Mới đây, một số tờ báo thông tin từ ngày 4-7-2017 sẽ bãi bỏ gần 20 thủ tục hành chính theo Nghị quyết 58/NQ-CP về đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư...
uy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định nghị quyết chỉ đưa ra phương án thực hiện thí điểm ở một số địa phương theo lộ trình từ nay đến năm 2020 chứ chưa bắt buộc áp dụng ngay.
Người dân đến làm thủ tục hộ tịch tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai. (ảnh minh họa do Sở Tư pháp cung cấp) |
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cho biết các thủ tục hành chính về tư pháp vẫn thực hiện bình thường theo những quy định hiện hành.
Ông Viên Hồng Tiến. |
* Thưa ông, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ giúp người dân thuận tiện hơn khi thực hiện các loại giấy liên quan đến hộ tịch, vậy sao chưa áp dụng Nghị quyết 58/NQ-CP?
- Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 4-7-2017 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp. Theo đó, có nhiều loại giấy được đơn giản hóa, như: đăng ký khai sinh, công chứng, bồi thường Nhà nước, hộ tịch… Ngoài ra, sẽ bãi bỏ gần 20 thủ tục bao gồm: bỏ quy định yêu cầu người chứng thực nộp bản sao giấy tờ tùy thân; bỏ thủ tục thông báo xác định người có quốc tịch nước ngoài; bỏ cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; bỏ quy định xuất trình giấy kết hôn của cha mẹ khi khai sinh cho con… Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu triển khai từng nhiệm vụ theo đúng lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính giai đoạn 2013-2020.
Như vậy, không phải bỏ ngay một số thủ tục hành chính trong phạm vi quản lý Nhà nước về hộ tịch, quốc tịch mà cần có lộ trình áp dụng từng bước cho phù hợp với thời điểm. Mặt khác, còn phải phụ thuộc vào sự hoàn thiện của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì lúc đó mới áp dụng chung việc thực hiện miễn giảm giấy tờ trong thủ tục hành chính.
* Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ khi nào được triển khai tại Đồng Nai?
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đồng Nai đã cụ thể hóa các nội dung đề án, kế hoạch của Bộ Tư pháp. Qua đó UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu lãnh đạo tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đề án 896 tại địa phương theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo đề án 896 Trung ương.
Sau khi có ban chỉ đạo, tỉnh sẽ tiến hành triển khai nhiệm vụ rà soát, chỉnh sửa các văn bản do địa phương ban hành trong công tác quản lý dân cư nhằm phục vụ việc ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thống nhất, hiệu quả.
Ý thức được tầm quan trọng trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, từng bước tạo thuận lợi cho người dân khi làm hồ sơ liên quan đến hộ tịch cá nhân, ngành tư pháp đã chủ động kiểm tra, rà soát những lĩnh vực còn tồn tại để từng bước hạn chế tối đa các thủ tục rườm rà gây phiền hà cho dân. Nếu phát hiện những thủ tục không còn phù hợp, cơ quan chức năng sẽ kiến nghị UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ, bãi bỏ. Mặt khác, chúng tôi tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm, thái độ của công chức, viên chức trong nhiệm vụ phục vụ nhân dân; phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo trong công tác cải cách hành chính.
*Trong khi chờ đợi Nghị quyết 58/NQ-CP được triển khai, sở có những giải pháp gì nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân khi đến liên hệ?
- Trong đời sống của từng công dân, từ khi sinh ra và lớn lên, kể cả khi mất đi sẽ có rất nhiều các loại giấy tờ liên quan đến tư pháp, như: giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử. Ngoài ra, nhiều trường hợp còn phải thực hiện một số giấy tờ về nhận nuôi con nuôi, cải chính hộ tịch…
Do đó, những năm qua ngành tư pháp nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách hành chính. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện đơn giản hóa hơn 900 thủ tục (vượt hơn 34% so với chỉ tiêu); bãi bỏ hơn 500 thủ tục, sửa đổi hơn 1,6 ngàn loại giấy tờ liên quan và thay thế 37 thủ tục hành chính chưa phù hợp thực tế hoặc còn chồng chéo; cập nhật 286 thủ tục hành chính mới.
Vừa qua, để phục vụ cho hoạt động của Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai, Sở Tư pháp được giao đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tiến hành rà soát và tham mưu ban hành mới 1.687 bộ thủ tục hành chính. Riêng đối với lĩnh vực tư pháp có 181 thủ tục. Qua đó đã giảm tỷ lệ giải quyết hồ sơ chậm trễ cho người dân nên đã giảm trễ hạn giải quyết hồ sơ cho người dân từ 40% (năm 2013) xuống còn 25% (năm 2014), 5% (năm 2015) và năm 2016 chỉ còn 2%.
Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)