Bạn đọc

Chợ Hóa An đã quá tải

Từ khi chợ cá đầu mối chuyển về hoạt động, chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) trở nên chật chội, ẩm thấp. Không chỉ quá tải ở bên trong mà khuôn viên bên ngoài của chợ cũng đang bị làm xấu bởi tình trạng buôn bán tự phát gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông...

Tình trạng họp chợ tràn lan trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn gần cầu vượt bộ hành tồn tại nhiều năm qua lấn chiếm lòng lề đường, gây ô nhiễm môi trường.
Tình trạng họp chợ tràn lan trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn gần cầu vượt bộ hành tồn tại nhiều năm qua lấn chiếm lòng lề đường, gây ô nhiễm môi trường.

Người dân ở khu vực này nhận xét chợ Hóa An giờ đã quá tải, nhất là sau khi chợ bị cháy vào tháng 3 vừa qua khiến nơi này càng xuống cấp, không an toàn.

* Buôn bán nhếch nhác

Theo Ban Quản lý chợ Hóa An, căn cứ bản vẽ thiết kế mở rộng chợ Hóa An thì khu chợ cá sẽ mở rộng về hướng cầu vượt với tổng diện tích hơn 6 ngàn m2. Khi hoàn thành việc nâng cấp thì chợ Hóa An đáp ứng được yêu cầu của chợ truyền thống.

Hạ tầng trong chợ hiện đã quá chật chội, không đảm đương hết nhu cầu mua bán phục vụ cho người dân ở địa phương và hàng ngàn công nhân đang lưu trú trên địa bàn xã Hóa An, cộng với việc phát sinh thêm chợ đầu mối cá dời từ bờ kè sông Đồng Nai (chợ Biên Hòa) về đã gây quá tải cho chợ Hóa An. Nói về tình trạng xuống cấp của chợ Hóa An, bà Dương Thị Thu Hương, nhà ở ấp Cầu Hang (xã Hóa An) cho biết: “Nhiều lúc muốn đi chợ để thay đổi món ăn cho gia đình, nhưng nghĩ đến cảnh lầy lội mà phát ngán. Tình trạng buôn bán hàng rong lấn chiếm lối đi dẫn vào chợ cũng là một thực trạng đáng báo động tại đây”. 

Trong khi đó, đường vào cổng Công ty TNHH đá Hóa An lâu nay thành chợ “chồm hổm” lấn chiếm vỉa hè, lòng đường càng khiến cho khu vực trở nên bầy hầy. Hàng ngày, cứ vào giờ cao điểm lúc công nhân đi làm, tiểu thương bày hàng ra lề đường để buôn bán là kẹt xe xảy ra. “Song hành” với chợ chồm hổm ở Công ty TNHH đá Hóa An là việc họp chợ tự phát trên đường Nguyễn Ái Quốc cũng diễn ra tấp nập, gây cản trở giao thông. Đủ loại hàng hóa từ rau, củ, quả cho tới cá, thịt đều có, nhất là việc giết mổ gia cầm được người bán làm ngay lề đường, chất thải được vứt tại chỗ. Từ đây phát sinh nhiều đống rác và nước thải ứ đọng bốc mùi hôi thối. Vào giờ công nhân tan ca chiều là đoạn đường dài hơn 20m hình thành một khu chợ công nhân cũng xôm tụ với cảnh người mua tấp nập.

* Sẽ mở rộng chợ Hóa An

Ngoài tình trạng gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông, vấn đề an toàn thực phẩm cũng không được đảm bảo bởi nguồn gốc thực phẩm tại các khu chợ tự phát dường như bị thả nổi.

Trong khi chủ hàng trong chợ Hóa An phải chịu sự kiểm soát về nguồn gốc xuất sứ của thực phẩm, phải đóng tiền thuế, hoa chi hàng tháng, nhưng nhiều tháng qua phải chịu cảnh buôn bán đìu hiu vì chợ ngoài đường lấn át. Ông Đặng Tài Vàng, chủ sạp hàng trong chợ Hóa An, bức xúc: “Do bị hàng rong giành khách nên chúng tôi bán rất ế ẩm, nhiều tiểu thương chỉ kinh doanh cầm chừng nên thu không đủ bù chi. Chúng tôi đã nhiều lần phản ảnh với ban quan lý chợ, cùng nhau qua UBND xã đề nghị can thiệp nhưng tình trạng chợ lề đường vẫn không thay đổi, thậm chí hàng hóa bên ngoài chợ ngày càng được  mở rộng, phong phú hơn trong chợ Hóa An”.

