Xã hội

Học nghề để chủ động trong sản xuất

Trước đây, đàn dê của nhà bà Huỳnh Thị Kim Thanh (ngụ ấp Tân Mỹ, xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) nuôi rất hay bị bệnh mà bà không tìm ra nguyên nhân. Nhưng sau 3 tháng tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi dê do Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Cẩm Mỹ tổ chức, bà đã biết được nguyên nhân dê mắc bệnh để chủ động phòng ngừa và chữa bệnh.

Nhờ tham gia vào lớp học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây có múi do Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Định Quán tổ chức nên ông Phạm Huy Min (bên phải, ngụ ấp Mít Nài, xã La Ngà, huyện Định Quán) và bà con trong ấp có thêm kỹ thuật chăm sóc vườn cây của gia đình.
Nhờ tham gia vào lớp học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây có múi do Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Định Quán tổ chức nên ông Phạm Huy Min (bên phải, ngụ ấp Mít Nài, xã La Ngà, huyện Định Quán) và bà con trong ấp có thêm kỹ thuật chăm sóc vườn cây của gia đình.

Lợi ích từ việc dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn không chỉ giúp bà Thanh mà còn hỗ trợ hàng ngàn hộ nông dân khác chủ động trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, giảm thiệt hại.

* Nhiều lợi ích từ học nghề

Cũng hưởng lợi từ việc tham gia lớp học nghề nông nghiệp dành cho lao động nông thôn là hộ ông Đặng Văn Hoành (62 tuổi, ngụ xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc). Ông Hoành có gần 30 năm trồng, chăm sóc bưởi theo kinh nghiệm truyền tai nhau. Do vậy mà việc bón phân, phun thuốc không theo bất kỳ liều lượng chuẩn mực nào; thời điểm cắt tỉa cành, đào bồn cũng chỉ theo kinh nghiệm, dựa vào thời tiết nên nhiều lúc tốn phân bón, bỏ nhiều công chăm sóc mà năng suất không được như ý muốn.

Quy định trong thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là mỗi người chỉ được Nhà nước hỗ trợ học 1 nghề là chưa sát với nhu cầu của bà con. Nhiều địa phương kiến nghị xem xét lại quy định này.

Năm 2017, ông Hoành được tham gia lớp học kỹ thuật trồng bưởi, nhờ đó mà ông hiểu thêm nhiều điều trong kỹ thuật trồng loại cây có múi. Giờ đây, ông Hoành đã biết phân biệt thành phần hoạt chất ghi trên bao bì khi mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để đảm bảo cây hấp thụ tốt, phù hợp với từng giai đoạn và bón đúng liều lượng không để lãng phí; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sao cho an toàn cho bản thân và người tiêu thụ sản phẩm; biết được kỹ thuật để tự nhân giống cây trồng đạt tỷ lệ sống cao... “Những gì được học giúp tôi đầu tư cho vườn bưởi ít chi phí hơn nhưng năng suất, chất lượng rất cao” - ông Hoành cho hay.

Không chỉ được học kỹ thuật mà nông dân còn được tạo điều kiện vay vốn để làm nghề. Như trường hợp của ông Trần Văn Thanh Lâm (ngụ ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) là một ví dụ. Trước đây, ông Lâm từng được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Thống Nhất để nuôi dê. Song do chưa có hiểu biết về loại vật nuôi này nên ông mất trắng đàn dê vì dịch bệnh. Năm 2016, ông Lâm được tham gia lớp kỹ thuật chăn nuôi dê tổ chức ngay tại ấp. Biết gia đình ông Lâm không có vốn để đầu tư chăn nuôi, UBND xã Bàu Hàm 2 cùng Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện hỗ trợ gia đình ông vay tiếp 50 triệu đồng để nuôi dê. Đến nay, đàn dê của gia đình ông Lâm đã phát triển với 15 con sinh sản và gần 20 con dê thịt, ít ngày nữa sẽ xuất bán để trả một phần nợ ngân hàng, lo cho cuộc sống gia đình.

* Nâng cao hiệu quả dạy nghề

Mặc dù công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh triển khai 2 năm qua đã cho thấy những tín hiệu tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là về số lượng người được đào tạo nghề còn ít. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, toàn tỉnh hiện có hơn 1 triệu lao động tại nông thôn, trong đó nhu cầu học nghề dao động từ 300-400 ngàn người. Thế nhưng, 2 năm qua toàn tỉnh chỉ mới đào tạo được 6.358 người. Đây là con số khá khiêm tốn, phản ánh thực tế là các lớp học nghề chưa thật sự hấp dẫn nên không thu hút được người dân tham gia.

Đồng quan điểm này, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Tân Phú Trương Phú Lộc cho hay hiện nay chương trình dạy chưa cập nhật theo hướng sản xuất hiện đại, sản xuất nông nghiệp xanh. Do vậy, khi không thấy có kiến thức mới, người dân dễ dàng bỏ ngang lớp học.

Ngoài 2 nguyên nhân trên thì việc cào bằng trong giao ngân sách gắn với chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm (mỗi địa phương đào tạo trên dưới 400 người/năm) cũng bộc lộ hạn chế, bất cập. Cụ thể, TP.Biên Hòa và huyện Long Thành không đạt được chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong khi huyện Xuân Lộc được giao chỉ tiêu 400 người/năm thì kết quả đào tạo lên đến 600 người/năm.

Theo bà Lê Thị Xuân Trang, Phó trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc, kinh phí đào tạo dôi dư 200 người này huyện phải cân đối ngân sách để thực hiện vì nhu cầu học nghề của người dân rất lớn, nếu hạn chế số lượng thì bà con mất quyền lợi.

Trước những bất cập đang ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng cần phải sớm có sự thay đổi trong chương trình dạy nghề để nông dân chủ động tham gia và nhận thấy học nghề là có ích cho chính bản thân. Để làm được điều này, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc học nghề. Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Sở Lao động - thương binh và xã hội cần xây dựng lại nội dung giảng dạy sao cho đi thẳng vào vấn đề nông dân quan tâm, liên tục cập nhật kiến thức mới, học lý thuyết đi đôi với thực hành; sắp xếp nghề đào tạo sao cho phù hợp nhu cầu của người dân từng khu vực.

Võ Tuyên

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,477,404       956