Bạn đọc

Mỏi mòn chờ công lý

Đó là các trường hợp của ông Bạch Văn Cảnh (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa), bà Đinh Thị Theo (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) và bà Nguyễn Thị Gương (xã Gia Tân, huyện Thống Nhất)…

Đó là các trường hợp của ông Bạch Văn Cảnh (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa), bà Đinh Thị Theo (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) và bà Nguyễn Thị Gương (xã Gia Tân, huyện Thống Nhất)…

Căn nhà xây dựng dang dở của ông Bạch Văn Cảnh (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) ngổn ngang đồ đạc. Ảnh: K.LIỄU
Căn nhà xây dựng dang dở của ông Bạch Văn Cảnh (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) ngổn ngang đồ đạc. Ảnh: K.LIỄU

Những trường hợp này đã phải chờ từ 4-9 năm trời khi vướng vào các vụ tranh chấp kéo dài, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Trong khi đó các cơ quan chức năng cho rằng đã làm đúng theo quy định, song vụ án kéo dài là do nguyên nhân khách quan.

* 4 năm tranh chấp chưa kết thúc

Nhìn vợ chồng ông Bạch Văn Cảnh (ngụ KP.3, phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) đã ngoài 60 tuổi phải sống vất vả trong căn nhà che tạm bợ trên công trình đang xây dựng dở dang, nhiều người không khỏi chạnh lòng.

“Nguyên tắc của Luật Dân sự là thiện chí, trung thực, tuy nhiên thực tế có nhiều trường hợp các đương sự vi phạm điều này. đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ việc tranh chấp thường bị kéo dài thời gian giải quyết. Có trường hợp các bên vận dụng các quy định của pháp luật theo nhiều cách để làm khó nhau”.                        

Luật sư Ngô Văn Định, Hội Luật gia tỉnh

Năm 2013, nhà ông Cảnh đang sửa chữa thì buộc phải ngưng do hộ ông N. ở kế bên khởi kiện ra tòa. Ông N. cho rằng ông Cảnh xây nhà lấn sang đất nhà mình 3,4m2.

Vụ việc được tòa thụ lý vào tháng 10-2013 nhưng đến nay vẫn chưa xét xử. Trong khi đó, công trình nhà ông Cảnh trị giá hơn 350 triệu đồng phải để vật liệu xây dựng ngổn ngang, giờ đã bị hư hỏng.

Nói về tình cảnh bi đát của gia đình, ông Cảnh buồn rầu cho biết bao nhiêu vốn liếng vợ chồng dành dụm nhiều năm để mua vật liệu xây nhà, từ đó đến nay không xây dựng được coi như mất trắng, trong khi nhà giờ chỉ là nơi ở tạm.

“Mấy năm nay các con tôi phải thuê nhà trọ để có chỗ cho các cháu học hành. Tôi chỉ mong vụ việc mau chóng kết thúc để gia đình trở lại cuộc sống bình thường, nhưng mọi việc vẫn im lìm nên buộc tôi phải làm đơn khiếu nại gửi các nơi nhờ giúp đỡ” - ông Cảnh than.

Trong khi đó, tại văn bản trả lời ông Cảnh, Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa cho rằng khiếu nại của ông Cảnh là không có cơ sở. Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án là để chờ kết quả thẩm định giá. Nhưng do bản đồ hiện trạng khu đất không thể hiện diện tích tranh chấp nên đơn vị thẩm định giá không ra chứng thư xác định được. Vì những lý do nêu trên, vụ án vẫn đang trong thời gian tạm đình chỉ để chờ kết quả thẩm định.

Theo ông Cảnh, cho đến nay ông chưa được tòa án trả lời khi nào vụ việc này mới được đưa ra xét xử. “Có nghĩa là gia đình tôi vẫn tiếp tục phải chờ đợi thêm, còn đến bao giờ tòa xử thì… chịu” - ông Cảnh nói.

* 9 năm chưa thi hành xong bản án

Đây là trường hợp của bà Đinh Thị Theo (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) và bà Nguyễn Thị Gương (xã Gia Tân, huyện Thống Nhất). Bà Theo và bà Gương là nguyên đơn trong vụ khiếu kiện tranh chấp quyền lợi được tòa án thụ lý, sau đó đưa ra xét xử khá nhanh. Thế nhưng, tính từ thời điểm án có hiệu lực đến nay đã gần 9 năm mà mọi việc vẫn ở phía trước.

Theo bản án do Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu tuyên tháng 7-2008, buộc ông Nguyễn Như Hải và bà Trần Thị Dư phải trả cho bà Theo và bà Gương tổng số tiền hơn 161 triệu đồng, đồng thời chịu lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với số tiền và thời gian trả chậm.

Do đương sự không tự nguyện thi hành án nên Chi cục Thi hành án huyện Vĩnh Cửu đã tiến hành các thủ tục kê biên tài sản vào tháng 4-2009. Tuy nhiên, quá trình kê biên lại sai thửa đất nên cơ quan thi hành án ban hành quyết định khác vào năm 2010.

Cho rằng chấp hành viên cố tình làm sai lệch hồ sơ để vụ việc bị trì hoãn nên bà Theo gửi đơn khiếu nại. Đến năm 2012, Chi cục Thi hành án huyện Vĩnh Cửu mới ra quyết định cưỡng chế thi hành án đối với ông Hải và bà Dư.

Bà Theo cho biết sau 7 lần giảm giá và 8 lần bán đấu giá, mãi đến tháng 4-2017 mới có người trúng đấu giá với tổng số tiền gần 260 triệu đồng. Khi biết tin người mua trúng đấu giá đã chuyển tiền mua tài sản đến cơ quan chức năng, bà Theo và bà Gương liên hệ đơn vị thi hành án thì được trả lời chưa thể trao tiền vì ông Hải bị bệnh ung thư nên chưa giao nhà cho người trúng đấu giá.

Cho đến nay, sau nhiều lần liên hệ đơn vị chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết, bà Theo tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến các cấp đề nghị can thiệp...

Rõ ràng, trong cuộc sống chẳng ai muốn “dính” vào tranh chấp hay kiện tụng vì phải theo đuổi rất mệt mỏi, nhưng một khi đã là người trong cuộc thì cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều muốn mau chóng xong việc. Tuy nhiên, luật pháp hiện hành vẫn có sự chồng chéo, thậm chí còn một số vướng mắc nên chắc chắn có những trường hợp cứ phải kiên nhẫn… chờ đợi trong mòn mỏi. 

Kim Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        157,990       532