Bà Thu Vân và con dâu bán chung một sạp vì không được bố trí sạp thứ 2.
Bà Thu Vân và con dâu bán chung một sạp vì không được bố trí sạp thứ 2.

Nói về việc họp chợ tràn lan ở khu vực xã Hóa An, ông Trương Thế Hưng, Trưởng ban Quản lý chợ Hóa An, nhìn nhận việc tiểu thương trong chợ không cạnh tranh lại hàng rong là thực trạng đáng buồn lâu nay. Ban quản lý chợ cũng đã nhiều lần kiến nghị UBND xã xử lý tình trạng hàng rong trước cổng chợ nhằm đảm bảo quyền lợi cho tiểu thương và an toàn vệ sinh thực phẩm cho khách mua hàng. Thế nhưng, việc giải quyết của chính quyền địa phương không thỏa đáng. Về tình trạng các lối đi trong chợ luôn bị ẩm ướt, ông Hưng cho biết do nước từ khu chợ cá hoạt động trước đó thải ra, thoát không kịp nên ứ đọng trên các lối đi. Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn vệ sinh chung của các chủ sạp hàng chưa cao, nhiều người vô tư vứt rác, chất thải xuống hệ thống mương thoát nước. Để xử lý vệ sinh chung, ban quản lý chợ thường tổ chức cho xịt rửa, khử trùng các sạp hàng cá, thịt mỗi tháng 3 lần. Theo ông Hưng, hiện Ban Quản lý dự án TP.Biên Hòa và các đơn vị chức năng đang lập báo cáo đề xuất mở rộng chợ Hóa An. Thời gian lập dự án trình UBND TP.Biên Hòa phê duyệt và triển khai xây dựng sẽ kéo dài nên chợ Hóa An hiện tại sẽ còn “chật” một thời gian nữa.

Đề cập đến việc giải quyết dứt điểm tình trạng hàng rong tại khu vực chợ và trước Công ty cổ phần hưng nghiệp Pouchen, Chủ tịch UBND xã Hóa An Nguyễn Văn Minh cho biết tình trạng này đã diễn ra hơn 10 năm nay. Do lực lượng chức năng tại địa phương quá mỏng nên việc duy trì ổn định trật tự tại các khu vực này không xuể. Mặt khác, người bán thường nhanh chóng di chuyển mỗi lần thấy lực lượng chức năng, sau đó lại họp chợ như cũ. “Chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp mời lãnh đạo và các lực lượng chức năng của TP.Biên Hòa, Ban Quản lý chợ Hóa An, Công ty cổ phần hưng nghiệp Pouchen… đề nghị phối hợp hỗ trợ, đề ra giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng trên” - ông Minh nói.

Trả lời  bà Vũ Thị Lệ Thanh Vân, tiểu thương chợ Hóa An về việc con dâu bà là Châu Thị Cẩm Tú không có tên trong danh sách hợp đồng đăng ký sạp ở khu mở rộng chợ Hóa An, dù tiểu thương này nhiều năm nộp tiền thuế mặt bằng và hoa chi, ông Trương Thế Hưng, Trưởng ban Quản lý chợ Hóa An, thừa nhận trong 80 hộ đăng ký sạp ở khu mở rộng chỉ có 26 hộ đủ điều kiện được tiếp tục ký hợp đồng kinh doanh. Ngoài ra, những tiểu thương còn lại đã không còn yêu cầu được bố trí sạp, coi như đầu tư gặp rủi ro. Với những khiếu nại của tiểu thương chợ Hóa An về vấn đề bố trí sạp, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết đang yêu cầu Ban Quản lý chợ Hóa An báo cáo tình hình bố trí sạp chợ cho tiểu thương ở khu vực mở rộng này để thành phố xem xét giải quyết.

Phương Uyên

Kim Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        133,596       31