Xã hội

Ngộ độc thực phẩm vẫn gia tăng

22 học sinh ở Trường tiểu học Hưng Lộc, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) vào ngày 15-12 phải nhập viện tại Trung tâm y tế huyện Thống Nhất để cấp cứu do ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng: đau bụng, chóng mặt, nôn ói…

22 học sinh ở Trường tiểu học Hưng Lộc, xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) vào ngày 15-12 phải nhập viện tại Trung tâm y tế huyện Thống Nhất để cấp cứu do ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng: đau bụng, chóng mặt, nôn ói…

Học sinh ở Trường tiểu học Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) được điều trị tại Trung tâm y tế huyện Thống Nhất do ngộ độc thực phẩm.
Học sinh ở Trường tiểu học Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) được điều trị tại Trung tâm y tế huyện Thống Nhất do ngộ độc thực phẩm.

Đa số các học sinh này đều ăn sáng ở căn tin trường học và hàng quán trước cổng trường, bị nhiễm vi sinh gây ngộ độc thực phẩm. Đây là một trong 3 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các trường học, chiếm đến 50% tổng số vụ ngộ độc thực phẩm của toàn tỉnh trong năm 2017. 

* Tăng ở trường học, tiệc cưới

Trước đó vào đầu tháng 12-2017, tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) cũng có 2 học sinh bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện vì ăn sáng bằng món shushi cơm cuộn ở một quán cóc trước cổng trường. Sau khi ăn, 2 học sinh này có triệu chứng đau bụng, nôn ói. Ngành chức năng cũng xác định các em ăn thực phẩm nhiễm vi sinh.

TS. bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết trong năm 2018 ngành y tế sẽ xây dựng đề án thành lập phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại Trung tâm kiểm nghiệm dược và mỹ phẩm Đồng Nai để chủ động lấy mẫu, kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không phải gửi mẫu về TP.Hồ Chí Minh. Qua đó ngành sẽ phát hiện nhiều sai phạm hơn để có cơ sở xử lý nghiêm vi phạm.

Ngộ độc thực phẩm không chỉ xảy ra ở trường học, mà số vụ ngộ độc trong các tiệc cưới cũng có xu hướng tăng với 2 vụ xảy ra ở huyện Thống Nhất và Tân Phú với 31 người mắc. Sau khi ăn tiệc cưới, hàng chục người bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp phải nhập viện điều trị, được chẩn đoán là do ăn thức ăn nhiễm khuẩn.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai (Sở Y tế), cho biết từ đầu năm 2017 đến nay toàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 145 người mắc (tăng 2 ca so với năm 2016 nhưng không tăng số người mắc) trong đó có 1 ca tử vong do ăn con so biển. Nếu như những năm trước phần lớn các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các bếp ăn tập thể, thì năm nay lại xảy ra chủ yếu ở các trường học, hàng quán ngoài đường phố, tiệc cưới.

Một trong những nguyên nhân chính là đa phần các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trước cổng trường, căn tin trường học, cơ sở nấu tiệc đám cưới là những cơ sở nhỏ lẻ do ngành GD-ĐT, các phường, xã quản lý. Công tác giám sát, kiểm tra còn lỏng lẻo, chế tài chưa nghiêm nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn.

Vì vậy trong thời gian tới ngành y tế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về kinh doanh, chế biến thực phẩm ở căn tin các trường học; yêu cầu các trường học thực hiện đấu thầu kinh doanh căn tin để họ đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn thực phẩm; mở lớp đào tạo cho những người quản lý, trực tiếp chế biến thực phẩm để nắm kiến thức cơ bản về nguy cơ ngộ độc thực phẩm, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm.

* Nguy cơ từ bếp ăn tập thể

Dù số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể có giảm, nhưng nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể vẫn còn cao. Một trong những nguyên nhân chính là do giá thành suất ăn công nghiệp ở một số doanh nghiệp còn thấp (dưới 13 ngàn đồng) trong khi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã vận động 1 suất ăn công nghiệp tối thiểu là 15 ngàn đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn chưa quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho bếp ăn tập thể, một số nơi cơ sở hạ tầng xuống cấp không đảm bảo vệ sinh…

Năm 2018, ngành y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm. Trong ảnh: Phó giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ (thứ 2 từ trái qua) kiểm tra một cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp ở TP.Biên Hòa.
Năm 2018, ngành y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm. Trong ảnh: Phó giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ (thứ 2 từ trái qua) kiểm tra một cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp ở TP.Biên Hòa.

Do giá trị suất ăn thấp nên một số doanh nghiệp chưa chú trọng cho người trực tiếp chế biến thực phẩm trang bị các kiến thức về an toàn thực phẩm. Có doanh nghiệp liên tục để xảy ra sự cố an toàn thực phẩm. Điển hình như trong năm 2017, Công ty TNHH sản xuất thương mại Miền Quê ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch) đã xảy ra 2 sự cố về an toàn thực phẩm với 229 trường hợp phải nhập viện do ăn thực phẩm dễ dị ứng (như cây bạc hà và thức ăn nêm quá nhiều bột ngọt. Mặc dù đây không phải là ngộ độc thực phẩm mà chỉ là sự cố về an toàn thực phẩm do quá trình chế biến bạc hà không tước hết vỏ, không ngâm nước muối để bớt mủ gây kích ứng vùng họng, lưỡi nhưng cũng đã làm nhiều công nhân lo lắng.

Để hạn chế ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn tập thể,  thời gian tới ngành y tế sẽ tăng cường tập huấn công tác tự kiểm tra, giám sát cho các bếp ăn tập thể cũng như tập trung giám sát mẫu nhiều hơn; đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm để kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm.

Tin, ảnh: Đặng Ngọc

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,498,293       585