Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện do Bộ Công thương ban hành hàng năm và kết quả kiểm tra chi phí sản xuất - kinh doanh điện năm trước liền kề, ước kết quả sản xuất - kinh doanh điện trong năm.
* Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện
Người dân ký hợp đồng sử dụng điện tại Điện lực Biên Hòa. |
Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán giá bán điện bình quân. Trường hợp giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm giảm giá bán điện ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Sau khi tăng giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Công thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện…
Quyết định cũng quy định cụ thể cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm, trong đó, trước ngày 25 tháng đầu tiên quý II, quý III và quý IV, trên cơ sở tổng hợp thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện của quý trước liền kề, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định chi phí phát điện của quý trước liền kề, chi phí phát điện cộng dồn từ đầu năm, sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn, ước sản lượng điện thương phẩm các tháng còn lại trong năm, tính toán lại giá bán điện bình quân.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8-2017.
* Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh
Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Trong đó, để bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, cơ sở giáo dục cần bảo đảm an ninh trật tự; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm họa, thiên tai; xây dựng, công khai và thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục có sự tham gia của người học.
Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Trong ảnh: Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình trao học bổng cho học sinh huyện Nhơn Trạch đoạt giải cao tại các kỳ thi quốc gia. Ảnh: CÔNG NGHĨA |
Bên cạnh đó, thiết lập kênh thông tin, như: hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin của người học; bảo mật cho người cung cấp thông tin; tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa, hoạt động xã hội, từ thiện vì cộng đồng, hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, phù hợp với độ tuổi, đặc điểm sinh lý, tâm lý của người học. Đồng thời, thực hiện công tác y tế trường học, công tác tư vấn, công tác trợ giúp người học; thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình người học và cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của người học…
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 5-9-2017.
* Quy định về cứu nạn, cứu hộ
Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, có hiệu lực thi hành từ ngày 4-10-2017; đồng thời bãi bỏ Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 4-10-2017. Các nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ là: ưu tiên cứu người bị nạn; thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, phương tiện, tài sản của người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và thống nhất trong chỉ huy, điều hành hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Lấy lực lượng, phương tiện tại chỗ là chủ yếu, lực lượng chuyên trách làm nòng cốt, huy động tổng hợp các lực lượng và nhân dân tham gia cứu nạn, cứu hộ.
Các hành vi nghiêm cấm: Gây sự cố, tai nạn, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người, an toàn phương tiện, tài sản để trục lợi; cản trở, chống lại các hoạt động phòng ngừa cứu nạn, cứu hộ; cố ý báo tin sự cố, tai nạn giả; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ, biển báo, biển chỉ dẫn về cứu nạn, cứu hộ; lợi dụng công tác cứu nạn, cứu hộ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình và cá nhân.
Ban CTBĐ (tổng hợp)