Xã hội

Thảo dược không phải là thần dược

Hiện nay, nhiều người chỉ cho nhau sử dụng những loại thuốc được gắn mác thảo dược tự nhiên để chữa các bệnh mạn tính nhưng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc mà không hề biết rằng đang "rước họa vào thân".

Hiện nay, nhiều người chỉ cho nhau sử dụng những loại thuốc được gắn mác thảo dược tự nhiên để chữa các bệnh mạn tính nhưng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc mà không hề biết rằng đang “rước họa vào thân”.

Những loại thảo dược được bán tại Cửa hàng dụng cụ y tế N.H. ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Ngọc
Những loại thảo dược được bán tại Cửa hàng dụng cụ y tế N.H. ở phường Tân Biên (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Ngọc

Trong đó, có một số loại thuốc được cho là thảo dược nhưng thực chất lại được trộn với loại thuốc tây y đã bị cấm sử dụng từ lâu, khiến người sử dụng bị nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Điển hình như thảo dược trong điều trị bệnh đái tháo đường…

* Nguy kịch vì thảo dược

Vài tháng gần đây, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất tiếp nhận điều trị nhiều ca ngộ độc thảo dược dùng để chữa bệnh đái tháo đường. Mới nhất là 2 ca ngộ độc thuốc rất nặng, nguy kịch đến tính mạng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị tiếp tục. Cụ thể như trường hợp bệnh nhân Đ.M.D. (57 tuổi, ngụ TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng đau bụng, khó thở. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy đa tạng và nhiễm toan máu nặng với pH=6,72 (mức bình thường 7,35-7,45).

Bác sĩ Nguyễn Văn Nghị, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, khuyến cáo: “Thuốc đông y, thuốc nam dù sản xuất từ cây cỏ tự nhiên nhưng cũng có hại nếu sử dụng không đúng bệnh, không đúng liều lượng, huống gì thuốc thảo dược giả mạo có trộn thuốc tây y có nhiều tác dụng phụ, gây biến chứng ở nhiều cơ quan. Do đó, người dân không nên nghe lời quảng cáo, không nên tự chữa bệnh. Khi bị bệnh phải đến các cơ sở y tế có uy tín để được khám, điều trị và tư vấn đầy đủ về bệnh, tránh tiền mất tật mang”.

Theo người nhà của ông D., do nghe người quen giới thiệu thuốc điều trị đái tháo đường bằng thảo dược rất tốt nên ông mua về dùng được khoảng 3 tuần thì thấy trong người hay mệt mỏi, sụt cân, chán ăn, đau bụng với mức độ ngày càng tăng, khi không chịu nổi mới vào nhập viện. Tại đây, bác sĩ đã cấp cứu, cho thở máy, lọc máu nhưng do tình trạng bệnh quá nặng suy đa cơ quan nên phải cho ông D. chuyển viện.

Một trường hợp khác mới sử dụng thảo dược trị đái tháo đường vài ngày đã bị ngộ độc nặng. Đó là ông T.N. (72 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) nhập viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, thở nhanh, đau bụng, vật vã. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm toan máu nặng với pH=6,89, suy gan, suy thận, viêm phổi nặng. Ông N. cũng bị bệnh đái tháo đường nhiều năm, do “ngán” phải uống thuốc tây y dài ngày nên đã chuyển sang uống một loại thuốc do người quen giới thiệu, được cho là thảo dược có công dụng giữ đường huyết tốt. Khi uống thuốc này đến ngày thứ 4 thì ông bị ngộ độc.

* Không phải là thần dược

Bác sĩ Trịnh Thanh Minh, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết qua triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm các ca ngộ độc thuốc được, cho là thảo dược, cho thấy có khả năng loại thuốc này được trộn thảo dược với thuốc tây phenformin. Đây là thuốc hàng đầu trị tiểu đường được lưu hành tại Mỹ từ năm 1957, có tác dụng hạ đường huyết rất tốt. Tuy nhiên, thuốc này cũng có nhiều tác dụng phụ, nên từ năm 1973 phenformin bị cấm lưu hành quốc tế.

