Bạn đọc

Làm sao giải tỏa ùn tắc giao thông trước cổng trường?

Tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường ở TP.Biên Hòa lâu nay vẫn là bài toán nan giải đối với ngành giáo dục. Lẽ ra, chỉ cần khoảng ít phút là có thể rước con lúc tan học, nhưng do hàng trăm phụ huynh mạnh ai nấy đi nên có những lúc phải mất nửa giờ đồng hồ mới đón được con…

Tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường ở TP.Biên Hòa lâu nay vẫn là bài toán nan giải đối với ngành giáo dục. Lẽ ra, chỉ cần khoảng ít phút là có thể rước con lúc tan học, nhưng do hàng trăm phụ huynh mạnh ai nấy đi nên có những lúc phải mất nửa giờ đồng hồ mới đón được con…

Khu vực trước cổng Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân trong giờ học sinh tan trường. Ảnh: T.L
Khu vực trước cổng Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân trong giờ học sinh tan trường. Ảnh: T.L

Thực tế, ban giám hiệu các trường học đã rất nỗ lực trong việc bố trí chỗ đậu xe cho phụ huynh trong giờ đón con. Tuy nhiên, hầu như thói quen cố hữu của các bậc cha mẹ là cứ dàn hàng ngang trước cổng trường, đậu xe lộn xộn đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông mỗi lúc tan trường.

* Ý kiến người trong cuộc...

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giao thông thường xuyên bị ùn ứ trước các cổng trường là do hạ tầng giao thông chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, còn do mặt bằng các trường trong nội ô thành phố hẹp nên thiếu chỗ đậu xe. Ngoài ra, vấn đề buôn bán chiếm dụng vỉa hè, lòng đường tràn lan khiến các trường học luôn có mật độ giao thông phức tạp trong những giờ tan trường.

Đứng đầu trong tốp những trường học thường xuyên bị ùn ứ giao thông phải kể đến Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức và Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Trung Dũng). Cứ vào giờ đưa đón học sinh, xe của phụ huynh từ các ngả đổ về dày đặc, trong đó khá nhiều ô tô đậu 2 bên đường khiến lòng đường trở nên chật hẹp. Tương tự, Trường tiểu học Quang Vinh (phường Quang Vinh), hay Trường tiểu học Hóa An (xã Hóa An) nằm gần khu vực đèn tín hiệu giao thông nên rất dễ bị kẹt xe. Riêng Trường tiểu học Nguyễn Du (phường Quyết Thắng) ngoài vị trí khu vực cổng trường chật hẹp, xung quanh còn có  nhiều trường, cơ quan khác, như: Trường mầm non tư thục Thanh Tâm, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật... nên mật độ giao thông trong giờ tan trường khá đông. Ngoài ra, ý thức giữ gìn trật tự giao thông của học sinh, phụ huynh chưa cao đã dẫn đến tình trạng kẹt xe trước cổng trường diễn ra như… cơm bữa.

Nhận định về an toàn giao thông trước cổng trường mình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du Đặng Văn Tới chia sẻ: “Trường chỉ có một cổng ra vào duy nhất, trong khi nhiều phụ huynh vô tư đậu xe chắn ngang trước cổng. Hơn nữa, thói quen không ai chịu nhường ai nên xe ra vào trở nên lộn xộn, không thể kiểm soát được”.

Theo lãnh đạo một số trường trong nội ô TP.Biên Hòa, để giải quyết tình trạng giao thông hỗn loạn trước cổng trường, nhiều trường đã phối hợp với lực lượng chuyên trách các địa phương để hướng dẫn giao thông. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao vì lực lượng này không có chức năng xử phạt nên nhiều phụ huynh không hợp tác, thậm chí còn phản ứng lại. 

* Giải pháp nào hiệu quả?

Nhiều năm qua, các ngành chức năng và các trường đã nỗ lực tìm kiếm những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý thức giao thông cho học sinh và cả phụ huynh. Nhưng xem ra, “bài toán” hóc búa trên vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

“Góp phần” lộn xộn trước cổng trường là đội ngũ người bán hàng rong tụ tập mỗi ngày, mặc dù trước các cổng trường luôn có bảng “Cấm tụ tập buôn bán”. Tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để giữ xe, buôn bán lâu nay diễn ra phức tạp tại trước các cổng trường. Lý giải việc vì sao phải đậu xe ở lòng đường để chở con, một phụ huynh có con đang học tại Trường tiểu học Hóa An (xã Hóa An), bức xúc: “Mặt bằng trước cổng trường rộng, thuận lợi cho việc dừng đậu xe để đón học sinh. Thế nhưng, gần đây UBND xã lại giao cho Ban Chỉ huy quân sự xã rào chắn làm bãi giữ xe. Không có chỗ dừng hợp lý, chúng tôi buộc phải đậu xe ở lòng đường, mặc dù biết là mất an toàn và gây ùn tắc giao thông nhưng do không có sự lựa chọn khác”. 

Nói về giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa Ngô Mạnh Hùng cho biết sắp tới sẽ tăng cường lực lượng xử lý vi phạm giao thông tại khu vực các cổng trường. “Theo tôi, về lâu dài cơ quan chức năng cần xem xét cải thiện hạ tầng giao thông tại một số khu vực. Đơn cử, tại Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức và Trường THCS Trần Hưng Đạo nên thiết kế vòng xoay điều tiết giao thông, giảm bớt trụ đèn tín hiệu giao thông gần khu vực bồn nước để xe thoát nhanh hơn. Mặt khác, có thể mở đường song hành cặp theo phía Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, hoặc đầu tư xây cầu vượt để học sinh đi qua đường phía bên tượng đài khu A42 chờ phụ huynh đến đón để giảm áp lực cho cổng trường...” - ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, đảm bảo an toàn giao thông trước cổng trường chính là góp phần xây dựng môi trường cảnh quan đẹp. Việc làm này mang ý nghĩa tinh thần quan trọng vì ảnh hưởng đến nhận thức, tính cách của học sinh. Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp xử lý ùn tắc giao thông trước cổng trường. Qua đó, phải giải quyết dứt điểm những tồn tại hiện nay, như: phân luồng giao thông chưa hợp lý, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, dừng đậu xe không đúng quy định...

Kim Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        150,107       1,737