Xã hội

"Cuộc chiến" cam go với lao kháng thuốc

Sau gần 4 năm triển khai chương trình điều trị lao kháng thuốc cho thấy đây quả là một "cuộc chiến" đầy cam go không chỉ đối với các bác sĩ mà cả với bệnh nhân khi họ đối diện với không ít khó khăn trong điều trị.

Sau gần 4 năm triển khai chương trình điều trị lao kháng thuốc cho thấy đây quả là một “cuộc chiến” đầy cam go không chỉ đối với các bác sĩ mà cả với bệnh nhân khi họ đối diện với không ít khó khăn trong điều trị.

Bác sĩ Bùi Văn Thịnh, Trưởng khoa Lao B Bệnh viện phổi Đồng Nai, xem xét kết quả chụp X.quangcho một ca lao kháng thuốc đã điều trị thành công. Ảnh: A.Thư
Bác sĩ Bùi Văn Thịnh, Trưởng khoa Lao B Bệnh viện phổi Đồng Nai, xem xét kết quả chụp X.quangcho một ca lao kháng thuốc đã điều trị thành công. Ảnh: A.Thư

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai, cho biết trong các thể lao, lao phổi là phổ biến nhất. Lao phổi là bệnh do vi khuẩn lao xâm nhập gây bệnh ở phổi, có thuốc đặc trị, hoàn toàn có thể khỏi hẳn bệnh. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ đúng phác đồ điều trị, bệnh lao dễ chuyển sang lao đa kháng thuốc. Nếu bệnh lao kháng đa thuốc không được phát hiện và điều trị sớm sẽ lây lao đa kháng thuốc trong cộng đồng.

* Vượt qua khủng hoảng

Bệnh nhân N.H. (41 tuổi, ngụ xã Xuân Lập, TX.Long Khánh) cho biết cách đây khoảng 2 năm bà thường xuyên bị mệt mỏi, chán ăn, sốt về chiều. Khi đi khám bệnh, bà biết mình bị lao cần phải điều trị đúng 6 tháng. Tuy nhiên, 2 tháng sau, bà lại mệt mỏi, ói đàm xanh, khi đi khám phát hiện bị lao đa kháng thuốc. Bà H. cho biết lúc đầu nghe kết quả bà bị suy sụp hoàn toàn vì sợ không hết bệnh nhưng khi đi khám ở Bệnh viện phổi Đồng Nai, các bác sĩ, điều dưỡng đã động viên bà điều trị tích cực sẽ khỏi bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai, cho biết lao kháng thuốc là một trong 4 loại lao thường gặp hiện nay bao gồm: lao phổi, lao trẻ em, lao HIV và lao kháng thuốc. Để phòng ngừa các loại lao này cần phải có sự đồng hành của cả cộng đồng chứ không riêng ngành y tế. Trước hết phải tiêm ngừa vaccine cho trẻ sơ sinh, đảm bảo sau tiêm có sẹo thì mới có hiệu lực. Đồng thời phải nâng cao năng lực phát hiện sớm bệnh lao từ tuyến cơ sở. Khi phát hiện bệnh thì phải điều trị theo nguyên tắc đúng, đủ, đều (đúng liều lượng, đủ số lượng, uống đều đặn hàng ngày, đi tái khám hàng tháng).

“Suốt 20 tháng điều trị lao kháng thuốc là một thử thách đối với tôi. Vì khi uống thuốc đặc trị vào buổi chiều thường mệt, ăn uống kém, khó tiêu nhưng tôi luôn tuân thủ giờ uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi thấy mệt tôi liên hệ bác sĩ, điều dưỡng để tư vấn và được điều chỉnh thuốc khác nên đỡ hơn. Nay được thông báo kết quả xét nghiệm đàm âm tính với lao kháng, tôi rất mừng như được hồi sinh trở lại” - bà H. chia sẻ.

Tương tự, ông T.T. (42 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cũng từng mất 6 tháng điều trị bệnh lao, khoảng 1 năm sau thì ông lại bị lao kháng thuốc. Ông T. cho biết điều trị lao kháng thuốc là một cuộc chiến đối với bản thân vì khi dùng thuốc có những tác dụng phụ làm trong người mệt, buồn nôn, đau nhức khớp, mờ mắt... Nếu không kiên trì sẽ khó theo được. Nhờ tuân thủ tốt, ông đã khỏi bệnh và các triệu chứng khó chịu nói trên cũng đã giảm dần.

* Luôn tuân thủ phác đồ điều trị

Kết quả điều trị bệnh lao kháng thuốc của Bệnh viện phổi Đồng Nai cho thấy ngày càng phát hiện được nhiều trường hợp lao đa kháng thuốc. Trong năm 2015 toàn tỉnh phát hiện 51 ca, năm 2016 là 68 ca, năm 2017 69 ca và từ đầu năm 2018 đến nay là 22 ca. Từ khi triển khai chương trình điều trị lao kháng thuốc đến nay, Bệnh viện phổi Đồng Nai đã điều trị khỏi bệnh cho 54 ca, hạn chế rất lớn nguồn lây lao kháng thuốc trong cộng đồng.

Bác sĩ Bùi Văn Thịnh, Trưởng khoa Lao B (lao nam) Bệnh viện phổi Đồng Nai, cho rằng một ca lao đa kháng thuốc điều trị cực khổ gấp 3-4 lần điều trị lao thông thường cả về thời gian, chi phí điều trị (lên đến cả trăm triệu đồng, được miễn phí). Để điều trị thành công một ca lao đa kháng thuốc, bác sĩ phải tái khám cho bệnh nhân hàng tháng và phải trả lời, tư vấn qua điện thoại bất cứ lúc nào bệnh nhân cần để kịp thời điều chỉnh thuốc chống các tác dụng phụ của thuốc trên từng cơ địa bệnh nhân cho phù hợp.

Mặt khác, sự tuân thủ của bệnh nhân về thời gian, liều lượng thuốc rất quan trọng. Trong gần 4 năm triển khai chương trình lao kháng thuốc tại Bệnh viện phổi Đồng Nai đã có 15 trường hợp bỏ trị chủ yếu là do: không tuân thủ phác đồ điều trị, khi thấy đỡ bệnh thì tự ý ngưng thuốc hoặc khi uống thuốc thấy những tác dụng phụ khó chịu cũng ngừng uống thuốc. Điều này rất nguy hiểm vì nếu không tuân thủ bệnh lao kháng thuốc sẽ không hết và chuyển sang giai đoạn lao siêu kháng thuốc, việc điều trị vô cùng khó khăn, nguy cơ tử vong rất cao.

Anh Thư

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,262,059       223