Xã hội

"Lờ" trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con

Mặc dù pháp luật đã quy định, sau ly hôn cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều người đã cố tình "phớt lờ" trách nhiệm này, hoặc chỉ cấp dưỡng được vài tháng đầu rồi… biệt tăm.

Mặc dù pháp luật đã quy định, sau ly hôn cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều người đã cố tình “phớt lờ” trách nhiệm này, hoặc chỉ cấp dưỡng được vài tháng đầu rồi… biệt tăm.

Cuộc sống khó khăn mà 3 người con chị Nguyễn Thị C.T. (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) phải chịu khi thiếu tình thương cũng như sự chăm sóc, nuôi dưỡng của người cha. Ảnh: P.LIỄU
Cuộc sống khó khăn mà 3 người con chị Nguyễn Thị C.T. (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) phải chịu khi thiếu tình thương cũng như sự chăm sóc, nuôi dưỡng của người cha. Ảnh: P.LIỄU

Trốn tránh trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà hành xử kiểu “cạn tàu ráo máng” sẽ “hất đổ” luôn chút tình cảm còn sót  lại nơi con.

* “Nợ” khó đòi…

Có thể bị xử lý hình sự  Theo Luật sư Ngô Văn Định (Hội Luật gia Đồng Nai), nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mà không tự nguyện thi hành sẽ bị cưỡng chế thi hành án. Ngoài ra còn bị phạt hành chính về hành vi không chấp hành án (điểm a, Khoản 3, Điều 52, Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ) với mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng để gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc cố tình vi phạm khi đã bị xử phạt hành chính thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm; hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đến Báo Đồng Nai nhờ luật sư hướng dẫn thủ tục khiếu nại chồng cũ không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, chị Nguyễn Thị Đ. (42 tuổi, ngụ phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa) nói trong nước mắt: “Chia tay chồng, tôi nhận nuôi 2 con 12 tuổi và 8 tuổi. Tòa phán quyết cha mấy đứa nhỏ hàng tháng phải cấp dưỡng 800 ngàn đồng cho mỗi con. Thế nhưng, đã gần 1 năm nay kể từ ngày ly hôn ông ấy chẳng đưa cho tôi đồng nào. Gần vào năm học mới, hôm rồi con bé lớn gọi điện xin cha tiền để mua quần áo, dụng cụ học tập cho 2 chị em, không biết ông ấy nói gì với con bé mà nó khóc rồi nói từ nay sẽ không bao giờ gọi điện cho cha nữa”.

Mang trong người căn bệnh hiểm nghèo, tiền thuốc men và chi tiêu trong nhà cho 4 mẹ con, chị Nguyễn Thị C.T. (28 tuổi, ở xã Hóa An, TP.Biên Hòa) chỉ trông vào tiền bán vé số hàng ngày. Chị T. tâm sự, sau khi ly hôn với người chồng trước, chị phải nuôi 2 con nhỏ vì chồng cũ chẳng đoái hoài gì đến con. Trước tòa, người cha hứa mỗi tháng sẽ đưa 1 triệu đồng để lo cho 2 đứa nhỏ, nhưng chỉ được 2 tháng thì bỏ đi làm ăn xa, từ đó cũng biệt tăm. Gá nghĩa với người chồng sau có  thêm được 1 con trai nay đã 3 tuổi, nhưng sau khi biết vợ bị ung thư giai đoạn cuối, người chồng sau cũng bỏ đi không một lời từ biệt khiến đời sống của chị T. và 3 đứa con rơi vào cùng quẫn, thường xuyên phải nhờ hàng xóm giúp đỡ.

Đó chỉ là 2 trong nhiều trường hợp tại phiên tòa xử ly hôn, nhiều người hứa sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, nhưng thực tế vẫn có người không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, khoản tiền chu cấp sau khi ly hôn trở thành “nợ khó đòi”.

* “Cưỡng chế” tiền cấp dưỡng: không dễ

Theo Chi cục Thi hành án dân sự Biên Hòa, năm 2016 cơ quan thụ lý 76 vụ và 6 tháng đầu năm 2017 thụ lý 43 vụ thi hành án cấp dưỡng nuôi con. Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự Biên Hòa Nguyễn Ngọc Cưỡng cho biết, phần lớn những vụ thi hành án dạng này đều phải cưỡng chế bằng hình thức khấu trừ lương hay thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Đối với những trường hợp trốn tránh nghĩa vụ nuôi con, các chấp hành viên sẽ xác minh nơi làm việc và thu nhập của người cha tại nơi làm việc để yêu cầu khấu trừ lương hàng tháng rồi chuyển cho đơn vị thi hành án. Đó là những người có nghề nghiệp, thu nhập, chỗ ở ổn định; còn trường hợp không có thu nhập, không nghề nghiệp, không nơi ở cụ thể thì đành… bó tay. 

Trước đây, khi chưa có sự phối hợp của các cơ quan, doanh nghiệp thì việc khấu trừ lương của người có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con cũng không dễ vì doanh nghiệp không muốn “dính” đến chuyện đời tư của người lao động. Sau này, sự hợp tác đã được các đơn vị quan tâm, nhưng mức khấu trừ chỉ khoảng 1/3 thu nhập của người phải thi hành án. Riêng những trường hợp người vợ biết chồng cũ có thu nhập, có tài sản nhưng bị người thứ 3 quản lý, đơn vị thi hành án sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế, như: kê biên, xử lý tài sản, kể cả lĩnh vực kinh tế đang do người thứ 3 nắm giữ. 

Thực tế, sau khi ly hôn thường vợ chồng không muốn nhìn mặt nhau. Phần lớn đều muốn rũ bỏ quá khứ để ổn định cuộc sống tương lai, thậm chí có người còn muốn để con khổ nhằm trả thù người kia nên cố tình không thực hiện nghĩa vụ của mình. “Những người có trách nhiệm cấp dưỡng không nên coi  việc nuôi dưỡng con chung chỉ là nghĩa vụ thi hành án, mà phải xem đó là trách nhiệm và tình cảm của mình với con cái - những đứa trẻ vốn đã thiệt thòi khi cha mẹ ly hôn” - ông Nguyễn Ngọc Cưỡng nói.

Phương Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,513,357       307