Xã hội

Trang bị kiến thức tự bảo vệ cho học sinh

Có rất nhiều câu hỏi được học sinh THCS đặt ra với chuyên gia tâm lý tại các buổi nói chuyện chuyên đề về kỹ năng phòng chống đuối nước, phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục do Sở Lao động - thương binh và xã hội tổ chức mới đây.

TS. tâm lý Vũ Thiện Toàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh, trao đổi về những thắc mắc của học sinh Trường THCS Hùng Vương (huyện Trảng Bom) trong buổi nói chuyện chuyên đề. Ảnh: S.THAO
TS. tâm lý Vũ Thiện Toàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh, trao đổi về những thắc mắc của học sinh Trường THCS Hùng Vương (huyện Trảng Bom) trong buổi nói chuyện chuyên đề. Ảnh: S.THAO

Việc học sinh mạnh dạn trao đổi, đưa ra thắc mắc để chuyên gia giải đáp chứng tỏ các em không chỉ rất quan tâm đến việc bảo vệ bản thân trước nguy cơ đuối nước và xâm hại đến thân thể, mà còn muốn hiểu thêm về những kỹ năng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.

* Mạnh dạn hỏi… khó

Em Lê Minh Tài (15 tuổi, lớp 9/1 Trường THCS Tân An, xã Hóa An, TP.Biên Hòa) đặt vấn đề: “Em rất hay đi bơi. Nếu gặp trường hợp có người bị đuối nước, em có nên lao xuống cứu ngay hay không? Nếu không cứu, em sợ mọi người cho là em nhát gan, vô tâm. Nhưng em không có kỹ năng cứu người, sợ nhảy xuống mình lại bị đuối nước vì em thấy trên tivi chiếu cảnh nhiều bạn ở tuổi em nhảy xuống nước cứu người rồi chết đuối”.

Năm 2017, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã tổ chức nói chuyện chuyên đề kỹ năng phòng chống đuối nước, phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục cho học sinh của 55 trường học. Năm nay, sở tiếp tục tổ chức tại 22 trường học với hơn 10 ngàn học sinh tham gia.

Giải đáp thắc mắc của em Lê Minh Tài, TS. tâm lý Vũ Thiện Toàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh, cho rằng việc cứu người bị đuối nước là cần thiết và rất đáng được ca ngợi. Nhưng khi không có kỹ năng cứu người, đặc biệt là ở lứa tuổi còn nhỏ như học sinh  THCS, thì không nên nhảy xuống nước cứu người. Khi gặp sự việc, hãy ném những vật có thể nổi được cho người bị đuối nước bám vào và chạy đi tìm người lớn đến giúp. “Đừng vì một chút máu anh hùng rơm, sợ người khác chê nhát mà dẫn đến nguy hiểm cho bản thân, thậm chí tử vong vì thiếu hiểu biết, khiến gia đình, thầy cô, bạn bè đau buồn” - TS.Toàn nhấn mạnh.

Em Cổ Lê Thùy Trang (học sinh lớp 9/2 Trường THCS Hùng Vương, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) thì nêu lên thắc mắc được rất nhiều nữ sinh quan tâm: “Làm sao để nhận biết người khác có ý sàm sỡ, lạm dụng mình. Nếu nói ra người sàm sỡ mình mà không có bằng chứng thì ai tin và em có được bảo vệ?”.

Theo TS.Vũ Thiện Toàn, không ai có quyền đụng chạm vào thân thể người khác, nhất là ở vùng nhạy cảm ngoại trừ cha mẹ, bác sĩ (khi có sự đồng ý của chính các em và cha mẹ). Khi phát hiện mình bị xâm hại, các em cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô giáo, chuyên gia tâm lý, cơ quan chức năng để được bảo vệ.

* Nhu cầu lớn

Theo đại diện Sở Lao động - thương binh và xã hội, năm 2017 khi sở bắt đầu tổ chức các buổi nói chuyện về kỹ năng phòng chống đuối nước, phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục cho học sinh đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rất lớn từ phía giáo viên, học sinh và phụ huynh. Ở buổi nói chuyện nào, học sinh cũng đưa ra nhiều thắc mắc, xin ý kiến tư vấn từ chuyên gia tâm lý. Năm nay, sở tiếp tục tổ chức hoạt động này ở những địa phương đã xảy ra tình trạng đuối nước, xâm hại trẻ em chiếm tỷ lệ cao trong tỉnh.

Song song đó, hàng năm các trường học đều cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn rồi về truyền dạy lại cho học sinh các kỹ năng phòng chống đuối nước, phòng ngừa bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. Song không phải tiết học nào về vấn đề này do giáo viên ở trường truyền đạt cũng thu hút được sự quan tâm của học sinh. Bởi theo cô Trần Thị Quỳnh Nga, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hùng Vương (thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom): “Học sinh tiếp nhận thông tin, kỹ năng do giáo viên nhà trường truyền đạt rất hạn chế, hay nói đúng hơn là ngại tìm hiểu. Giáo viên cũng ngại nói đến những vấn đề nhạy cảm với học trò”.

Do vậy, việc trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh rất cần sự vào cuộc từ nhiều phía, mà trước hết là từ gia đình, thầy cô và những chuyên gia nhiều kinh nghiệm. Có như thế mới giúp các em hiểu đúng và có thể áp dụng được những gì mình đã học cho bản thân và bạn bè xung quanh.

Sông Thao

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,204,324       643