Trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018, 4 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện đã tiến hành kiểm tra đột xuất 20 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trong tỉnh.
Nhân viên của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán) đóng gói sản phẩm chocolate trong phòng cách ly với đầy đủ đồ bảo hộ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: H.DUNG |
Tại các cơ sở đã kiểm tra, ý thức tự giác trong việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của một số chủ cơ sở đã được nâng lên rõ rệt.
* Bị “gạ” mua hóa chất độc hại
Ngày 26-4, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh do ông Nguyễn Đình Việt, Trưởng phòng Công tác thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, làm trưởng đoàn đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất hủ tiếu khô của bà Nguyễn Thị Hà (ở xã Long An, huyện Long Thành). Cơ sở này có thâm niên 30 năm sản xuất sản phẩm hủ tiếu khô mang tên Tân Hải.
Ông Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: “Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền gián tiếp, trực tiếp đến các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thông qua các lần thanh, kiểm tra cũng tuyên truyền để các chủ cơ sở nắm rõ hơn về các quy định an toàn thực phẩm. Ngoài ra, công tác hậu kiểm cũng sẽ được siết chặt hơn, hạn chế các hành vi vi phạm hoặc không chấp hành kết luận của đoàn kiểm tra, tránh ngộ độc thực phẩm và góp phần phòng tránh các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm đối với mọi người”. |
Tại thời điểm kiểm tra cho thấy vệ sinh tại cơ sở sản xuất đảm bảo. Hủ tiếu ướt đã được đem phơi gọn gàng. Bà Hà cho biết mỗi ngày cơ sở của bà sản xuất khoảng 70kg bột gạo. Hủ tiếu khô sau đó được bán cho các cửa hàng ăn trên địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh theo đơn đặt hàng.
“Trong suốt 30 năm làm nghề, ngoài nguyên liệu gạo, muối, bột, tôi không cho bất kỳ thứ hóa chất gì vào sản phẩm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Không ít lần, có người gọi điện thoại mời gọi tôi mua hóa chất để làm cho hủ tiếu dai hơn, trắng hơn, nhưng tôi đều từ chối và nói thẳng đừng bao giờ mời tôi mua những thứ đó. Có thể khi dùng hóa chất, hủ tiếu trông sẽ bắt mắt hơn, có nhiều lợi nhuận hơn nhưng lương tâm tôi sẽ cắn rứt không yên” - bà Hà bộc bạch.
Tương tự, kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất bánh mì của ông Đinh Thanh Dũng và cơ sở sản xuất nem chua của ông Nguyễn Ngọc Sơn (ở thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) cho thấy cả 2 cơ sở đều trang bị đầy đủ các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.
Đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra một số tồn tại như: chưa ghi đầy đủ thông tin của các loại phụ gia theo quy định, để bột làm bánh sát tường, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chưa xuất trình được hóa đơn, hợp đồng, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với một số phụ gia thực phẩm do các công ty trong nước sản xuất, chưa ghi cụ thể ngày sản xuất, hạn sử dụng trên nhãn sản phẩm. đoàn kiểm tra đã yêu cầu các chủ cơ sở nhanh chóng khắc phục nhằm đảm bảo sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
* Khắc phục khó khăn trong thanh, kiểm tra
Ông Trần Minh Đức, Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện Long Thành, cho biết thời gian qua các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tích cực đi kiểm tra tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn. Trong số các loại thực phẩm thì thịt heo là loại được các đoàn kiểm tra chú ý nhất. Theo đó, từ 3-6 giờ, các đoàn tiến hành kiểm tra việc ra vào thịt tại các sạp thịt heo ở các chợ. Qua kiểm tra, nếu thịt heo không có dấu kiểm dịch hoặc phát hiện có chất cấm sẽ bị xử lý.
Thành viên đoàn kiểm tra thử nhanh phản ứng của sản phẩm hủ tiếu với hàn the và formol tại cơ sở sản xuất hủ tiếu khô của bà Nguyễn Thị Hà (ở xã Long An, huyện Long Thành). |
Tuy nhiên, theo ông Đức, do địa bàn rộng nên lực lượng chức năng chưa đáp ứng được yêu cầu. “Vài năm trước, khi có chương trình giải cứu heo, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn hoặc các tiểu thương tiến hành giết mổ heo rồi bày bán trên các sạp bên vệ đường. Việc bày bán này ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng lâu dần đã hình thành thói quen cho nhiều người dân. Thời gian bày bán của các sạp thịt, chiếu thịt chỉ trong vòng vài giờ buổi sáng hoặc xế chiều nên cũng gây khó khăn cho công tác quản lý. Để khắc phục vấn đề này, huyện giao cho các xã, thị trấn tự quản lý các sạp thịt heo trên địa bàn. Đến nay, tình trạng bày bán thịt heo lề đường tuy có giảm nhưng vẫn còn tồn tại khoảng 50%. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ dẹp xong những sạp bán thịt heo bên đường” - ông Đức cho hay.
Trong khi đó, ông Đinh Ngọc Nhân, Trưởng phòng Y tế huyện Định Quán, cho biết những năm gần đây công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong huyện có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, một trong những khó khăn mà cơ quan chức năng trong huyện gặp phải là chưa có thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, tham gia đoàn kiểm tra đa số là những cán bộ làm công tác kiêm nhiệm. Ngoài ra, cán bộ làm công tác thanh, kiểm tra làm nhiệm vụ ngoài giờ hành chính rất nhiều nhưng chưa có kinh phí hỗ trợ.
Nhận định về trách nhiệm của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho rằng: “Việc chấp hành pháp luật, các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng một số ít vì lợi nhuận vẫn vi phạm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng, hàng kém chất lượng…”.
Để khắc phục tình trạng này, ông Hữu cho rằng trước hết do lương tâm, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Với những cơ sở cố tình vi phạm, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh.
Hạnh Dung