Xã hội

'Nghiện' mạng xã hội và những hệ lụy

Hiện nay, lượng người sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube, Viber, Instagram, Twitter...) ngày càng đông đảo và phổ biến. Bên cạnh những tiện ích mang lại thì mạng xã hội (MXH) cũng có một số tác hại...

hất là khi người sử dụng tốn quá nhiều thời gian và lạm dụng MXH.

Bên cạnh những tiện ích, mạng xã hội cũng có nhiều mặt trái cần được quan tâm. Ảnh minh họa: Search Engine Journal
Bên cạnh những tiện ích, mạng xã hội cũng có nhiều mặt trái cần được quan tâm. Ảnh minh họa: Search Engine Journal

Không khó để bắt gặp hình ảnh những buổi họp mặt gia đình, bạn bè nhưng mỗi người đều chăm chú vào smart phone (điện thoại thông minh) của mình và lướt Facebook, Zalo, YouTube...

* Tác hại khi lạm dụng MXH

Có thể nói tham gia MXH đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của nhiều người trong cuộc sống hằng ngày, nhất là những người trẻ. Không ít bạn trẻ sử dụng quá nhiều hoặc lạm dụng MXH ảnh hưởng đến kết quả học tập và sống khép kín hơn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018 đã công bố một nghiên cứu về ảnh hưởng của MXH đối với giới trẻ châu Á khi khảo sát 6 ngàn thanh, thiếu niên ở độ tuổi từ 12-22 tại 3 nước châu Á là:  Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc. Kết quả cho thấy đã xuất hiện cái gọi là hội chứng “nghiện” MXH, nhiều người trong số này bị rơi vào trạng thái lệ thuộc thế giới ảo, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, học tập, sinh hoạt và sức khỏe.

Bà N.T.T. (ngụ KP.7, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) kể, đầu năm 2018, bà thấy con gái không tập trung học hành, tính nết thay đổi, sống kép kín hơn, không thích giao lưu với bạn bè. Quan sát bà mới biết, một trong những nguyên nhân là do con gái của bà đã sử dụng điện thoại lên mạng quá nhiều.

“Thậm chí cháu còn trốn học để ở nhà lên MXH. Khuyên con không được, tôi cắt internet thì cháu tỏ ra tức giận, còn lén xin sử dụng ké wifi của nhà hàng xóm. Biết con “nghiện” MXH nên năm học mới này, vợ chồng tôi phải gửi cháu đi học trường nội trú để cháu không có thời gian sử dụng MXH như trước đây” - bà T. cho biết.

MXH được tạo ra nhằm kết nối con người với nhau. Tuy nhiên, không ít người dành quá nhiều thời gian trong ngày để sống trong thế giới ảo của MXH. Dần dà, làm giảm tương tác giữa người với người trong đời sống thực tế.

Bà T.T.K., một nhà giáo về hưu (ngụ KP.6, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) than thở: “Nhà có 5 người, tối đến cơm nước xong, vợ chồng con trai và 2 cháu của tôi lại về phòng riêng, ai nấy đều chăm chú vào điện thoại, iPad. Chuyện gì con cháu của tôi cũng chia sẻ lên MXH, thậm chí vợ chồng con trai cãi cọ, giận dỗi cũng lên mạng nói bóng nói gió nhau, không còn cảnh cha mẹ, con cái ngồi trò chuyện, hàn huyên tâm sự với nhau. Nhiều lúc, tôi cảm thấy cô đơn ngay cả khi có con cháu bên cạnh”.

Ngoài mất nhiều thời gian, công sức cho MXH, việc lạm dụng MXH còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về đời sống cá nhân. Cụ thể như khi đọc những dòng bình luận, “chém gió” ác ý luôn khiến người dùng MXH sẽ cảm thấy tiêu cực hơn, thường xuyên mất tinh thần. Thậm chí có người còn bị người khác lấy hình ảnh trên các tài khoản MXH của mình  để dùng vào mục đích lừa đảo hoặc “câu like”.

Các bạn trẻ sử dụng điện thoại lướt mạng xã hội ngay cả khi họp mặt, gặp gỡ nhau. Ảnh: P. Liễu
Các bạn trẻ sử dụng điện thoại lướt mạng xã hội ngay cả khi họp mặt, gặp gỡ nhau. Ảnh: P. Liễu

Cụ thể như vụ việc của chị N.T.T.N. (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) và một người bạn học (nhà ở huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận), cả hai là sinh viên của một trường cao đẳng ở TP.Hồ Chí Minh, từng bị sốc nặng khi trên Facebook xuất hiện thông tin 2 sinh viên này chuốc rượu say và hiếp dâm đến chết một nam thanh niên. Qua điều tra của công an, thông tin trên hoàn toàn bịa đặt, thủ phạm đã lấy hình ảnh từ tài khoản Facebook cá nhân của 2 sinh viên này rồi đăng trên tài khoản Facebook của mình chỉ để “câu like”.

