Xã hội

Để thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế

Tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề do HĐND tỉnh tổ chức về tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) của người dân và công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn Đồng Nai, nhiều cử tri ở 3 huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ đã bày tỏ băn khoăn khi mua thẻ BHYT và khi đi khám, chữa bệnh bằng BHYT tại các cơ sở y tế.

Khám bệnh, tư vấn cho người dân tại Trung tâm y tế huyện Thống Nhất. Ảnh: K.Ngọc
Khám bệnh, tư vấn cho người dân tại Trung tâm y tế huyện Thống Nhất. Ảnh: K.Ngọc

Ông Mai Đức Công (ngụ xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) cho biết, gia đình ông có 14 người, trong đó 4 người có thẻ BHYT theo diện học sinh, sinh viên, còn lại 10 người chưa tham gia BHYT vì theo ông, khi đi khám, chữa bệnh còn cảm thấy có sự phân biệt giữa người đi khám bệnh bằng thẻ BHYT và người khám dịch vụ.

* Băn khoăn với BHYT

“Người đi khám bệnh dịch vụ được thực hiện quy trình nhanh, còn khám BHYT phải nộp sổ ngồi chờ rất lâu. Do đó, gia đình tôi chưa mua thẻ BHYT. Khi cơ sở y tế ưu ái cho những người có thẻ BHYT, người dân sẽ tự nguyện đi mua thẻ, không cần phải vận động” - ông Công nêu ý kiến.

Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Các cơ sở y tế phải chấn chỉnh nhân viên y tế để có thái độ tiếp xúc tốt, trả lời dễ hiểu với bệnh nhân. Ngành Y tế sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu: đăng ký khám, chữa bệnh từ xa... nhiều hơn nữa để người dân không phải chờ đợi khi đi khám, chữa bệnh”.

Phàn nàn về trình độ chuyên môn của bác sĩ, bà Ngô Thị Bích Hằng (ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) cho rằng, các trung tâm y tế cần phải có bác sĩ giỏi để người dân yên tâm chữa bệnh gần nhà. Bà Hằng kể, gần đây người thân của bà bị chóng mặt, vào Trung tâm y tế huyện Thống Nhất cấp cứu. Một bác sĩ xuống kiểm tra và kết luận bệnh nặng phải chuyển viện khiến gia đình bà lo lắng. Tuy nhiên, kết quả chẩn đoán của Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh là người nhà của bà chỉ bị rối loạn tiền đình. “Trung tâm cần phải có những bác sĩ giỏi chuyên môn hơn để chẩn đoán chính xác, tránh việc chuyển viện, tiết kiệm cho bệnh nhân hơn” - bà Hằng nói.

Bệnh viện không cấp đầy đủ thuốc do thuốc không nằm trong danh mục BHYT khiến bà Phạm Thị Hương (ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) không hài lòng. Bà Hương kể, vài ngày trước, bà đi khám mắt tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Trong đơn thuốc, bác sĩ kê 2 loại nhưng BHYT chỉ cấp 1 loại, loại thuốc còn lại bà phải tự mua. “Loại thuốc tự mua là thuốc ngoại và đắt tiền hơn, tôi chỉ cần xuống nhà thuốc của bệnh viện là mua được nhưng phải tự chi trả. Điều này làm người dân so sánh và nhận định thuốc từ BHYT không tốt, tại sao không cho thuốc tốt vào danh mục thuốc BHYT để người dân không phải ra ngoài mua?” - bà Hương bức xúc nói.

Ngoài ra, cơ sở vật chất xuống cấp cũng khiến người dân không hài lòng khi đi khám chữa bệnh. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hà (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) cho rằng, Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ xuống cấp, phòng nằm chật chội, nhà vệ sinh dột... Trung tâm phải làm sao để khắc phục tình trạng này thì người dân mới “mặn mà” đến khám, chữa bệnh.

Bà Nguyễn Thị Ái, cộng tác viên bán bảo hiểm tại xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) cho rằng, để vận động người dân mua BHYT tự nguyện hiện khá khó khăn, nhất là những người mua BHYT lần 2. Nguyên nhân là có người đã nộp tiền và thông tin mua thẻ BHYT, các cộng tác viên cũng chuyển thông tin đến cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện nhưng phải 3 tháng sau người dân mới nhận được thẻ. “Có người bị in sai năm sinh, không đi khám bệnh được. Họ đến nhà tôi mắng bất kể ngày đêm khiến tôi bị stress” - bà Ái chia sẻ.

* Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh

Giải đáp phản ảnh của người dân, bác sĩ Lưu Văn Tường, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ cho hay, cơ sở vật chất của trung tâm đã xuống cấp trầm trọng nhiều năm nay. Hầu hết các nhà vệ sinh của trung tâm đều hỏng, không sử dụng được. Còn nhiều khoa, phòng khác cũng bị dột nát khiến đơn vị rất khó khăn khi sử dụng. Trung tâm đã nhiều lần kiến nghị xây mới để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế giải thích, người dân khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT hay dịch vụ đều như nhau, không phân biệt giàu nghèo, bệnh nhân có thẻ hay không mà chỉ dựa vào số thứ tự để thực hiện khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, sẽ có một số đối tượng ưu tiên được khám trước như: phụ nữ mang thai, trẻ dưới 6 tuổi, người có công… 

Một số thuốc không có trong danh mục BHYT do giá cao hoặc thuốc không có tác dụng chữa trị trực tiếp là do Bộ Y tế quy định. Tuy nhiên, BHYT vẫn thanh toán nhiều loại thuốc ngoại có giá cao như: thuốc tim mạch, thần kinh… Vì vậy, người dân không nên chủ quan nhận định thuốc BHYT là thuốc không tốt.

“Tình trạng người dân tin dược sĩ (nhà thuốc, quầy thuốc) hơn bác sĩ là có thật. Bác sĩ cho thuốc thông thường uống theo phác đồ điều trị sẽ lâu hết bệnh hơn, còn dược sĩ lại cho thuốc kháng sinh mạnh ngay từ đầu nên nhanh hết bệnh nhưng dễ bị lờn thuốc. Tình trạng này đang là mối lo của ngành Y tế” - bác sĩ Trung khuyến cáo.

Bà Nguyễn Thị Quy, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho hay, mục tiêu đến năm 2020 sẽ sử dụng thẻ điện tử trong khám và chữa bệnh nên hiện nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã không ghi thời hạn sử dụng trên thẻ. Khi đi khám, chữa bệnh mà không có thẻ BHYT do bị chậm cấp thẻ, người dân chỉ cần cầm biên lai đóng tiền mua thẻ để các cơ sở y tế thanh toán đúng quyền lợi. “Dù đã có thẻ, nhưng bị in sai thông tin, người dân phản ảnh ngay về cơ quan bảo hiểm xã hội để chúng tôi làm việc với cơ sở y tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân” - bà Quy hướng dẫn.

Khánh Ngọc

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,447,159       525