Xã hội

Nỗ lực xóa mù chữ

Ở tuổi 47, ông Huỳnh Ngọc Hoàng (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) mới bắt đầu làm quen với bảng chữ cái. Trong lớp học tình thương của cô Nguyễn Thị Dư (phường Long Bình), những nét chữ đầu tiên trong cuộc đời của ông Hoàng hiện lên.

Ở tuổi 47, ông Huỳnh Ngọc Hoàng (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) mới bắt đầu làm quen với bảng chữ cái. Trong lớp học tình thương của cô Nguyễn Thị Dư (67 tuổi, phường Long Bình, TP.Biên Hòa), những nét chữ đầu tiên trong cuộc đời của ông Hoàng hiện lên.

Giờ học của học sinh lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục ở lớp học tình thương tại phường Hố Nai, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.DUNG
Giờ học của học sinh lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục ở lớp học tình thương tại phường Hố Nai, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.DUNG

Học ở lớp của cô Dư đến khi bập bẹ biết đọc, biết viết, ông Hoàng lại phải nghỉ học do điều kiện gia đình và sức khỏe. Dù mới biết đọc nhưng với gia đình ông, đó là những điều mới mẻ mà suốt mấy chục năm qua chưa từng được có.

* Những học sinh đặc biệt

Cô Nguyễn Thị Dư chia sẻ, nhiều năm qua cô cùng với 2 giáo viên khác đã dạy chữ cho hàng trăm học sinh trên địa bàn. Các em phần lớn là dân nhập cư, theo cha mẹ đến Đồng Nai làm ăn sinh sống. Có những em quá tuổi đi học nhưng chưa biết chữ nào, có em học rồi nhưng quên hết mặt chữ phải học lại. Lại có những trường hợp cả gia đình 5 người gồm 2 vợ chồng và 3 con cùng nhập học lớp 1 chung một khóa. Riêng trường hợp của ông Huỳnh Ngọc Hoàng có lẽ là người lớn tuổi nhất theo học ở lớp này.

Theo kế hoạch xóa mù chữ của UBND tỉnh, mục tiêu đến năm 2020 nâng tỷ lệ người biết chữ ở độ tuổi 15-60 tuổi lên 99%; tỷ lệ người biết chữ ở độ tuổi 15-35 tuổi đạt 99,5%. Có trên 90% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức khác nhau để củng cố kiến thức. Đồng thời, có 100% đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện củng cố vững chắc kết quả đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013-2020.

Cô Dư kể, hồi tháng 3-2016 ông Hoàng có đến xin học. Những ngày đầu, ông Hoàng học, tiếp thu bài nhanh, nét chữ thẳng.

Đến lúc bập bẹ biết đọc, ông Hoàng xin nghỉ học vì nhà xa mà 2 vợ chồng chỉ có một chiếc xe máy để đi lại. Cô Dư động viên và cho ông Hoàng mượn một chiếc xe Cup để đi học.

Tiếp tục học được vài hôm nữa thì ông này nghỉ hẳn vì lý do sức khỏe. “Sau khi nghỉ, anh Hoàng có nhắn tin lại cho tôi qua điện thoại. Đọc tin nhắn anh Hoàng gửi tuy còn một số lỗi chính tả nhưng tôi thấy rất vui và hạnh phúc” - cô Dư chia sẻ.

Cũng “đặc biệt” không kém là gia đình ông Danh Văn Giang (tạm trú ở KP.8, phường Long Bình, TP.Biên Hòa) từ Bến Tre lên Đồng Nai. Cả 2 vợ chồng ông Giang dù đã gần 40 tuổi nhưng đều không biết chữ. Nghe mọi người mách nên cả 2 vợ chồng và 3 đứa con cùng đến xin học ở lớp tình thương của cô Dư.

Thế là ban ngày đi làm, buổi tối 2 vợ chồng ông Giang tranh thủ đến lớp học. Đến khi biết chữ thì 2 người cùng nghỉ học, còn lại mấy đứa con đang theo học lớp 2. Ông Giang cho biết nếu không có lớp học của cô Dư, thì không biết đến bao giờ gia đình ông mới biết đọc, biết viết.

