Xã hội

Nhân Ngày Dân số thế giới 11-7: Phụ nữ ngày càng ngại sinh con

Cũng như nhiều vùng đô thị khác của Việt Nam, tại Đồng Nai mặc dù dân số ngày càng tăng cao, nhưng chủ yếu do tăng cơ học. Tỷ lệ sinh ở Đồng Nai được duy trì ở mức thấp, số con trung bình của một phụ nữ không cao.

Phụ nữ vùng nông thôn sinh con thứ 3 nhiều hơn ở thành thị do còn định kiến trọng nam khinh nữ. Trong ảnh: Điều dưỡng Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu chăm sóc cho một bé trai vừa chào đời. Ảnh: Đ.NGỌC
Phụ nữ vùng nông thôn sinh con thứ 3 nhiều hơn ở thành thị do còn định kiến trọng nam khinh nữ. Trong ảnh: Điều dưỡng Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu chăm sóc cho một bé trai vừa chào đời. Ảnh: Đ.Ngọc

Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải, có một vấn đề đặt ra ở Đồng Nai là số con trung bình của một phụ nữ ngày càng thấp mà nguyên nhân chủ yếu do ngại sinh con.

* PHỤ NỮ ĐÔ THỊ SINH ÍT CON

Theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, hiện nay tỷ lệ sinh ở Đồng Nai duy trì ở mức thấp là 1,39%. Số con trung bình của một phụ nữ là 1,9 con, thấp hơn so với cả nước. Trong đó, trung bình một phụ nữ ở đô thị như TP.Biên Hòa chỉ sinh 1,54 con, thuộc loại trung bình của các đô thị trên thế giới. Với tỷ lệ sinh tự nhiên và số con trung bình của phụ nữ như hiện nay tuy thấp hơn mặt bằng chung, nhưng Đồng Nai chỉ mong muốn duy trì ở tỷ lệ này là hợp lý, vì nếu tăng cao sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề an sinh - xã hội nhưng nếu tiếp tục giảm sâu sẽ gây mất cân bằng tự nhiên, gia tăng dân số già, thiếu hụt nguồn lao động.

Một trong những nguyên nhân phụ nữ ở đô thị ngày càng sinh ít con là do những áp lực về kinh tế, công việc, thu nhập và nhà ở khiến họ phải cân nhắc việc sinh con. Chị Phan Thị Tuyền (ở xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho biết thu nhập của 2 vợ chồng đều làm công nhân chỉ đủ tiền thuê nhà, ăn uống và lo chi phí cho con trai đi học. Nếu tháng nào có đám tiệc phát sinh chi phí thì không để tiết kiệm được. Do đó, nếu sinh thêm con sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình, vừa giảm thu nhập khi mang thai, vừa đội thêm nhiều chi phí nên chỉ dám sinh một con để chăm sóc cho tốt hơn.

* Ý THỨC KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH CAO

 Hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện phòng tránh thai trong tỉnh chiếm đến 74%, trong đó có đến 68% các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Kết quả này có được là do hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được phủ rộng khắp ở các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Mặt khác, phần lớn nông thôn ở Đồng Nai đều xây dựng nông thôn mới, người dân tập trung làm ăn, sản xuất nên ý thức kế hoạch hóa gia đình rất cao.

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ sinh con thứ 3 ở vùng nông thôn vẫn còn, nhất là vùng sâu, vùng xa của các huyện nông nghiệp, nhiều nhất như ở huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu… Bà Nguyễn Kim Tuyến, Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Đồng Nai, cho biết hiện nay tỷ lệ các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 của Đồng Nai chỉ chiếm 5,4%, thuộc nhóm thấp trong cả nước, tập trung chủ yếu ở những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở vùng nông thôn.

Để nâng cao chất lượng dân số, trong thời gian tới, ngành y tế Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình rộng khắp trong toàn tỉnh; tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ y tế làm công tác kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, tiếp tục truyền thông vận động các cặp vợ chồng chỉ sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt, xây dựng gia đình ấm no - hạnh phúc; tuyên truyền loại bỏ định kiến trọng nam khinh nữ; đẩy mạnh các biện pháp giảm mất cân bằng giới tính khi sinh; đẩy mạnh chương trình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh để phòng ngừa dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm

Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có gần 17.853 trẻ được sinh ra tăng 1.259 bé so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 9.217  bé trai  và  8.628 bé gái. Số trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên là 967 bé, giảm 411 bé so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ số giới tính khi sinh là 106 bé trai/100 bé gái. Tỷ số này vẫn còn trong giới hạn bình thường.

Đặng Ngọc

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,516,696       571