Hội thi Khoa học - kỹ thuật học sinh trung học tỉnh Đồng Nai đã trải qua 7 lần tổ chức, là cơ hội giúp học sinh giao lưu trải nghiệm đầy thú vị và bổ ích. Hội thi năm nay tiếp tục được tổ chức tại Trường cao đẳng công nghệ quản trị Sonadezi và Trường THPT Lê Quý Đôn - Long Bình Tân trong 3 ngày, từ 22 đến 25-1.
Nhóm học sinh Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom) với mô hình máy sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: c.nghĩa |
Hội thi có 135 đề tài khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội của học sinh trung học tham dự. Ban tổ chức đã lựa chọn được 84 đề tài vào chung khảo hội thi. Những đề tài xuất sắc sẽ được cử đại diện cho tỉnh tham dự hội thi cấp quốc gia.
* Khơi gợi sáng tạo
Nhóm học sinh Trường THPT Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch) mang tới hội thi sáng chế “Bộ phơi đồ thông minh” có khả năng tự động thu đồ đang phơi khi trời tối hoặc có mưa. Trưởng nhóm Nguyễn Hoàng Vũ cho biết: “Nhóm được giáo viên công nghệ của trường hướng dẫn về kỹ thuật, sau đó lên chợ điện tử tại TP.Hồ Chí Minh mua vi mạch điện tử, thiết bị cảm biến, khung nhôm… về chế tạo, lắp ráp, lập trình để hình thành nên sản phẩm. Khi trời tối hay có mưa dông, bộ phận cảm biến sẽ truyền tín hiệu điều khiển mô tơ kéo đồ vào vị trí an toàn để tránh bị ướt”.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết hoạt động dạy và học muốn hấp dẫn và thu hút học trò thì không chỉ nên dừng lại ở sách vở hay những buổi lên lớp quá khô khan. Và hoạt động trải nghiệm như tại sân chơi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học chính là một chất xúc tác quan trọng để có thể học hỏi, trao đổi và chia sẻ những mô hình mới, cách làm hay trong việc tạo ra môi trường sáng tạo cho học sinh hiện nay. |
Trong khi đó, Câu lạc bộ ươm mầm khoa học - kỹ thuật của Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom) có tới 3 đề tài vượt qua vòng sơ khảo để vào chung kết hội thi. Nổi bật trong số đó có đề tài “Điều khiển hệ thống điện tiết kiệm trong phòng học”. Theo đó, có nhiều phương án để tiết kiệm điện, gồm lập trình giờ tắt mở “khớp” với thời gian của giờ học, buổi học. Ngoài ra còn có thiết bị cảm biến đặt dưới ghế ngồi của học sinh, những khu vực nào có người ngồi thì thiết bị tự động bật sáng.
Hội thi có khá nhiều đề tài tập trung vào các giải pháp tạo ra năng lượng sạch và tiết kiệm điện. Đây là một xu thế mới mà con người đang hướng tới. Thầy Nguyễn Đình Dũng, giáo viên công nghệ Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (huyện Long Thành), cho biết: “Năm nay học sinh của trường mang đến hội thi đề tài “Máy phát điện chạy bằng năng lượng mặt trời”. Nguyên lý hoạt động của máy là thu nhiệt từ gương cầu làm nóng nồi hơi nước và làm quay tua-bin phát ra điện. Thiết bị này hoàn toàn phù hợp với khí hậu miền Nam nắng nóng quanh năm”.
* Nhiều cơ hội ứng dụng thực tế
Theo đánh giá của ban giám khảo hội thi, các nhóm thí sinh năm nay chú trọng nhiều hơn đến các đề tài ứng dụng công nghệ xanh, tiết kiệm nhiên liệu, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nhiều đề tài có thể tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để triển khai vào thực tiễn một cách hiệu quả. Điển hình trong số đó có đề tài “Máy sấy nông sản tự động chạy bằng năng lượng mặt trời” của nhóm học sinh Trường THCS Trần Phú (huyện Thống Nhất). Theo thiết kế, gương cầu lõm giúp thu nhiệt trực tiếp vào ống chứa nông sản có gắn mô tơ điện quay đều, từ đó nông sản khô đều mà không tốn nhiều điện hay dầu diezen như cách sấy truyền thống.
Nhóm học sinh của Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa) lại “trình làng” sản phẩm có tính ứng dụng cao trong hoạt động cứu hỏa, đó là robot cứu hỏa điều khiển từ xa. Robot này mang theo một đầu phun nước chữa cháy, di chuyển bằng các bánh xe đa hướng. Thay vì nhân viên cứu hỏa cầm đầu phun nước tiếp cận gần hiện trường vụ cháy thì có thể đứng từ xa và điều khiển robot chữa cháy tự động phun nước vào vị trí cần thiết.
Một số đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội của học sinh tập trung vào nghiên cứu, khảo sát tâm lý học đường, sức khỏe sinh sản vị thành niên, ảnh hưởng của mạng xã hội tới học sinh hay xây dựng nhóm kỹ năng mềm trong các trường học hiện nay… Các đề tài lĩnh vực khoa học xã hội được giới thiệu đã thu hút sự quan tâm trao đổi của giáo viên và học sinh các trường với nhau. Nhiều giáo viên đánh giá đề tài nghiên cứu của học sinh chính là những tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình dạy học trên lớp.
Nhóm học sinh Nguyễn Công Minh và Nguyễn Thế Tâm Ngọc Khánh (Trường THPT Lê Quý Đôn - Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) đã không ngại khi triển khai nghiên cứu khảo sát một đề tài khá nhạy cảm, đó là “Nhận thức về tình dục trong học sinh ở một số trường THPT tại TP.Biên Hòa hiện nay”. Nguyễn Công Minh cho biết khi khảo sát trên 200 học sinh ở 4 trường THPT nhóm đã gặp phải một số khó khăn trong tiếp cận đối tượng nghiên cứu, nhưng khi được giải thích nhiều học sinh sẵn sàng chia sẻ một cách thoải mái về vấn đề này. Minh cho biết thêm: “Em dự định đưa kết quả nghiên cứu của đề tài tuyên truyền cho các bạn trong trường cùng nâng cao nhận thức về tình dục và sức khỏe sinh sản vị thành niên”.
Còn nhóm học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) giới thiệu đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội tập trung vào nghiên cứu mặt trái của mạng xã hội với học sinh ngay trong trường mình. Đó là đề tài “Nhận thức về tình yêu và tình bạn qua mạng xã hội”. Nhóm học sinh Trường THPT Long Thành lại tập trung vào một khía cạnh tác động tiêu cực khác của mạng xã hội, đó là “Ảnh hưởng của ngôn ngữ “xấu xí” trong trường học và giải pháp thực hiện hóa ngôn ngữ tích cực”...
Công Nghĩa