Theo bác sĩ Minh, bệnh nhân bị đái tháo đường type 2 đến giai đoạn nặng phải tiêm insulin khiến nhiều người thấy bất tiện, nên tìm biện pháp nhẹ nhàng, dễ dàng nhất là dùng thuốc thảo dược vì nghĩ rằng thuốc làm từ cây cỏ không độc hại. Khi sử dụng thảo dược có trộn với phenformin, bệnh nhân đái tháo đường sẽ thấy đường huyết giảm, không tăng nên có cảm giác an tâm nhưng không hề biết rằng dùng thuốc này làm nguy cơ nhiễm toan acid lactic rất cao (một tai biến nghiêm trọng, khả năng tử vong cao).  Khi nhiễm toan, bệnh nhân sẽ mệt mỏi, chán ăn, chuột rút, yếu cơ, đau bụng, nôn ói, thở nhanh, lơ mơ, hôn mê do tổn thương đa cơ quan, chất độc ngấm trong máu hủy hoại mô khắp cơ thể.

“Điều đáng nói, với bệnh nhân đái tháo đường có suy thận khi sử dụng thảo mộc trộn phenformin hoặc kết hợp với các loại thuốc giảm đau khác sẽ tăng nguy cơ nhiễm toan acid lactic hơn khiến tình trạng bệnh rất nặng nề, nguy cơ tử vong cao. Do đó, khi bị bệnh đái tháo đường không nên tùy tiện sử dụng thuốc, ngay cả thuốc đông y, thảo dược mà phải khám bệnh tại các cơ sở y tế có chuyên khoa nội tiết để được khám, xét nghiệm, tư vấn cách dùng thuốc, ăn uống, tập thể dục… để làm chậm xảy ra các biến chứng nặng nề, nâng cao chất lượng sống tốt hơn” - bác sĩ Minh khuyến cáo.

* Mua bán dễ dàng

Chỉ cần một cú nhấp chuột trên Google, ngay lập tức có trên 1,3 triệu kết quả thuốc thảo dược trị đái tháo đường với những lời quảng cáo đánh vào tâm lý của bệnh nhân nhưng rất phản khoa học, như: thuốc thảo dược chữa bệnh cho bệnh đái tháo đường không cần ăn kiêng, ăn được cả bánh mứt, uống nước ngọt, bia, rượu…

Một bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng do tự điều trị bệnh bằng thảo dược đang điều trị tại Khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.
Một bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng do tự điều trị bệnh bằng thảo dược đang điều trị tại Khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.

Ngoài bệnh đái tháo đường, người bệnh còn truyền tai nhau mua các loại thuốc gia truyền từ thảo mộc để điều trị các bệnh mãn tính và họ có thể mua bán loại thuốc này rất dễ dàng. Một trong những loại thuốc nhiều người đang truyền tai nhau sử dụng hiện nay là thuốc gia truyền được bán công khai tại Cửa hàng dụng cụ y tế N.H.  (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa). Theo quảng cáo của người bán hàng, loại thuốc này có công dụng chữa bách bệnh, trong đó hiệu quả nhất là điều trị hen phế quản nhưng có điều chỉnh cả lượng đường trong máu, hạ huyết áp, giảm đau do thấp khớp, thoái hóa khớp… Thuốc có dạng nước uống và dạng xông mũi, nhỏ trực tiếp. Tuy nhiên, trên các sản phẩm này không có nhãn mác, công dụng, thời gian sản xuất, hạn sử dụng.

Về việc sử dụng thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc trong điều trị bệnh hen phế quản, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai Nguyễn Ngọc Khánh cho rằng rất nguy hiểm. Vì nếu thảo mộc là thuốc gia truyền cũng phải có đăng ký, kiểm nghiệm của Bộ Y tế, nếu không có thì được xem là thuốc giả, không đảm bảo chất lượng. Với tiến bộ khoa học đã xác định rõ bản chất và cơ chế gây hen trong gen, trong tế bào nên bệnh nhân phải tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ tùy theo từng cá nhân để có liều phù hợp để kiểm soát cơn bệnh hen cho ổn định lâu dài, đỡ tốn kém nhất. Nếu không điều trị, nếu chẳng may vào cơn hen cấp không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Trong khi đó, hiện không ít bệnh nhân bị bệnh về xương khớp truyền nhau sử dụng thuốc đông y dưới dạng viên, thuốc tễ. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nghị, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện y dược cổ truyền Đồng Nai, các loại thuốc này thực chất là thảo dược trộn với thuốc tây y dexamethasone hay coticoid có tác dụng giảm đau, kháng viêm nhanh chóng nên mọi người ngộ nhận là thần dược nhưng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm khi sử dụng lâu dài từ 6 tháng trở lên, như: tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ, đái tháo đường, béo phì, xuất huyết tiêu hóa, hội chứng cushing (mập ở mặt, cổ và lưng, teo ở chân)…

Đặng Ngọc

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,347,536       112