Bạn đọc

Đi lễ chùa đầu năm

Tháng Giêng không chỉ là tháng cho mọi người bắt đầu một năm mới với những dự định trong công việc của mình, mà với nhiều người thời điểm này còn là tháng hành hương lễ chùa với mong muốn những điều tốt đẹp đến cho bản thân và gia đình...

Sáng 11 tháng Giêng (7-2) nhiều người ở khắp nơi vẫn về núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc để đi lễ chùa Gia Lào.
Sáng 11 tháng Giêng (7-2) nhiều người ở khắp nơi vẫn về núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc để đi lễ chùa Gia Lào.

Ngay sau thời điểm chào đón năm mới, nhiều người đã rộn ràng đến chùa, cầu cho gia đình một năm mới nhiều may mắn.

Cầu năm mới bình an

Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, lưu ý: nếu nơi nào đang có những hình thức tổ chức lễ chùa chưa đúng quy định thì cần chấn chỉnh ngay, nhất là việc tặng lộc hoặc đặt thùng tiền cúng dường sao cho phù hợp; tránh biến niềm tin của người dân đối với nơi thờ tự trở thành mê tín dị đoan, lợi dụng lẫn nhau trong quá trình lễ Phật làm mất đi sự tôn nghiêm ở nơi thờ tự.

Hàng năm, cứ gần đến giao thừa là gia đình chị Trần Thị Tươi (ngụ xã Suối Tre, TX.Long Khánh) cùng nhau đến chùa ở gần nhà để thắp nhang, lễ Phật xin cho gia đình trong năm mới được bình an. Sau khi lễ Phật, gia đình chị Tươi mới trở về nhà và bắt đầu cúng thời khắc chuyển giao đêm 30 với những tập tục truyền thống, như: lì xì cho người thân trong gia đình, chúc nhau những lời tốt đẹp. Không chỉ gia đình chị Tươi, đi chùa đầu năm là thói quen của đông đảo người dân; thậm chí có gia đình còn đi viếng nhiều ngôi chùa xa trong và ngoài tỉnh.

Đồng Nai là một trong những địa phương có khá nhiều chùa được người dân trong tỉnh cũng như khắp nơi tìm về hành hương, như: chùa Gia Lào (núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc); chùa Bửu Phong, Quan Âm tu viện, chùa Ông (TP.Biên Hòa)… Có những người xem việc đi chùa đầu năm trở thành tập tục riêng cho mình. Chẳng hạn, gia đình ông Nguyễn Trọng Hùng (ngụ quận 8, TP.Hồ Chí Minh) thường có những chuyến hành hương đến các chùa vào dịp đầu năm. Hơn 10 năm nay, trong số các chùa gia đình ông Hùng hành hương là chùa Gia Lào trên núi Chứa Chan. Theo ông Hùng, từ dạo đường lên núi còn cheo leo, khúc khuỷu, dốc, gia đình ông đã lặn lội về đây với tâm trạng hồ hởi, phấn chấn. “Chưa năm nào gia đình tôi bỏ đi chùa. Tôi cũng như vợ và các con đều suy nghĩ rằng đi chùa vào dịp này để cầu mong những điều may mắn cho gia đình. Và đây cũng là dịp kết hợp tham quan du lịch cho cả gia đình. Các con tôi rất thích được cùng cha mẹ đi chùa, nhất là leo lên chùa Gia Lào để lễ Phật. Chứa Chan là ngọn núi cao thứ 2 ở Nam bộ với độ cao 837m, là khu di tích lịch sử - danh thắng cấp quốc gia. Trên đỉnh núi có chùa Gia Lào nổi tiếng nên khi đến đây gia đình tôi đều vui vẻ, thoải mái” - ông Hùng bộc bạch.

Núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) đông nghẹt người trong những ngày đầu năm mới.
Núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) đông nghẹt người trong những ngày đầu năm mới.

Theo ông Bùi Tấn Trước, Giám đốc Ban quản lý và bảo vệ rừng di tích quốc gia núi Chứa Chan thì khách đến tham quan, hành hương chùa Gia Lào đầu năm nay tăng nhẹ, trong dịp tết đã đón 60 ngàn du khách từ khắp nơi về tham quan, hành hương. Năm nay do được tổ chức chu đáo, an ninh trật tự được tăng cường nên không xảy ra những chuyện đáng tiếc trong những ngày đầu năm mới.

Giữ gìn nơi tôn nghiêm

 Chùa được xem là nơi thờ cúng tôn nghiêm của đạo Phật. Người đến lễ Phật đều hiểu khi vào chùa không nên lớn tiếng; ăn mặc lịch sự, kín đáo và đi lễ chùa với tâm ý trong sáng để cầu mong gia đình yên vui... Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều nơi đã vô tình làm mất đi vẻ tôn nghiêm bởi những hành vi trao đổi vật chất khi cầu xin điều gì đó; thậm chí không ít người chưa hiểu hết ý nghĩa của việc đi chùa lễ Phật.

Chị Trần Thị Xuân (ngụ xã Ngọc Định, huyện Định Quán) cho biết mỗi năm gia đình đều chuẩn bị khá nhiều tiền lẻ để đi chùa cúng. Tất cả những thùng “tam bảo” hay “cúng dường” tại các chùa, chị đều bỏ tiền rồi khẩn nguyện xin một món gì đó như trái cây hoặc bông hoa để mang về nhà. Để xin được lộc, chị Xuân thường cúng tiền với sự thành tâm rồi mới dám lấy lộc. “Năm nay tôi mới đi được vài chùa, dự kiến sẽ còn đi tiếp đến khoảng tháng 2 âm lịch mới nghỉ. Tại một số chùa tôi đã đến đều đặt khá nhiều thùng tam bảo, đặc biệt là núi Bà Đen ở Tây Ninh, thùng tam bảo nhiều hơn những năm trước, thậm chí có nơi như chánh điện mà dưới mỗi bàn thờ Phật đều có 1 thùng đựng tiền khiến tôi có cảm giác như việc cúng của mình trở thành sự trao đổi giữa thần thánh và con người, làm cho giá trị của việc cúng dường trở nên không bình thường” - chị Xuân băn khoăn.

Bàn về những hình thức đi lễ chùa theo giáo lý nhà Phật, Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, cho rằng đi lễ chùa trong và sau Tết Nguyên đán gần như đã thành truyền thống của người dân Việt Nam. Riêng việc cúng dường, thật ra đây là vấn đề góp phần cung cấp dưỡng nuôi cho các chư tăng, là sự kết hợp giữa người xuất gia và người tại gia để duy trì giáo lý nhà Phật chứ không mang một ý nghĩa nào khác. “Phật giáo giúp mọi người hướng đến sự giác ngộ cho bản thân là chính. Không ai ban phát hay xin được ai điều gì, nên người dân khi lễ chùa cần hiểu đúng ý nghĩa của việc đi chùa lễ Phật và hái lộc đầu năm. Do đó, khi đến đình, chùa mọi người không nên tranh giành “lộc”, vì sẽ làm mất uy tín giáo lý nhà Phật. Bởi không khéo sẽ bị ngộ nhận “buôn thánh bán thần” là điều rất kiêng kỵ” - Hòa thượng Thích Giác Quang giải thích.

Minh Quân

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        149,997       902