Bạn đọc

Phân chia thừa kế: Cần rõ ràng ngay từ đầu

Chế định về phân chia di sản thừa kế đã có nhiều thay đổi và ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, trên thực tế việc giải quyết phân chia di sản thừa kế vẫn còn là vấn đề phức tạp, bởi không chỉ liên quan đến quyền lợi của các bên mà còn đụng chạm đến tình cảm, đạo đức và sự gắn kết trong gia đình.

Người dân nên nhờ luật sư tư vấn khi thực hiện việc phân chia di sản thừa kế.
Người dân nên nhờ luật sư tư vấn khi thực hiện việc phân chia di sản thừa kế.

Ghi nhận qua nhiều vụ công dân đến tư vấn, tranh chấp, kiện cáo liên quan đến phân chia di sản thừa kế cho thấy, nếu ban đầu thiếu rõ ràng, minh bạch, nể nang nhau, sau này dễ phát sinh tranh chấp.

Huynh đệ tương tàn

Đến tư vấn tại Báo Đồng Nai, nhiều người mang tâm lý phiền muộn vì chuyện phân chia thừa kế trong gia đình không suôn sẻ, dẫn đến quyền lợi bị ảnh hưởng, tình cảm gia đình sứt mẻ, thậm chí… “huynh đệ tương tàn”.

Về thời hiệu khởi kiện liên quan đến thừa kế, luật pháp cũng quy định trong thời hạn 10 năm từ thời điểm mở thừa kế, các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế hoặc có văn bản xác nhận là đồng thừa kế. Quá thời hạn này, nếu xảy ra tranh chấp thừa kế, tòa án sẽ không thụ lý vụ án, mà chỉ thụ lý khi có đơn gửi đề nghị giải quyết phân chia tài sản chung.

Mong muốn tìm cách giải quyết sự việc tranh chấp di sản thừa kế của anh em mình, ông N.V.A. (ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) trình bày cha mẹ ông có 3 người con (2 trai, 1 gái). Năm 2009 và 2013, cha mẹ ông lần lượt qua đời, để lại 1 ngôi nhà nhỏ và mảnh vườn 300m2 ở xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) mà không có di chúc. Căn nhà được người anh cả là N.V.Đ. ở và trông coi.

Thời gian đầu khi cha mẹ mới mất, ông A. và cô em gái ở quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) vẫn thường xuyên về nhà tổ thắp nhang, cúng cha mẹ vào những ngày giỗ, tết. Tuy nhiên, mỗi lần về 3 anh em thường “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Đến  năm 2015, mâu thuẫn lên cao, ông A. và em gái đề nghị ông Đ. bán 200m2  đất vườn để lấy tiền xây một ngôi nhà thờ khác trên phần đất còn lại, căn nhà cũ giao hẳn cho ông Đ. và hứa sẽ không tranh chấp căn nhà tổ này nữa. Song, lúc này ông A. và người em gái mới biết sau khi mẹ mất, ông Đ. đã tự ý sang tên, làm sổ đỏ chuyển toàn bộ mảnh vườn 300m2 cho vợ chồng người con trai của mình. Hiện con trai ông Đ. đang rao bán đất để lấy tiền đi nơi khác lập nghiệp. Từ đây, cuộc chiến gia tộc nổ ra. Ông A. than thở: “Cực chẳng đã anh em tôi mới tính đến chuyện đâm đơn kiện nhau ra tòa, chứ biết rằng “vô phúc” mới phải “đáo tụng đình”. Hơn nữa, 3 anh em ai cũng đã ở tuổi “thất thập”, thường xuyên đau ốm, đi lại khó khăn, sung sướng gì khi phải hầu tòa”.

Trên đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc liên quan đến phân chia di sản thừa kế mà chúng tôi có dịp tiếp cận. Cũng trong quá trình tiếp nhận phản ánh, có những vụ liên quan đến phân chia tài sản được những người trong gia đình rất tôn trọng, anh em đồng thuận đến nhờ luật sư tư vấn nên phân chia thừa kế thế nào cho đúng pháp luật và đúng với sự đóng góp của mỗi người… Song, phần lớn vụ việc, người liên quan đến trong tâm trạng bức xúc. Nhiều người còn đưa ra cả hình ảnh chụp lại các thương tích, cảnh đồ đạc, vườn tược bị đập phá rất thê thảm do tranh giành tài sản thừa kế.

Ngại, nên bỏ qua thủ tục

Phân chia di sản thừa kế là một việc tế nhị. Hiện nay rất nhiều gia đình anh em không đồng thuận, hoặc ngại nên không đưa ra pháp luật, hoặc thiếu kiến thức pháp luật để thực hiện phân chia di sản thừa kế hợp pháp… nên khi không còn thuận thảo, mâu thuẫn xảy ra, dẫn đến kết cục không hay.

 Nói về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định (Hội Luật gia Đồng Nai) cho hay chế định về phân chia di sản thừa kế được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, trước hết vẫn là sự thỏa thuận trong chính mỗi gia đình. Để tránh phát sinh tranh chấp tài sản sau này, các thành viên trong gia đình nên có sự rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu. Nhất là khi cha mẹ còn sống, còn đủ minh mẫn nên tổ chức hội đồng gia tộc và làm di chúc, có sự chứng kiến của người ngoài gia đình và chứng thực của chính quyền địa phương.

Theo luật sư Định, nếu muốn từ chối nhận di sản thừa kế người thừa kế không chỉ nói “không nhận” là xong, mà quyết định này phải được lập thành văn bản và được chính quyền địa phương chứng nhận việc từ chối nhận di sản; người từ chối nhận di sản phải báo cho ít nhất 2 người đồng thừa kế trở lên (nếu có hơn từ 2 người trong hàng thừa kế); việc từ chối nhận thừa kế phải được thực hiện trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế. Thực tế, việc này hầu như không được quan tâm.

Riêng đối với di chúc miệng, loại hình này đã được pháp luật thừa nhận nhưng chỉ hợp pháp khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng này phải ghi chép, ký tên, trong thời hạn 5 ngày phải được công chứng hoặc chứng thực… Song trong thực tế, có rất ít người làm chứng tích cực thực hiện nốt phần trách nhiệm làm chứng của mình.

Phương Uyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        164,433       1,333