn đổ rác tràn lan trên đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa.
Dù có bảng cấm nhưng nhiều người vẫn đổ rác tràn lan trên đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa.

Nhìn rộng ra, đường phố là của chung, là không gian công cộng nên việc xả rác phải đúng nơi đúng chỗ. Thế nhưng, dường như vấn đề ý thức giữ vệ sinh môi trường chưa được nhiều người quan tâm, thậm chí rất xem nhẹ, nên vô tư vứt bỏ bừa bãi những thứ không còn cần đến, mặc người khác cất công dọn dẹp.  

Nếu những ngày trước tết nhân viên vệ sinh phải đối mặt với đủ loại rác sinh hoạt, thì sau tết đội ngũ này phải tăng tốc gấp nhiều lần để thu gom các đồ dùng bỏ đi sau khi trưng bày trong mấy ngày xuân. Sau những ngày “mùng”, trên các tuyến đường lớn, như: Phạm Văn Thuận, Nguyễn Ái Quốc, Huỳnh Văn Nghệ, Võ Thị Sáu… đến các ngõ, hẻm vẫn xuất hiện những đống rác chủ yếu là hoa, quả, vật dụng bị loại. Thậm chí tại một số điểm tập kết rác được bố trí thùng đựng hẳn hoi, nhưng nhiều người vẫn thản nhiên bỏ rác trên đường, vỉa hè. Ngoài ra, một lượng lớn cây cảnh cao to cũng được “đẩy” ra đường chờ được đem đi.

Nói về tình trạng rác thải sau tết, bà Trần Thị Xuyến, một hộ kinh doanh trên đường Phạm Văn Thuận, cho biết: “Nhiều nhà bê nguyên cả cây còn trong chậu lớn bỏ ra đường mặc cho công nhân khệ nệ mang đi. Theo tôi, mỗi gia đình phải tự dọn dẹp, bó cây cành riêng và xếp gọn trước nhà mình để việc thu gom thuận tiện hơn. Mỗi nhà ý thức, chia sẻ một chút thì đường phố bớt nhếch nhác và nhân viên thu gom rác cũng đỡ vất vả”.

Cùng quan điểm như bà Xuyến, một nhân viên thu gom rác trên địa bàn phường Trung Dũng thừa nhận: “Nhiều gia đình coi việc gom rác là của… ai đó nên cứ vô tư vứt loạn xạ ra đường. Sau tết là thời điểm rất nhiều rác là cây, hoa quả bị hư nên khá nặng mùi, lượng rác cũng tăng gấp đôi nên chúng tôi rất cần sự hợp tác của người dân trong việc phân loại rác và sắp xếp sao cho gọn gàng. Đáng kể là trong hẻm nhỏ xe lớn không vào được nên chúng tôi phải kéo xe tay, nếu rác cồng kềnh sẽ không thể chuyển đi được mà phải mất công thu gom mất rất nhiều thời gian, công sức”.

Minh Quân

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        166,493       184