Bạn đọc

Chính sách mới

Các Bộ: Tài chính, Giao thông - vận tải, Nội vụ vừa ban hành một số thông tư quy định về kinh phí cho hoạt động tài nguyên - môi trường, ô tô nhập khẩu và công tác đào tạo cán bộ, công chức, viên chức… được áp dụng trong tháng 2 và đầu tháng 3-2018.

Các Bộ: Tài chính, Giao thông - vận tải, Nội vụ vừa ban hành một số thông tư quy định về kinh phí cho hoạt động tài nguyên - môi trường, ô tô nhập khẩu và công tác đào tạo cán bộ, công chức, viên chức… được áp dụng trong tháng 2 và đầu tháng 3-2018.

Từ ngày 1-3-2018, xe ô tô đã qua sử dụng mà nhập về Việt Nam phải được kiểm tra kỹ thuật an toàn của từng xe. (ảnh minh họa, nguồn internet)
Từ ngày 1-3-2018, xe ô tô đã qua sử dụng mà nhập về Việt Nam phải được kiểm tra kỹ thuật an toàn của từng xe. (ảnh minh họa, nguồn internet)

* Kinh phí chi cho nhiệm vụ tài nguyên - môi trường

Từ ngày 6-2-2018, việc lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi cho hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ về tài nguyên - môi trường được thực hiện theo Thông tư 136/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành.

Thông tư này bao gồm các lĩnh vực: quản lý đất đai, đo đạc và bản đồ, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu, viễn thám, đa dạng sinh học và một số nhiệm vụ chi khác về tài nguyên - môi trường.

Đối với kinh phí ngân sách Nhà nước cấp, trung ương bảo đảm kinh phí chi hoạt động kinh tế để thực thi nhiệm vụ về tài nguyên môi trường do các bộ, cơ quan trung ương thực hiện; ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí chi hoạt động thuộc các nhiệm vụ về tài nguyên môi trường do cơ quan, đơn vị ở địa phương thực hiện.

* Siết quy định về ô tô nhập khẩu

Bộ Giao thông - vận tải vừa ban hành Thông tư 03/2018/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-3-2018.

Theo đó, ô tô đã qua sử dụng mà nhập khẩu về Việt Nam phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe. Cụ thể, sẽ kiểm tra tính thống nhất của nội dung hồ sơ đăng ký kiểm tra; thực hiện kiểm tra đối với xe được đăng ký lưu hành tại các quốc gia thuộc EU (Liên minh châu Âu), G7 (7 nước có kỹ nghệ tiên tiến trên thế giới) có tiêu chuẩn khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam.

Riêng ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra đối với từng lô xe nhập khẩu. Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại trong lô hàng phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật; kiểm tra số khung, số động cơ của từng xe trong lô hàng nhập khẩu theo hồ sơ đăng ký; kiểm tra tính đồng nhất của các xe cùng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu; lấy ngẫu nhiên mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại trong lô xe nhập khẩu để đối chiếu các thông số kỹ thuật của xe thực tế với nội dung hồ sơ đăng ký.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện ô tô đã qua sử dụng có sự thay đổi từ nước ngoài về một số thông số kỹ thuật hoặc kết cấu so với xe xuất xưởng ban đầu của nhà sản xuất thì doanh nghiệp nhập khẩu phải xuất trình các tài liệu của cơ quan quản lý phương tiện nước ngoài với xe đã thay đổi. Trường hợp ô tô nhập khẩu bị hư hại trong quá trình vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam, doanh nghiệp nhập khẩu được phép khắc phục một số hạng mục, như: thân vỏ, buồng lái, thùng hàng có lớp sơn bị trầy xước; bình ắc quy không hoạt động. Đối với ô tô có dấu hiệu bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung hoặc số VIN (trong trường hợp không có số khung), số động cơ thì cơ quan kiểm tra tiến hành trưng cầu giám định tại cơ quan giám định chuyên ngành để làm căn cứ cho việc cấp chứng chỉ chất lượng.

* Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 01/2018/TT-BNV hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2018.

Thông tư quy định rõ về thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm. Theo đó, những chương trình, khóa bồi dưỡng, tập huấn sau đây được tính vào việc thực hiện hình thức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc tối thiểu hàng năm của cán bộ, công chức, viên chức: Các chương trình bồi dưỡng theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; các khóa tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ; các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài.

Về điều kiện để được cấp chứng chỉ bồi dưỡng, Thông tư quy định chứng chỉ bồi dưỡng được cấp cho học viên có đủ các điều kiện: tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng; có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, khóa luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng phải đạt từ 5 điểm trở lên (chấm theo thang điểm 10); chấp hành quy chế, nội quy học tập của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

Theo Báo điện tử Chính phủ

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        157,811       333