Xã hội

Dốc sức cho cuộc chiến sinh tử

Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của các bệnh viện là nơi điều trị cho những bệnh nhân nặng. Tại đây, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế rất khó mà trụ nổi nếu thiếu tình yêu thương bệnh nhân.

Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của các bệnh viện là nơi điều trị cho những bệnh nhân nặng. Tại đây, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế rất khó mà trụ nổi nếu thiếu lòng yêu nghề và tình yêu thương bệnh nhân.

Bác sĩ Hoàng Đại Thắng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (thứ 2 từ trái qua), đang hướng dẫn các bác sĩ trẻ chẩn đoán một ca bệnh nặng. Ảnh: N.Thư
Bác sĩ Hoàng Đại Thắng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (thứ 2 từ trái qua), đang hướng dẫn các bác sĩ trẻ chẩn đoán một ca bệnh nặng. Ảnh: N.Thư

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2018, trong khi nhiều khoa điều trị nội trú vắng bóng bệnh nhân thì khoa hồi sức tích cực - chống độc của các bệnh viện lớn trong tỉnh vẫn đông bệnh. Các bác sĩ, điều dưỡng phải làm việc với cường độ cao hơn ngày thường để cứu bệnh nhân trước ranh giới  của sự sống và cái chết.

* Luôn làm việc với áp lực cao

Bác sĩ Trần Kim Long, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết trong những ngày nghỉ tết, bệnh nhân của khoa đông gấp đôi ngày thường. Phần lớn là các ca “thập tử nhất sinh” vì tai nạn giao thông, tai biến, đột quỵ, suy đa tạng, suy hô hấp... Một ca trực của bác sĩ trong khoa là 24 giờ, liên tục làm việc với áp lực công việc căng thẳng vì tính mạng bệnh nhân chỉ được tính bằng phút.

 Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thực hiện 1 ca mổ.
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất thực hiện 1 ca mổ.

Do đó, bác sĩ phải cấp cứu, xử lý nhanh để giành sự sống cho bệnh nhân một cách tốt nhất, không để lại biến chứng nặng nề.

Theo bác sĩ Hoàng Đại Thắng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, điều trị các ca bệnh nặng bác sĩ phải có phán đoán nhanh, định hướng bệnh chính xác. Muốn được như vậy, bác sĩ phải luôn học hỏi, luôn cập nhật nhiều kiến thức chuyên sâu, học trên từng ca bệnh vì mỗi một bệnh nhân có cơ địa khác nhau, có nhiều bệnh kết hợp. Bởi có những bệnh rất giống nhau về triệu chứng nhưng cách điều trị hoàn toàn khác, nếu nhận định sai, điều trị sai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân.

Từ trước tết đến nay, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận rất đông bệnh nhân, đa phần trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm trùng, suy hô hấp nặng. Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, chia sẻ điều trị ca bệnh nặng ở trẻ nhỏ khó hơn người lớn rất nhiều vì các bé chưa biết kể ra tình trạng bệnh. Bác sĩ điều trị phải có kinh nghiệm, theo dõi bệnh sát vì mỗi trẻ có một cơ địa khác nhau, nếu không theo dõi sát trẻ chuyển sang nguy kịch rất nhanh, lúc đó trở tay không kịp.

Hơn 33 năm tuổi nghề nhưng bác sĩ Hoàng Đại Thắng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã có đến 30 năm gắn bó với công việc cấp cứu, hồi sức tích cực - chống độc. Bác sĩ Thắng tâm sự: “Chưa bao giờ tôi thôi đam mê công việc này. Không có gì hạnh phúc bằng việc cứu sống được bệnh nhân khi tình trạng bệnh của họ có những lúc rơi vào vô vọng. Với tôi đó là điều kỳ diệu”.

* Từ cõi chết trở về

Mới nhất là trường hợp của bệnh nhân Lê Kim Huệ (63 tuổi, ngụ tại xã Tam Phước, TP.Biên Hòa), nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, choáng nhiễm trùng, viêm phổi, đái tháo đường. Sau 10 ngày thở máy và điều trị tích cực, bệnh nhân đã phục hồi hô hấp nhưng khi cai hô hấp bằng máy bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở và đã được cấp cứu kịp thời.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Lộc cảm ơn bác sĩ Thân Hữu Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, đã cứu sống bà qua cơn bạo bệnh.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Lộc cảm ơn bác sĩ Thân Hữu Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, đã cứu sống bà qua cơn bạo bệnh.

Từ kinh nghiệm của mình bác sĩ Hoàng Đại Thắng cho bệnh nhân tiến hành đo điện cơ thì phát hiện bị viêm đa gốc rễ thần kinh vận động và cảm giác. Đây là nguyên nhân chính gây suy hô hấp. Các bác sĩ đã tiến hành thay 6 lần huyết tương cho bà Huệ để lấy những kháng thể bám vô dây thần kinh gây viêm đa gốc rễ thần kinh giúp điều trị tận gốc bệnh, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, xuất viện tỉnh táo về nhà.

Tương tự bà Nguyễn Thị Lộc (55 tuổi, phường Xuân Hòa, TX.Long Khánh) cũng từng bị ngưng tim, ngưng thở đột ngột đã được các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cứu sống. Bác sĩ Thân Hữu Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết bà Lộc bị suy thận giai đoạn cuối, lại gặp một cú sốc nên huyết áp tăng đột ngột khiến bệnh nhân giống như chết lâm sàng. Sau khi cấp cứu xong, bệnh nhân còn bị phù phổi cấp, hôn mê nên phải cho thở máy, theo dõi điều trị liên tục vì nếu không xử trí nhanh, bệnh nhân bị thiếu ôxy lâu, nguy cơ chết não rất cao. Dù có cứu sống cũng chịu nhiều biến chứng nặng nề.

“Lúc đó, tôi tưởng mình đã chết rồi. Hôn mê suốt một tháng sau tỉnh lại mới biết đã được các bác sĩ điều trị cho mình rất tận tâm, tận lực. Hiện nay, sức khỏe tôi ổn định vì được lọc thận nhân tạo và bác sĩ Dũng tái khám thường xuyên” - bà Lộc chia sẻ.

Ông Phạm Văn Tiến (ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) không giấu được xúc động khi con mình là bé Phạm Thị Hạnh Nguyên, 4 tuổi, bị sốt xuất huyết Dengue rất nặng, suy đa cơ quan đã  được cứu sống đội ngũ y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Những ngày chăm sóc con tại bệnh viện, ông không khỏi đau lòng khi nhìn thấy con hôn mê phải thở máy nhưng luôn được đội ngũ y bác sĩ động viên, theo dõi sát 24/24 giờ.

“Tôi sẽ không bao giờ quên ơn các bác sĩ, điều dưỡng đã dốc hết sức để giành lại sự sống cho con gái bé bỏng” - ông Tiến bộc bạch.

Ngọc Thư

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        66,350,988       545