Xã hội

Băn khoăn dự thảo giữ trẻ ít tháng tuổi

Theo quy định, lao động nữ sinh con được nghỉ trước và sau sinh 6 tháng. Trong khi đó, các trường mầm non lại không nhận giữ trẻ nhỏ tháng, vì vậy cha mẹ tìm chỗ gửi con ở độ tuổi này khá vất vả...

Trường mầm non lâu nay chỉ nhận nuôi dạy những trẻ ít nhất từ 30 tháng trở lên. Trong ảnh: Các trẻ được chăm sóc tại Trường mầm non Hướng Dương (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.LIỄU
Trường mầm non lâu nay chỉ nhận nuôi dạy những trẻ ít nhất từ 30 tháng trở lên. Trong ảnh: Các trẻ được chăm sóc tại Trường mầm non Hướng Dương (TP.Biên Hòa). Ảnh: P.LIỄU

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dư luận về dự thảo lần 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của  Luật Giáo dục. Theo đó, Điều 25 của luật  quy định: “Trường mầm non, nhóm lớp trẻ mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo phải nhận giữ trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi”. Thông tin này khiến nhiều bà mẹ khấp khởi mừng, còn các trường mầm non lại lo lắng.

* Không yên tâm khi gửi con

Thực tế, hầu hết các bà mẹ đều không yên tâm làm việc khi phải gửi con mới vài tháng tuổi ở những nơi không đủ điều kiện nuôi giữ. Bởi đã có không ít trường hợp trẻ bị bạo hành, tai nạn thương tích, thậm chí tử vong ở những điểm giữ trẻ tư nhân. Tuy nhiên, người mẹ dù lo lắng nhưng vẫn phải gửi con ở những điểm tư nhân vì không có trường công lập nào nhận giữ.

Theo bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, nếu trẻ phải đi gửi từ 3 tháng tuổi sẽ không được bú mẹ nên sức đề kháng sẽ kém hơn nên các bé cũng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, viêm phổi… Đặc biệt là các bé rất dễ bị sặc sữa khi bú bình, vì thế giáo viên chăm trẻ phải được trang bị kỹ năng cũng như các kiến thức y tế tối thiểu trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp.

5 tháng sau sinh, chị Nguyễn Trúc Quỳnh (ngụ phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) phải gửi con cho một người hàng xóm để đi làm. Chị Quỳnh cho biết trường mầm non phường không nhận giữ trẻ ít tháng; còn nội, ngoại cũng ở xa nên đành nhờ người trông giúp với khoản thù lao 2 triệu đồng/tháng, sữa cháo mang theo.

“Điều tôi lo lắng nhất là nếu xảy ra sự cố, người trông giữ đã lớn tuổi sẽ không xử lý kịp thời. Mỗi chiều về đón con, thấy cháu an toàn tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Nếu được gửi con ở trường có cơ sở vật chất sạch sẽ, khang trang, các cô có kinh nghiệm chăm trẻ thì yên tâm biết mấy” - chị Quỳnh tâm sự.

Toàn tỉnh hiện có 325  trường mầm non công lập lẫn tư thục, nhưng không có cơ sở nào nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi; kể cả trẻ từ 18-24 tháng cũng rất hạn chế. Cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương (TP.Biên Hòa), cho biết nhận giữ trẻ ít tháng không chỉ các cô trực tiếp chăm sóc vất vả, mà những vấn đề liên quan về dinh dưỡng, vệ sinh cũng gặp khó khăn vì các cháu còn quá nhỏ, phải được chăm sóc theo chế độ khác hoàn toàn với những nhóm lớp lớn hơn.

Ngoài ra, điều kiện phòng ốc, môi trường nuôi giữ đòi hỏi phải đạt chuẩn; đặc biệt giáo viên phải được đào tạo kỹ năng, kiến thức về chăm sóc trẻ nhỏ tháng. Riêng về học phí, chăm trẻ nhỏ tháng vất vả nên chi phí phải cao hơn, nhưng trường không được thu quá mức quy định… Chính vì vậy, nhiều trường không nhận giữ trẻ ít tháng tuổi là có lý do.

* Thiếu đủ thứ, khó trăm bề

Mục đích của Bộ GD-ĐT khi quy định trường mầm non phải giữ trẻ nhỏ tháng là nhằm hỗ trợ những gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là giới công nhân lao động không có điều kiện nghỉ làm để chăm sóc con nhỏ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng kế hoạch này rất khó thực hiện.

Phần lớn trẻ nhỏ tháng được gửi tại các điểm giữ trẻ tư nhân.
Phần lớn trẻ nhỏ tháng được gửi tại các điểm giữ trẻ tư nhân.

Bà Trương Thị Thủy Ngân, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT, cho biết trong Điều lệ trường mầm non năm 2008 cũng quy định các trường phải nhận trông giữ trẻ từ 3-72 tháng tuổi. Nhưng thực tế cho thấy có quá nhiều khó khăn để các trường thực hiện việc này. Vì vậy, hầu như không trường mầm non nào áp dụng quy định trên, kể cả khối trường tư thục.

Theo Quyết định số 31/2005QĐ-BGD-ĐT về quy định điều kiện tối thiểu cho các lớp mầm non và nhóm trẻ độc lập, trẻ từ 3-6 tháng tuổi, mỗi giáo viên chỉ trông đối đa từ 3-4 trẻ; trẻ từ 7-12 tháng mỗi giáo viên chỉ trông 4-5 trẻ. Ngoài ra, theo Điều lệ trường mầm non, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non là có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non và trình độ chuẩn được đào tạo của nhân viên y tế học đường.

Theo bà Ngân, nếu quy định mới này của Bộ GD-ĐT được thông qua, sẽ phát sinh những vấn đề lớn như thiếu cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ giáo viên có kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ tháng.

TP.Biên Hòa là địa bàn căng thẳng nhất về đất đai, các cơ sở mầm non hiện nay diện tích cũng hạn hẹp, khó có thể tách riêng vài lớp học dành cho đối tượng chỉ mới mấy tháng tuổi. Song, điều đáng lo ngại nhất là thiếu đội ngũ giáo viên đạt chuẩn để hoàn thành phần việc chăm sóc trẻ nhỏ tháng theo yêu cầu. Nếu trường tiếp nhận khoảng 30 cháu từ 3 tháng tuổi, lấy đâu ra hàng chục giáo viên chăm sóc những trẻ này?

Ngay trong chương trình đào tạo ngành mầm non tại các trường sư phạm lâu nay cũng không đề cập đến nội dung chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên ra trường rồi đi làm, chưa từng làm mẹ  sẽ rất hạn chế về kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ - độ tuổi cần một chế độ ăn riêng và chăm sóc đặc biệt.

Một vấn đề khác nữa là trẻ nhỏ tháng được trông giữ theo những tiêu chí khắt khe hơn thì học phí sẽ cao hơn, như thế đội ngũ công nhân lao động có đủ điều kiện để gửi con? Bà Ngân cho rằng tạm thời nên thực hiện thí điểm tại những địa bàn có đông công nhân. Còn nếu buộc phải thực hiện thì cần một chính sách riêng cho vấn đề này chứ không thể nói cứ phải… thực thi, trong khi hoàn cảnh các trường mầm non chưa đáp ứng đủ. 

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,350,488       165