Xã hội

Khó tuyển lao động kỹ thuật cao

Để vận hành các loại máy móc hiện đại và dây chuyền sản xuất tự động hóa, DN cần có đội ngũ lao động kỹ thuật cao, có kỹ năng và trình độ ngoại ngữ.

Các doanh nghiệp đến tận Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 để tuyển dụng lao động khi sinh viên còn chưa tốt nghiệp
Các doanh nghiệp đến tận Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 để tuyển dụng lao động khi sinh viên còn chưa tốt nghiệp

Tuy nhiên thời gian qua, việc tuyển dụng lực lượng lao động này không dễ. Nhiều DN mặc dù đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi rất hấp dẫn nhưng vẫn không tuyển đủ số lượng lao động kỹ thuật cao theo yêu cầu.

* “Tuyển hoài không được”

Một cán bộ Phòng nhân sự Công ty TNHH Soltec Việt Nam (vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất, lắp đặt, bảo trì các thiết bị công nghiệp, đóng tại KCN Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) cho biết, gần đây công ty đầu tư nhiều loại máy móc hiện đại vào sản xuất các sản phẩm cơ khí nên đang cần tuyển 20 thợ lắp gia công cơ khí có thể đọc được bản vẽ, thợ hàn có tay nghề và đưa ra nhiều ưu đãi như: thưởng tháng lương thứ 13, thưởng lợi nhuận, đánh giá tăng lương 2 lần/năm, liên hoan hằng quý, du lịch hằng năm, mỗi tháng được nghỉ hưởng lương 2 ngày thứ bảy... Công ty đã đăng tuyển dụng ở khắp nơi nhưng vẫn không tuyển đủ số lượng.

Còn tại Công ty cổ phần quốc tế Pancera (chuyên sản xuất gạch men, đóng tại KCN Gò Dầu, xã Phước Thái, huyện Long Thành) đang cần tuyển 5 lao động kỹ thuật vận hành máy tại các dây chuyền nhưng cũng không tuyển được. Điều này đã gây không ít khó khăn cho DN trong quá trình sản xuất.

Mới đây, tại sàn giao dịch việc làm lần thứ 176 tổ chức tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, có 19 DN, đơn vị tham gia tuyển dụng lao động với nhu cầu hơn 800 người, trong đó nhu cầu lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp - công nhân kỹ thuật, cao đẳng, đại học gần 200 người. Nhu cầu là thế nhưng kết thúc sàn giao dịch, các doanh nghiệp chỉ nhận được 23 hồ sơ của lao động có trình độ sơ cấp nghề, 7 hồ sơ của lao động trung cấp, công nhân kỹ thuật và 16 hồ sơ của người có trình độ cao đẳng, đại học. Một số công ty cần tuyển nhiều lao động kỹ thuật nhưng không tuyển được như: Công ty cổ phần Bestsun Technology (chuyên sản xuất giường, tủ, bàn ghế, đóng tại KCN Long Thành, huyện Long Thành); Công ty TNHH quốc tế miền Đông Radona, chuyên phân phối nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm dầu khí của hãng dầu lửa Total - Pháp tại khu vực Đông Nam bộ, đóng tại KCN Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa)…

* DN hợp tác đào tạo nghề

Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm, trong thời buổi cạnh tranh lao động kỹ thuật gay gắt như hiện nay, nếu các DN chỉ ngồi không để chờ người lao động tìm đến mình sẽ rất khó. DN sẽ vừa không tuyển dụng đủ số lượng lao động mình mong muốn vừa không thể có đội ngũ lao động có chất lượng đáp ứng yêu cầu công việc phù hợp. Do đó, những năm gần đây, việc các DN liên kết đào tạo nghề với các trường nghề chất lượng cao đang là xu thế và có hướng gia tăng.

Ông Lê Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) cho biết, thời gian đầu, nhà trường phải mời gọi các DN để hợp tác đào tạo. Tuy nhiên gần đây nhiều DN đã chủ động tìm đến với nhà trường để được cùng tham gia đào tạo sinh viên, học viên.

Hiện tại, Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 đang hợp tác đào tạo nghề với 20 DN, chủ yếu ở các ngành nghề điện, cơ khí, hàn. Những DN là đối tác thường xuyên của nhà trường như: Công ty TNHH Bosch Việt Nam (huyện Long Thành), Công ty TNHH Advanced Multitech (huyện Nhơn Trạch), Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (huyện Nhơn Trạch)… Không chỉ các DN trong tỉnh mà nhiều DN ở TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tham gia hợp tác đào tạo nghề với trường.

Theo đó, sau khi phối hợp xây dựng chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế, DN sẽ cử cán bộ, nhân viên phù hợp đến trường, cùng các giảng viên của nhà trường giảng dạy, đào tạo cho sinh viên cả về kiến thức chuyên ngành lẫn những kỹ năng cần thiết khi bước chân vào DN. Những sinh viên từ năm học thứ 2 trở đi sẽ được nhà trường đưa đến thực tập tại các DN, thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp để xem mình cần phải bổ sung những kiến thức, kỹ năng gì. Có những sinh viên có kỹ năng tốt, ngoại ngữ khá ngay từ khi chưa tốt nghiệp đã được DN nhận thử việc và vào làm việc chính thức ngay sau khi ra trường.

“Hằng năm, có khoảng 1 ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường. Số sinh viên ra trường không đủ để cung cấp cho các DN trong và ngoài tỉnh. Mức lương của sinh viên trung cấp mới ra trường khoảng 7-9 triệu đồng, sinh viên cao đẳng từ 10 triệu đồng trở lên tùy thuộc vào năng lực của các em. Ngoài ra, mỗi năm còn có thêm 20-30 sinh viên đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản” - ông Lê Quang Trung cho hay.

An Yên - Thảo My

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,449,482       924