Bạn đọc

Cống hở nguy hiểm còn nhiều

Như Báo Đồng Nai đã phản ảnh, nhiều hệ thống thoát nước ở một số tuyến đường không có nắp đậy gây nguy hiểm cho người đi đường, nhất là trẻ em. Từ những đoạn cống không nắp này thời gian qua đã gây ra nhiều cái chết thương tâm…

Như Báo Đồng Nai đã phản ảnh, nhiều hệ thống thoát nước ở một số tuyến đường không có nắp đậy gây nguy hiểm cho người đi đường, nhất là trẻ em. Từ những đoạn cống không nắp này thời gian qua đã gây ra nhiều cái chết thương tâm…

Một đoạn cống bị hư nắp ngay trước nhà dân, đoạn thuộc xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu.
Một đoạn cống bị hư nắp ngay trước nhà dân, đoạn thuộc xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu.

Khảo sát tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Đồng Nai ghi nhận còn rất nhiều đoạn cống hở nguy hiểm. Đây chính là cạm bẫy đối với người đi đường một khi bị té ngã xuống cống, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

* Kinh phí thi công hạn hẹp?

Trên đường tỉnh 768, nhiều đoạn cống thoát nước đã thi công hoàn tất nhưng không nắp hoặc chỉ có nắp tạm. Đáng lưu ý là đoạn qua các xã: Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi đang xây dựng hệ thống thoát nước 2 bên đường, song trên công trường chỉ đặt rào chắn sơ sài bằng dây ny-lông.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông - vận tải, tiêu chuẩn Việt Nam về thiết kế đường bộ liên quan đến hệ thống thoát nước dọc (cống, rãnh) trên các tuyến đường giao thông được quy định cụ thể như sau: Những đoạn cống qua khu dân cư có lát các tấm đan che kín. Tuy nhiên, tiêu chuẩn Việt Nam vẫn cho phép thiết kế hệ thống cống, rãnh hở đối với các trường hợp ngoài khu dân cư. Do vậy, thực trạng hiện nay còn một số đoạn cống dọc các đường tỉnh hiện hữu không có nắp đậy, chủ yếu là đường khu vực ngoài đô thị và qua những khu vực dân cư thưa thớt. Về lâu dài, sở sẽ trình tỉnh phương án xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước cho toàn tỉnh cho phù hợp, nhất là TP.Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch.          Kim Liễu

Nói về nguy cơ mất an toàn từ những đoạn cống hở, ông Huỳnh Văn Lành (ngụ xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) cho biết nhà ông có xây tường rào cao 70cm để ngăn nước. Tuy nhiên, những khi mưa lớn nước từ cống hở vẫn chảy tràn vào nhà. Điều này cho thấy các cháu nhỏ khó lòng thoát nạn nếu bị té xuống cống. “Hệ thống thoát nước 2 bên đường 768 có chiều sâu khoảng 80cm, do đường dốc nên mỗi khi mưa lớn lượng nước chảy về khu vực này rất nhiều, đường 768 ngập lênh láng. Dòng nước chảy xiết nên người đi đường rất dễ té ngã, nếu xảy ra ngay tại đoạn cống hở thì chắc chắn nạn nhân gặp họa” - ông Lành nói.

Theo người dân ngụ dọc đường 768, dạo trước khi thi công nâng cấp tuyến đường này, nhiều người góp ý phải xây dựng hệ thống thoát nước có nắp đậy cho an toàn, bởi trên toàn tuyến có nhiều trường học nên sẽ nguy hiểm cho các cháu nhỏ trong mùa mưa lũ. Thế nhưng, có lẽ do thiếu kinh phí nên đến nay nhiều đoạn cống không nắp vẫn còn tồn tại.

Đoạn cống hở kéo dài hàng trăm mét trên đường tỉnh 768,  thuộc ấp 1, xã Thạnh Phú.
Đoạn cống hở kéo dài hàng trăm mét trên đường tỉnh 768, thuộc ấp 1, xã Thạnh Phú.

Nhận định về công trình thoát nước gần nhà, bà lê Thị Mến (nhà ở ấp 1, xã Thạnh Phú) cho rằng việc thi công hệ thống thoát nước của chủ đầu tư thiếu trách nhiệm. Chẳng hạn một đoạn cống có nắp nhưng bị bể, người dân liền báo cho chính quyền địa phương. Sau đó đơn vị thi công có xuống khắc phục, nhưng chỉ lấy khung sắt đậy tạm nên miệng cống vẫn hở có thể lọt cùng lúc 2 người lớn.

* Nhìn đâu cũng thấy… “bẫy”

Hệ thống thoát nước đang thi công trên đường 768 trước khu vực Trường tiểu học Bình Hòa. Ảnh: Kim Liễu
Hệ thống thoát nước đang thi công trên đường 768 trước khu vực Trường tiểu học Bình Hòa. Ảnh: Kim Liễu

Trên quốc lộ 1, đoạn qua huyện Trảng Bom hiện có nhiều đoạn cống thoát nước dọc 2 bên đường không nắp, trong khi những đường cống này rộng và khá sâu, tạo ra những chiếc “bẫy” đối với người đi đường, nhất là vào những ngày mưa lớn.

