Xã hội

Hơn 100 ngàn thẻ bảo hiểm y tế chuyển về tuyến huyện

Thời gian gần đây, nhiều người đã từng đăng ký khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh đã không khỏi ngỡ ngàng vì bị chuyển nơi khám chữa bệnh ban đầu xuống tuyến huyện và tương đương…

Thời gian gần đây, nhiều người đã từng đăng ký khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh đã không khỏi ngỡ ngàng vì bị chuyển nơi khám chữa bệnh ban đầu xuống tuyến huyện và tương đương…

Bệnh nhân đến khám bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: K.Liễu
Bệnh nhân đến khám bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: K.Liễu

Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Biên Hòa có thông báo gửi các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và đại lý thu bảo hiểm y tế (BHYT) hoạt động trên địa bàn thành phố, yêu cầu thu hồi số thẻ bảo hiểm đã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Thông tin này đã gây nhiều phản ứng từ các đại lý thu BHYT và người bệnh.

* Chủ thẻ BHYT thắc mắc...

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, sắp tới cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh hơn 100 ngàn thẻ đăng ký khám bệnh ban đầu từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện, xã và tương đương. Các trường hợp trên buộc phải thu hồi thẻ cũ và được cấp lại thẻ mới. Quy định về đối tượng được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến tỉnh, gồm: người từ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý, những người đang điều trị bệnh dài ngày theo Thông tư 46/2016/TT-BYT ngày 30-12-2016 của Bộ Y tế và Công văn số 1456/SYT-NVY ngày 21-4- 2017 của Sở Y tế.

Theo thông báo, sau khi thu hồi thẻ cũ, các đối đối tượng được cấp lại thẻ mới ghi nơi khám chữa bệnh ban đầu tại các tuyến huyện, xã tương đương. Điều này khiến nhiều chủ thẻ BHYT không khỏi thắc mắc và bức xúc.

Chị Nguyễn Thúy Vy, ngụ KP.4 (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) lâu nay đăng ký khám BHYT ban đầu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Thẻ của chị Vy còn 15 ngày nữa hết hạn nên chị đến đại lý tại phường Trảng Dài để tiếp tục đăng ký tham gia. Tuy nhiên, khi nghe tin phải chuyển nơi khám ban đầu về tuyến huyện, chị Vy thực sự “choáng” vì thời gian qua chị điều trị bệnh tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai rất hiệu quả, hài lòng. Theo chị, nếu chuyển sang nơi khác buộc phải làm giấy chuyển viện rất mất thời gian, còn không chuyển thì việc điều trị bệnh sẽ bị gián đoạn. “Người dân bỏ tiền ra mua bảo hiểm, sao không được chọn nơi khám bệnh tốt? Bệnh viện tuyến tỉnh được đầu tư quy mô, hiện đại mà hạn chế người bệnh được hưởng khám chữa bệnh chất lượng thì quá lãng phí” - chị Vy nói.

Người dân mua thẻ bảo hiểm y tế tại đại lý thu bảo hiểm y tế phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa).
Người dân mua thẻ bảo hiểm y tế tại đại lý thu bảo hiểm y tế phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa).

Cùng tâm trạng trên, nhiều chủ thẻ cảm thấy không hài lòng khi bị chuyển đổi nơi khám bệnh, nhất là người dân có nhà ở gần bệnh viện tuyến tỉnh. Ông Bùi Quang Trào, ngụ KP.7 (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi đều trên 60 tuổi, đã khám BHYT tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cả chục năm nay nên quen rồi. Giờ buộc đổi nơi khám khác tôi thấy rất bất tiện vì nhà tôi ở kế bệnh viện”. 

Xem xét lại việc phân bổ thẻ BHYT

Tại buổi làm việc với Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội Đồng Nai và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh vào chiều 10-5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đề nghị Sở Y tế phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội rà soát lại những quy định chưa phù hợp để có giải pháp tháo gỡ, nhất là việc phân tuyến, phân bổ thẻ BHYT sao cho hợp lý, công khai, minh bạch. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, phải dựa trên thực lực của các bệnh viện để phân bổ thẻ BHYT cho phù hợp, nhất là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh của người dân.  Trong đó Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được xây dựng khang trang với đội ngũ y bác sĩ đông, nên nếu giảm số thẻ khám BHYT sẽ lãng phí nguồn nhân lực.

* Bệnh viện tuyến tỉnh thừa sức khám chữa bệnh BHYT

Trước phản ứng không đồng tình của các chủ thẻ, đại diện một số đơn vị sự nghiệp, đại lý thu bảo hiểm đã liên hệ với BHXH Biên Hòa để tìm hiểu thêm và được giải thích đây là chủ trương của BHXH tỉnh nhằm kéo giảm tình trạng bội chi quỹ BHYT. Lý giải việc chuyển đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của hơn 100 ngàn thẻ BHYT từ tuyến tỉnh về huyện và tương đương, Giám đốc BHXH tỉnh Phan Văn Mến cho biết việc điều tiết lượng thẻ BHYT được thực hiện từ ngày 20-4-2017. Ðiều này nhằm tránh tình trạng bệnh nhân phải chờ lâu khi đi khám bệnh. Qua đó, sẽ từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến huyện, còn các bệnh viện tuyến tỉnh chỉ tập trung vào các dịch vụ chuyên sâu. Theo ông Mến, trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện có 6 bệnh viện tư nhân và hơn 40 phòng khám đa khoa với nhiều thiết bị kỹ thuật tương đối hiện đại, đội ngũ bác sĩ có chuyên môn nên đảm đương được việc khám BHYT cho đối tượng chuyển từ tuyến tỉnh xuống. Bên cạnh đó, hiện nay số chủ thẻ không thuộc đối tượng đăng ký khám tại tuyến tỉnh lại quá cao, không đúng với quy định của Bộ Y tế, dẫn đến chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế trong năm 2016 và quý I-2017 rất lớn, gây mất cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT của toàn tỉnh vào quý II-2017.

Bệnh nhân chờ khám bệnh bảo hiểm y tế  tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Bệnh nhân chờ khám bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Trong khi đó, lãnh đạo các bệnh viện tuyến tỉnh lại khẳng định bệnh viện có đủ lực để phục vụ khám chữa bệnh BHYT cho các chủ thẻ. Riêng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai hiện có 64 phòng khám, trong đó 11 phòng khám chưa đưa vào sử dụng. Tình trạng quá tải ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chỉ xảy ra vào các buổi sáng hàng ngày, còn mỗi ngày trung bình có khoảng 5 ngàn lượt bệnh nhân đến khám ngoại trú, thấp hơn nhiều so với 190 ngàn thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện. Nếu thực hiện thông báo của BHXH sẽ giảm ít nhất 30% số lượng bệnh nhân khám BHYT tại bệnh viện.

Tương tự, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng cho rằng cơ quan chức năng nên xem xét lại việc phân bổ nơi khám chữa bệnh ban đầu đối với các chủ thẻ cho phù hợp, tránh tình trạng lãng phí khi bệnh viện tuyến tỉnh sử dụng không hết năng lực.  

Kim Liễu

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,526,381       795