Bạn đọc

Miễn lệ phí dân di cư tự do vùng biên giới Việt - Lào

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 64/2017/TT-BTC hướng dẫn miễn lệ phí quốc tịch, hộ tịch, đăng ký cư trú cho người được phép cư trú khi làm các thủ tục về quốc tịch và các giấy tờ khác liên quan đến nhân thân theo quy định của Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào…

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 64/2017/TT-BTC hướng dẫn miễn lệ phí quốc tịch, hộ tịch, đăng ký cư trú cho người được phép cư trú khi làm các thủ tục về quốc tịch và các giấy tờ khác liên quan đến nhân thân theo quy định của Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào…

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) (ảnh minh họa).
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) (ảnh minh họa).

Theo đó, đối tượng được miễn lệ phí là người được cơ quan chức năng Việt Nam cho phép cư trú, gồm: người di cư tự do trong vùng biên giới Việt Nam hoặc Lào từ năm 1985 trở về trước; người di cư tự do trong vùng biên giới Việt Nam hoặc Lào từ năm 1986 đến ngày 8-7-2013 với các điều kiện: tôn trọng luật pháp của nước cư trú, không vi phạm luật hình sự; có cơ sở cuộc sống ổn định, có nhà cửa tài sản cố định, có đất canh tác ở nước cư trú, không phải là người đang bị truy nã hoặc đang phải thi hành án theo quy định của pháp luật nước gốc.

Những người di cư tự do trong vùng biên giới 2 nước từ năm 1986 đến ngày 8-7-2013 không đủ 3 điều kiện nêu trên do phía Lào trả lại và đã được phía Việt Nam đồng ý tiếp nhận cũng được miễn lệ phí. Bên cạnh đó, người kết hôn không giá thú sau khi đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật mỗi nước, nếu có nguyện vọng xin phép cư trú trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được miễn lệ phí. Riêng người di cư tự do trong vùng biên giới Việt Nam hoặc Lào sau ngày 8-7-2013 không thuộc đối tượng áp dụng thông tư này. Theo đó, việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới 2 nước.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15-8-2017 và sẽ hết hiệu lực khi thỏa thuận chấm dứt hiệu lực.

* Tạo điều kiện cho người khuyết tật vùng sâu, vùng xa tiếp cận thông tin

Bộ Tư pháp đang dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin. Trong đó, bộ đề xuất các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhất là người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Cụ thể, việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng, điều kiện khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt, gồm: thông qua trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước (nếu có) và các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương; qua hệ thống phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền phát tin khác của địa phương; các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc; xây dựng tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm, trong trường hợp cần thiết được chuyển tải bằng ngôn ngữ dân tộc.

Bên cạnh đó, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ thông tin cho công dân; chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động cung cấp thông tin cho các khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; lồng ghép hoạt động cung cấp thông tin đối với các sự kiện văn hóa - chính trị của cơ quan, địa phương trong kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, truyền thông các chính sách mới của các cơ quan nhà nước trên địa bàn.

Theo dự thảo, thông tin liên quan trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật phải được kịp thời công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới các hình thức cung cấp thông tin thuận lợi cho người khuyết tật. Các trang hoặc cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước cung cấp kiến thức cơ bản để hỗ trợ người khuyết tật sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho việc tiếp cận thông tin đăng tải trên các trang điện tử phù hợp với điều kiện thực tiễn; bố trí thiết bị nghe - xem và các thiết bị phụ trợ thích ứng với dạng và mức độ khuyết tật của mỗi người; bố trí cán bộ hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ người khuyết tật gặp khó khăn trong việc điền phiếu, ký phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, hoặc khó khăn trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; ưu tiên cung cấp thông tin cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật về người khuyết tật.

Để hoàn thiện dự thảo, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý trên cổng thông tin điện tử của bộ.

Theo Báo điện tử Chính phủ

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,433       1,238