2 năm gần đây, hàng ngàn mét khối đất của người dân ven sông Đồng Nai ở xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) bị lở do tình trạng hút cát tràn lan gây ra.
Hàng trăm mét đất bờ sông bị sạt lở cuốn trôi đất và hoa màu của người dân ấp 11, xã Đắc Lua, huyện Tân Phú. Ảnh: N.Liên |
Để giữ phần đất vườn của gia đình, nhiều hộ dân đã gặp những người hàng ngày hút cát trên sông Đồng Nai, đoạn qua xã Đắc Lua để chỉ rõ tình trạng lòng sông đã trở nên sâu thẳm. Tuy nhiên, họ vẫn dửng dưng, tiếp tục để lại hậu quả khó có thể khắc phục.
Đất vườn bị xâm lấn
Tình trạng đất vườn của các hộ dân ở Đắc Lua bị sạt lở hàng ngày đang trở thành nỗi lo khi diện tích đất sản xuất đang bị “teo tóp”, thay vào đó là lòng sông đang “nở” ra. Đặc biệt, khu vực 2 ấp 4 và 11 có những điểm đất bị con sông lấn sâu vào từ 20-30m và đang còn có nguy cơ tiếp tục bị sụt lún.
Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Trần Bá Đạt cho biết dù được cấp giấy phép nhưng quá trình khai thác cát của Công ty cổ phần công trình giao thông Đồng Nai không được ngành chức năng kiểm soát, gây tác động xấu đến môi trường. Về lâu dài, sẽ dẫn đến chỗ bờ sông tiếp tục bị sạt lở, mặt nước bị hạ thấp do đáy sông bị khoét sâu làm ảnh hưởng đến các trạm bơm nước và hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất. Nếu thời gian tới, đơn vị khai thác cát không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, UBND huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh rút giấy phép khai thác cát của công ty này tại khu vực xã Đắc Lua. |
Là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề do đất lở, ông Nguyễn Xuân Chính (ngụ ấp 11) cho biết gia đình ông có 8 sào đất vườn, trong đó 65m chiều dài giáp ranh với bờ sông. Khoảng hơn 1 năm nay, đất bờ sông bắt đầu sạt lở khiến đất vườn nhà ông Chính bị “gặm nhấm” mỗi ngày. “Chỉ trong thời gian ngắn mà đất của gia đình tôi hoàn toàn biến dạng, bờ sông mà dựng đứng như vực sâu, bắp và cỏ trồng trôi theo dòng nước mỗi ngày. Những năm trước, cỏ trồng vào mùa khô đủ cung cấp cho đàn bò, nhưng nay thiếu nhiều nên hàng ngày cả gia đình phải đi tìm thêm thức ăn về nuôi bò, rất vất vả. Tôi yêu cầu cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát tình trạng hút cát tràn lan trên sông và có biện pháp gia cố bờ sông cho gia đình tôi” - ông Chính bộc bạch.
Theo người dân, tình trạng hút cát đang ngày càng diễn biến phức tạp. Các ghe hút cát thường tấp sát vào bờ sông để hoạt động. Khi người dân yêu cầu các tàu này không được hút gần bờ thì liền bị người trên tàu chống đối, thậm chí xảy ra xô xát. Hiện tại, trải dài bờ sông là những điểm sạt lở khá nghiêm trọng, không có độ dốc lài mà dựng đứng. Trong khi đó, cả ngày lẫn đêm các tàu hút cát tiếp tục nối đuôi nhau “cắm” vòi dài hàng chục mét xuống sông để hút cát.
Người dân kêu cứu
Sông Đồng Nai chảy qua khu vực xã Đắc Lua là ranh giới giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Tình trạng khai thác cát tại khu vực này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Trước đây, việc hút cát ở đoạn sông này do các doanh nghiệp thuộc tỉnh Lâm Đồng thực hiện. Từ năm 2013, UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp phép cho Công ty cổ phần công trình giao thông Đồng Nai khai thác với công suất 80 ngàn m3/năm tại 18 đoạn, 34 điểm. Công ty này bắt đầu khai thác từ năm 2014, tình trạng sạt lở bờ sông cũng từ đó xuất hiện và gần đây trở nên nghiêm trọng hơn. Người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng vụ việc vẫn không dừng lại.
Tàu hút cát vô tư hoạt động ngay sát bờ sông. Ảnh: Ngọc Liên |
Trao đổi về những bức xúc của người dân về bờ sông bị sạt lở, Phó chủ tịch UBND xã Đắc Lua Nguyễn Ngọc Nhì thừa nhận tình trạng này diễn ra đã khá lâu. “Qua kiểm tra thực tế, có hàng chục hộ bị thiệt hại về đất sản xuất do sạt lở. Vừa qua, đơn vị khai thác cát đã bồi thường đợt đầu cho các hộ dân này và đang tiếp tục thống kê để giải quyết cho đợt tiếp theo trong tháng 10. Tuy nhiên, tình trạng hút cát vẫn còn tràn lan, người dân yêu cầu phải ngưng ngay việc hút cát tại khu vực xã Đắc Lua. Vấn đề này chúng tôi đã ghi nhận để báo cáo, kiến nghị lên cấp trên xem xét giải quyết” - ông Nhì nói.
Theo thống kê của UBND xã Đắc Lua, có 78 trường hợp đất vườn tại các ấp: 1, 4, 7, 10, 11, 12 bị ảnh hưởng. Đã có 33 hộ được nhận bồi thường thiệt hại về đất và hoa màu với số tiền trên 180 triệu đồng. Dù được cấp phép nhưng Công ty cổ phần công trình giao thông Đồng Nai chưa thực hiện đúng một số yêu cầu, như: vị trí hút cát, khoảng cách xa bờ, số hiệu của các tàu khai thác… |
Ngọc Liên