* Sống “ảo” nhưng hệ lụy thật

Theo thông tin từ Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa), khoảng 3 năm trở lại đây, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị ngoại trú cho khoảng trên dưới 30 ca mắc hội chứng “nghiện” internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Những bệnh nhân này phần lớn ở độ tuổi từ 13-25, thời gian sử dụng internet và MXH từ 8-10 giờ/ngày, có trường hợp “lướt mạng” thâu đêm suốt sáng.

Bác sĩ CKII Trần Thanh Liêm, Trưởng khoa Tâm thần và cán bộ quốc tế Bệnh viện tâm thần trung ương 2 cho biết, biểu hiện thường thấy ở những bệnh nhân này là bỏ bê công việc, trầm cảm, sống thu mình, hạn chế giao tiếp với bên ngoài, ít ăn, ngủ kém, có triệu chứng rối loạn vận động, hay cáu gắt, phản ứng thái quá khi bị “tước” mất máy tính, điện thoại thông minh hay bị cắt nguồn internet, wifi...

Cũng theo bác sĩ Trần Thanh Liêm, việc điều trị cai nghiện internet, MXH rất khó khăn, dễ tái nghiện. Ngoài kết hợp điều trị bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý - xã hội, còn phải có sự hỗ trợ của người thân trong gia đình bệnh nhân bằng việc cắt nguồn internet, không cho bệnh nhân tiếp cận với máy tính hoặc smart phone; đồng thời tăng cường các hoạt động thể thao, văn hóa lành mạnh. Có những ca “nghiện” internet, MXH nặng, thời gian điều trị kéo dài đến 6 năm bệnh nhân mới hoàn toàn dứt nghiện.

Phương Liễu - Gia An


Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Giang Thị Thu Nga: Nên sử dụng MXH một cách có trách nhiệm

MXH đang rất phổ biến, thu hút nhiều người tham gia. Bên cạnh những tiện ích thì MXH cũng là nguyên nhân phát sinh nhiều hệ lụy. Thời gian qua, Sở Thông tin - truyền thông đã phối hợp với một số cơ quan tăng cường công tác tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân, học sinh, sinh viên trong việc sử dụng MXH; khuyến cáo người dùng nên có trách nhiệm với mình và người khác khi sử dụng MXH; tuyên truyền các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý khi vi phạm; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý khi phát hiện các hành vi vi phạm trong sử dụng MXH. Hiện những vi phạm về MXH sẽ bị xử phạt thấp nhất từ 3-5 triệu đồng, cao nhất có thể ở mức 70-100 triệu đồng cho những vi phạm về tuyên truyền chống phá Nhà nước, kích động chiến tranh, thù hận dân tộc, kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phản động... Nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị chuyển cho cơ quan an ninh truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thanh Hiền: Sử dụng MXH một cách thông minh

Tôi rất tâm đắc với quan điểm: “Không tiếp cận MXH là một sai lầm lớn nhưng quá lạm dụng nó, để thế giới ảo thay thế đời thật là một việc làm ngu xuẩn”. Thực tế, MXH rất hữu ích với mọi người. Người dùng có thể kết nối với mọi người trên thế giới, tìm thấy các thông tin hữu ích cho việc học tập, rèn luyện kỹ năng sống. Vấn đề ở đây là các bạn trẻ phải biết cách khai thác mặt tích cực của MXH, biết sử dụng MXH một cách thông minh chứ không để nó chi phối cuộc sống của chính mình. Qua Facebook, nhiều bạn trẻ đã kịp thời biểu dương, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu có đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Nhiều bạn trẻ cũng sử dụng MXH để quảng cáo, kinh doanh rất hiệu quả. Nhiều cuộc vận động, quyên góp kêu gọi giúp đỡ đồng bào khó khăn tiến hành thông qua MXH tạo được sự chú ý ủng hộ lớn từ cá nhân, tổ chức…

Bác sĩ CKII Trần Thanh Liêm, Trưởng khoa Tâm thần và cán bộ quốc tế Bệnh viện tâm thần trung ương 2: 5 tiêu chí xác định tình trạng nghiện MXH

Dù “nghiện” internet hay MXH chưa được công nhận, nhưng về cơ bản “nghiện” internet hay MXH cũng xuất hiện tình trạng nghiện như nghiện rượu, bia, ma túy... 5 tiêu chí để xác định tình trạng nghiện đó là: có ham muốn mãnh liệt được sử dụng cái đó; nghĩ đến cái đó mọi lúc mọi nơi và tìm mọi cách để được sử dụng; ưu tiên sử dụng cái đó trước mọi hoạt động khác; tăng dung nạp theo thời gian; khi cai nghiện sẽ xuất hiện hội chứng cai. Nếu sự lạm dụng internet hay MXH không được điều chỉnh, lâu ngày sẽ dẫn đến rối loạn tâm thần, suy nhược về thể chất, kiệt quệ về trí tuệ.

An Nhiên - Kim Liễu (ghi)


Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,045,993       32