Xã hội

Gỡ khó cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở cơ sở

Toàn tỉnh hiện có hơn 2,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và tất cả 171 trạm y tế xã, phường, thị trấn đều thực hiện khám chữa bệnh BHYT.

Cán bộ y tế của Trạm y tế xã Phước An, huyện Nhơn Trạch khám bệnh cho người cao tuổi của xã. ảnh: N.Thư
Cán bộ y tế của Trạm y tế xã Phước An, huyện Nhơn Trạch khám bệnh cho người cao tuổi của xã. ảnh: N.Thư

Tuy nhiên, các trạm y tế đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc khám chữa bệnh BHYT. Bởi theo quy định tại Thông tư số 39 của Bộ Y tế, gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả tại tuyến y tế cơ sở chỉ bao gồm 78 dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh và 241 loại thuốc, quá ít so với nhu cầu của người dân.

* Nhiều bất cập

Tại Trạm y tế phường Phú Bình (TX.Long Khánh), trung bình mỗi ngày có khoảng 15 lượt bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trưởng trạm Nguyễn Thị Thu Nguyệt, có những loại thuốc cơ bản nhưng khi cần lại không có vì không thuộc danh mục thuốc bảo hiểm cấp như: thuốc đặt trĩ, thuốc điều trị tiền liệt tuyến, u xơ tử cung… Do vậy, buộc trạm y tế phải làm thủ tục chuyển viện lên Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh để bệnh nhân khám và lấy thuốc điều trị. “Nhiều bệnh đơn giản, các bác sĩ ở trạm y tế có thể khám, điều trị được nhưng lại không có thuốc bảo hiểm y tế nên gây khó khăn cho bệnh nhân. Quy định mỗi toa thuốc bảo hiểm có giá không quá 200 ngàn đồng/lần cũng ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế” - bác sĩ Nguyệt cho hay.

Bộ Y tế vừa chọn 26 trạm y tế xã, phường của 8 tỉnh, thành phố nhằm xây dựng mô hình trạm y tế chuẩn để nhân rộng trên phạm vi cả nước. Mục đích nhằm hướng tới trạm y tế có thể bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn… Qua đó, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, sử dụng những kỹ thuật an toàn để bác sĩ an tâm công tác và cân đối nguồn quỹ BHYT tốt. Ngành cũng sẽ triển khai quyết liệt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cung ứng dịch vụ y tế, trong giám định chi phí và thanh toán BHYT.

Trong khi đó, theo Trưởng trạm y tế xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) Nguyễn Thị Thúy Lân, quy định về thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT từ năm 2015 khiến lượng bệnh nhân đến trạm y tế giảm. Khi cơ quan bảo hiểm tiến hành kiểm tra, xuất toán tiền công khám của trạm nhưng lại không thông báo lỗi để trạm biết và khắc phục, gây khó khăn cho trạm.

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay, qua thực tế cho thấy ngoài những khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phạm vi chuyên môn, việc thực hiện khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, quỹ khám chữa bệnh BHYT cho trạm y tế thấp, không đủ để chi cho khám chữa bệnh BHYT dẫn đến một số loại bệnh trạm y tế xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên. Từ đó, gây quá tải ở tuyến trên, tốn kém chi phí và không thuận tiện cho người bệnh, nhất là những người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm. Quy định này cũng làm hạn chế phạm vi và phát triển chuyên môn kỹ thuật của trạm y tế xã.

Mặt khác, việc hợp đồng khám chữa bệnh BHYT thông qua bệnh viện huyện để tổ chức khám chữa bệnh tại trạm y tế dẫn đến khó khăn trong quản lý, cung ứng và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Bệnh viện không quản lý trạm y tế nên phải hợp đồng với trung tâm y tế để thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho trạm y tế.

* Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

ThS.Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng nguyên nhân chính khiến người dân không lựa chọn trạm y tế xã làm nơi khám chữa bệnh là do năng lực chuyên môn của nhân viên y tế, việc kê đơn, cấp thuốc tại nhiều trạm y tế xã còn bất cập. Một số chính sách về thông tuyến khám chữa bệnh, tự chủ tài chính bệnh viện… cũng góp phần gây ra khó khăn cho tuyến y tế cơ sở.

Do vậy, theo Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, ngành bảo hiểm và ngành y tế cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, đề ra giải pháp đồng bộ nhằm bao phủ vấn đề dịch vụ xuống các trạm y tế để người dân không phải khổ sở lên tuyến trên. “Ngành y tế cần có giải pháp để sớm có nguồn nhân lực cấp xã tốt, đặc biệt là nhân lực có thể quản lý, điều trị một số bệnh mạn tính tại cơ sở (như: tăng huyết áp, đái tháo đường, thậm chí cả lao, HIV). Bên cạnh đó, cần gắn hoạt động quản lý sức khỏe tại trạm y tế xã với hoạt động của bác sĩ gia đình; sử dụng quỹ BHYT một cách thông minh nhất để dung hòa cả 2 tuyến nông thôn và thành thị, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, tránh lãng phí và lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT” - bà Nguyễn Thị Minh đề xuất.

Phó giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ kiến nghị cơ quan BHXH thanh toán chi phí cho trạm y tế dựa trên chi phí thực tế do ứng dụng dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới, chức năng nhiệm vụ mới… (kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, chi trả chi phí thuốc điều trị HIV, lao) chứ không quy định giao quỹ khám chữa bệnh cho trạm y tế tối đa chỉ bằng 20% quỹ khám chữa bệnh BHYT ngoại trú như hiện nay.

Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm cũng cần bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán đối với trường hợp chuyển bệnh phẩm, hoặc chuyển người bệnh lên tuyến trên hoặc đến cơ sở khác để thực hiện dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán… Qua đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế ở cơ sở, giải quyết được nhiều vấn đề khác liên quan đến sử dụng quỹ BHYT.

Hạnh Dung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,466,304       1,456