Xã hội

Thắng kiện công ty sau hơn 5 năm đòi công lý

Hơn 5 năm theo đuổi vụ kiện với nhiều phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, chị Nguyễn Thanh Uyển đã được Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh tuyên buộc Công ty TNHH Shinwa Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) phải nhận chị trở lại làm việc; đồng thời bồi thường cho chị hơn 884 triệu đồng và truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho chị.

Anh Trịnh Văn Lợi (bìa trái) và luật sư Lê Tấn Tý (bìa phải), luật sư Vũ Ngọc Hà trong một lần tham gia phiên tòa cùng chị Nguyễn Thanh Uyển.
Anh Trịnh Văn Lợi (bìa trái) và luật sư Lê Tấn Tý (bìa phải), luật sư Vũ Ngọc Hà trong một lần tham gia phiên tòa cùng chị Nguyễn Thanh Uyển.

Người được chị Uyển (ngụ quận 9, TP.Hồ Chí Minh) ủy quyền tham gia tố tụng trong suốt quá trình theo đuổi vụ kiện là ông Trịnh Văn Lợi (46 tuổi), một công nhân nòng cốt của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh.

* Hơn 5 năm đi đòi công lý

Đến nay, phía Công ty TNHH Shinwa Việt Nam đã trả cho chị Nguyễn Thanh Uyển hơn 600 triệu đồng. Còn khoảng 200 triệu đồng, phía công ty chưa chịu trả vì lý do giữ để đóng thuế thu nhập cá nhân cho chị Uyển. Các luật sư đã tư vấn cho chị Uyển làm đơn gửi cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế tài sản của công ty nếu công ty không chịu trả nốt số tiền còn lại cho chị, nhằm đảm bảo đúng quyền lợi của người lao động.

Chị Uyển cho biết vào năm 2008, chị được Công ty TNHH Shinwa Việt Nam nhận vào làm kế toán trưởng theo hợp đồng xác định thời hạn, mức lương 16,1 triệu đồng/tháng. Sau thời gian nghỉ thai sản, vào ngày 1-3-2012, chị Uyển đi làm lại nhưng ban giám đốc công ty không cho xe đưa đón chị Uyển như thường lệ. Chị Uyển phải chạy xe máy từ TP.Hồ Chí Minh đến công ty, nhưng bảo vệ công ty không cho chị vào làm việc.

Không hiểu lý do công ty không cho mình vào làm việc, chị Uyển đã làm đơn gửi Ban giám đốc công ty và Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa, nhưng không được giải quyết.

Bức xúc vì bỗng dưng mất việc, chị Uyển lại làm đơn gửi đến Phòng Lao động - thương binh và xã hội TP.Biên Hòa xin hòa giải, nhưng phía công ty không có thiện chí. Do đó, vào ngày 23-5-2012, chị Uyển làm đơn khởi kiện công ty ra Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, yêu cầu công ty trả tiền thai sản, tiền phép năm 2011, tiền thưởng hàng năm...

Từ năm 2013, chị Uyển ủy quyền cho ông Lợi toàn quyền thay mặt chị tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Hơn 5 năm, với hơn 20 lần “hầu tòa”, đến cuối tháng 3-2017, Tòa án nhân dân tỉnh đã ra bản án phúc thẩm cuối cùng, tuyên chị Uyển thắng kiện.

* Đúng thì không sợ thua

Để “cãi lại” phía nguyên đơn, Công ty TNHH  Shinwa Việt Nam đã mời luật sư của Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh xuống Đồng Nai làm việc. Phía chị Uyển, ngoài ông Lợi còn có 2 luật sư Lê Tấn Tý và Vũ Ngọc Hà của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tham gia bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Song song với việc đi lại thu thập nhiều thông tin, xác minh nhiều vấn đề liên quan đến nội dung bản án, ông Lợi cùng Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đã rất nhiều lần đối thoại với công ty để họ nhận sai, sửa sai, nhưng công ty không có thiện chí, cố tình kéo dài vụ việc.

“Phía công ty có quyền, có tiền, có mọi thứ, trong khi người lao động hiểu rất ít về pháp luật lao động và hạn chế về tiền bạc. Tuy nhiên, người lao động không đơn độc. Bên cạnh họ, chúng tôi luôn tìm mọi cách để đòi lại quyền lợi chính đáng cho họ. Điều quan trọng là chúng ta phải nắm rõ, nắm vững những điểm mấu chốt, quan trọng trong vụ kiện để lập luận chặt chẽ, thắng một cách tâm phục, khẩu phục”  - luật sư Lê Tấn Tý chia sẻ.

Nhớ lại quá trình tham gia tố tụng, ông Lợi chia sẻ khi được chị Uyển nhờ làm người ủy quyền, ông đã rất trăn trở, cố gắng tìm hiểu cặn kẽ các điều khoản pháp luật có liên quan để có những lập luận chắc chắn. Ông và các luật sư ở Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cùng nhau bàn bạc để đưa ra những lý lẽ thuyết phục nhất, bác lại những luận điệu vô lý của phía công ty.

Chẳng hạn về vấn đề xe đưa rước. Do gia đình ở TP.Hồ Chí Minh mà công ty lại ở TP.Biên Hòa nên khi vào làm việc, chị Uyển đã yêu cầu công ty bố trí xe đưa rước. Việc này, hai bên đã nhất trí và ghi rõ trong hợp đồng lao động. Như vậy, việc công ty phải bố trí xe đưa rước chị Uyển sau khi nghỉ thai sản là rất rõ ràng, không thể tranh cãi. Công ty nói chuyển văn phòng về TP.Hồ Chí Minh và thỏa thuận với chị Uyển không có xe đưa rước là không có thật.

Hay việc thay đổi địa điểm làm việc. Phía công ty nói đã di dời trụ sở từ TP.Biên Hòa về TP.Hồ Chí Minh là không chính xác. Bản thân ông Lợi và các luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh đã đến các cơ quan chức năng tìm hiểu và nắm rõ trụ sở công ty đặt ở Khu công nghiệp Amata chứ không phải ở TP.Hồ Chí Minh. Phía công ty khai khi chuyển văn phòng làm việc có gửi thông báo cho chị Uyển, nhưng chị không nhận được thông báo này…

Hơn 5 năm ròng rã, ông Lợi ăn cơm nhà để đi “cãi hộ” cho chị Uyển tại các phiên tòa. Ông nói làm việc này là tự nguyện, không có ai phải trả lương cho những việc ông làm. Do đó để có tiền trang trải cuộc sống, bữa thì ông Lợi đi làm hồ, bữa làm điện, bữa đi phụ hàn. Cũng bởi ham chuyện “bao đồng” nên đến giờ “luật sư chân đất” Trịnh Văn Lợi vẫn “phòng không”, còn những người lao động bị chủ doanh nghiệp chèn ép, xử sai thì đến gặp ông ngày một nhiều.

Hạnh Dung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,508,953       576