Ở lớp học tình thương trên địa bàn phường Hố Nai, TP.Biên Hòa do Dòng Mến Thánh giá Xuân Lộc lập nên, các giáo viên ở đây vui mừng cho biết có nhiều học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học và học lên cấp THCS.

Có nhiều em vì hoàn cảnh gia đình mà học xong tiểu học rồi nghỉ để đi làm với cha mẹ. Như trường hợp 2 anh em Vàng, Hiếu (cha người Việt, mẹ người Campuchia) theo học ở đây đã hơn 1 năm, giờ đã biết đọc, biết viết tiếng Việt rõ ràng. Vàng khoe: “Bây giờ con đã đọc tiếng Việt được rồi. Con không còn thấy khó như trước nữa”.

* Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Ông Phạm Xuân Vinh, chuyên viên phụ trách lĩnh vực giáo dục thường xuyên, Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, cho biết mỗi năm toàn thành phố có khoảng 700 học sinh theo học lớp xóa mù chữ, phổ cập tiểu học tại 15 phường, xã. Số người theo học các lớp này thường hao hụt dần vào cuối năm học do trẻ em theo cha mẹ đi làm ăn, người lớn thì biết chữ, biết đọc, viết là ngưng học.

Mạnh thường quân tặng quà cho các em học sinh ở lớp học tình thương của cô Nguyễn Thị Dư, phường Long Bình, TP.Biên Hòa.
Mạnh thường quân tặng quà cho các em học sinh ở lớp học tình thương của cô Nguyễn Thị Dư, phường Long Bình, TP.Biên Hòa.

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác xóa mù chữ là vấn đề kinh phí. Theo quy định, giáo viên các lớp xóa mù chữ, phổ cập tiểu học sẽ được hỗ trợ 50 ngàn đồng/học sinh khi các em này có đủ điều kiện được lên lớp.

Số tiền này quá ít so với công sức và cơ sở vật chất của giáo viên bỏ ra. Do đó, hầu hết các lớp học tình thương, xóa mù chữ đều do các cá nhân giáo viên tự nguyện mở, không thu học phí để khuyến khích các em đến lớp.

Cô Nguyễn Thị Lệ Thu, giáo viên lớp học tình thương ở KP.4, phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết, thi thoảng cũng có các đoàn từ thiện đến tặng quần áo, tập vở cho học sinh. Do hoàn cảnh của các em còn khó khăn quá nên các cô giáo ở đây lại tìm nhiều cách để đi xin, vận động mạnh thường quân ủng hộ thêm.

"Huy động đến lớp đã khó, giữ chân các em tiếp tục học càng khó hơn. Do vậy, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ các cấp lãnh đạo, các mạnh thường quân để ngày càng có nhiều trẻ em nghèo được an tâm đến lớp học chữ” - cô Nguyễn Thị Lệ Thu mong muốn.

Kết quả xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh năm 2016 cho thấy, còn hơn 33 ngàn người trong độ tuổi 15-35 tuổi mù chữ (chưa hoàn thành lớp 3, lớp 5). Ở độ tuổi 15-60 tuổi có hơn 156 ngàn người chưa hoàn thành lớp 3, lớp 5, chiếm 9% tổng dân số toàn tỉnh.

Trong đó, số người dân tộc thiểu số mù chữ là hơn 19 ngàn người; TP.Biên Hòa, các huyện Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc là những địa phương có số lượng người mù chữ cao. Trong năm 2016, các địa phương trong tỉnh đã huy động được 726 người ra học các lớp xóa mù chữ, đến nay còn lại 54 người.

Rõ ràng, để công tác xóa mù chữ được triển khai sâu rộng cần có sự chung tay, góp sức nhiều hơn nữa từ các cấp lãnh đạo, chính quyền, đoàn thể địa phương. Có như vậy, kết quả xóa mù chữ mới thật sự hiệu quả, bền vững.

Hạnh Dung

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,509,596       570