Tại đầu đường số 5 (ấp Trà Cổ, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) có một đoạn cống không nắp rộng khoảng 1,5m và sâu hơn 1m. Do khu vực này thấp trũng, nên mỗi khi mưa lớn kéo dài, nước từ quốc lộ chảy vào xối xả. Chị Nguyễn Thị Lan nhà gần bên cống hở, kể lại đã có không ít trường hợp người dân, trong đó có trẻ em, bị nước cuốn té xuống mương trong cơn mưa dẫn đến thương tích.

Đầu đường 29-4, thuộc KP.5, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom toang hoác vì không có nắp đậy.
Đầu đường 29-4, thuộc KP.5, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom toang hoác vì không có nắp đậy.

Cũng trên quốc lộ 1, ngay đầu đường 29-4 (thuộc KP.5, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) là đường song hành với quốc lộ cũng có một cống thoát nước hở toang hoác dài hơn 200m. Theo anh Nguyễn Thành Chơn, người dân sống ở khu vực này, mỗi khi mưa lớn, nước ngập lênh láng đường, chỉ người dân địa phương mới biết vị trí cống không nắp để tránh được, còn khách đi đường rất dễ gặp nạn. “Tôi sống ở đây đã lâu nên biết rõ, cách đây vài tháng đã có người bị lọt xuống cống này, rất may chỉ bị thương tích. Mùa mưa năm nào cũng có vài trường hợp lọt cống hở. Nếu không sớm khắc phục tình trạng này thì sẽ còn nhiều người gặp nạn vì… “lọt cống” - anh Chơn nhận định.

Còn tại đường tỉnh 769 nối Dầu Giây với quốc lộ 51 mới được thi công nên hệ thống thoát nước 2 bên đường đều có nắp đậy an toàn. Tuy nhiên, ở khu vực Đồi 2, ấp 9 (xã Bình sơn, huyện Long Thành), một bên đường có hệ thống thoát nước dài hàng trăm mét, sâu khoảng 1,5m dẫn ra một con suối nhỏ nhưng không có nắp đậy. Khu vực này vào ban đêm không có đèn đường, trong khi rào chắn mương chỉ là những cọc xi măng thấp chừng 0,5m. Chị Lê Thị Diệu Uyên (ngụ gần Đồi 2) có người thân từng lọt xuống cống này bị thương vùng đầu, cho biết mỗi khi mưa lớn nước từ đường và trên cao đổ xuống chảy rất xiết. Thời gian qua đã có người điều khiển xe máy, xe đạp bị lạc tay lái té xuống cống, may mắn được bà con phát hiện cứu sống. Người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương về việc làm nắp đậy miệng cống để tránh gây tai nạn cho người đi đường, nhưng lãnh đạo cho biết đường này do tỉnh quản lý, xã không quyết định được.

Đoạn cống hở ở đầu đường số 5, ấp Trà Cổ (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom. Ảnh: Phương liễu
Đoạn cống hở ở đầu đường số 5, ấp Trà Cổ (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom. Ảnh: Phương liễu

Tương tự, tại một số công trình xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Hùng Vương, đoạn đi qua ấp 3, 4, 5 (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) bị ngập nước. Trong đó, nhiều công trình đang thi công nhưng đơn vị thi công không có bất kỳ hình thức che chắn hay cảnh báo nào nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông trên tuyến đường này. Liên hệ với UBND huyện, Ban Quản lý dự án huyện Nhơn Trạch (chủ đầu tư công trình) thì được lãnh đạo đơn vị này thông báo sẽ sớm trả lời về những vấn đề liên quan, nhưng sau đó thì im lặng.

Ông Đỗ Quốc Bảo, Giám đốc Xí nghiệp BOT (thuộc Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức) - đơn vị chủ đầu tư công trình đường tỉnh 768, cho biết trước đây khi thi công đường này, do kinh phí có hạn nên đơn vị mới chỉ làm hệ thống thoát nước có nắp đậy qua những đoạn ở khu dân cư. Hiện nay, người dân đã xây nhà dọc kín 2 bên đường 768 và nhu cầu xây hệ thống thoát nước phát sinh nên UBND tỉnh đã bổ sung kinh phí và giao cho UBND huyện Vĩnh Cửu thi công tiếp những đoạn cống chưa hoàn chỉnh. Nhằm bảo đảm an toàn cho người dân đi lại, những đoạn cống hở do UBND huyện Vĩnh Cửu triển khai thi công đều có nắp đậy kiên cố.                                                                

Phương Liễu

Song Liễu - Văn Chính

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,611       800