Xã hội

"Hái quả" từ bệnh viện vệ tinh

Đồng Nai hiện có 3 bệnh viện là: đa khoa Đồng Nai, đa khoa Thống Nhất và nhi đồng Đồng Nai là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện lớn ở TP.Hồ Chí Minh, như: Chợ Rẫy, Ung bướu, Từ Dũ, nhi đồng 2. Đề án bệnh viện vệ tinh do Bộ Y tế triển khai tại Đồng Nai từ năm 2013 đến nay bắt đầu cho những "quả ngọt".

Đồng Nai hiện có 3 bệnh viện là: đa khoa Đồng Nai, đa khoa Thống Nhất và nhi đồng Đồng Nai là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện lớn ở TP.Hồ Chí Minh, như: Chợ Rẫy, Ung bướu, Từ Dũ, nhi đồng 2. Đề án bệnh viện vệ tinh do Bộ Y tế triển khai tại Đồng Nai từ năm 2013 đến nay bắt đầu cho những “quả ngọt”.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai sử dụng hệ thống định vị phẫu thuật chấn thương sọ não. Ảnh: Đ.Ngọc
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai sử dụng hệ thống định vị phẫu thuật chấn thương sọ não. Ảnh: Đ.Ngọc

Có thể nói, đến thời điểm này hiệu quả rõ nhất từ đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế triển khai tại Đồng Nai chính là hiệu quả từ hoạt động của Trung tâm tim mạch can thiệp của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy. Qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, trung tâm đã cứu sống hàng trăm ca nhồi máu cơ tim cấp trong “thời gian vàng” bằng phương pháp can thiệp tim mạch.

* Triển khai nhiều kỹ thuật mới

Tỷ lệ chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên của các bệnh viện vệ tinh ngày càng giảm. Cụ thể, tỷ lệ chuyển tuyến của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất năm 2016 là 0,65% (năm 2015 là 0,67%); tỷ lệ chuyển tuyến của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai năm 2016 là 1,48% (năm 2015 là 1,71%); tỷ lệ chuyển tuyến của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai năm 2016 là 1,72% (năm 2015 là 1,73%).

Bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết từ “cầm tay chỉ việc” của bác sĩ tuyến trên, các bác sĩ trong khoa đã làm chủ được kỹ thuật can thiệp tim mạch, trong đó có nhiều ca bệnh khó, ít phải chuyển lên tuyến trên như trước. Các kỹ thuật thực hiện đều đạt kết quả tốt. Riêng kỹ thuật mạch vành kết quả rất khích lệ, tỷ lệ can thiệp thành công đạt gần 97%; can thiệp thành công tổn thương mạch vành khó đạt tới 95%, ít xảy ra biến chứng, hồi phục tốt.

Riêng tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, nhờ làm bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện nhi đồng 2, nhiều khoa của bệnh viện đã phát triển chuyên sâu như: cấp cứu, hồi sức tích cực - chống độc, hồi sức sơ sinh, phẫu thuật chấn thương sọ não, chấn thương - chỉnh hình, phẫu thuật chữa các dị tật bẩm sinh về đường tiêu hóa, tiết niệu… Qua đó đã kịp thời cứu sống nhiều ca bệnh nặng do tai nạn giao thông; các ca bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có biến chứng; các ca dị tật bẩm sinh nặng, như: thoát vị gan, hoại tử ruột…

Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy với 2 chuyên khoa là ngoại tổng quát, ngoại thần kinh. Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh cũng chính thức ký kết hợp đồng đào tạo nguồn nhân lực để Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu vào năm 2020. TS.BS Phan Huy Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc bệnh viện đa khoa Đồng Nai, nhận định đề án bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế giúp các bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao mặt bằng chuyên môn, triển khai được các mũi nhọn trong việc điều trị, giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị các kỹ thuật cao tại tỉnh mà không phải chuyển viện lên tuyến trên.

* Vẫn còn khó khăn

Đề án bệnh viện vệ tinh do Bộ Y tế triển khai tại Đồng Nai chia ra làm 2 giai đoạn: 2013-2015 và 2015-2020. Những gói kỹ thuật ký kết chuyển giao từ năm 2013 hiện đã xong giai đoạn đào tạo và đang trong giai đoạn “cầm tay chỉ việc”. 

Hiện nay các bệnh viện đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của đề án với nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu hơn. Trong khi đó, khó khăn trong thực hiện đề án là nguồn nhân lực của các bệnh viện có hạn, nhất là các bác sĩ. Nếu cho bác sĩ tiếp tục đi đào tạo ở tuyến trên thì lại thiếu người triển khai kỹ thuật đã được chuyển giao ở tuyến dưới. Đơn cử, ở Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai chỉ có duy nhất một bác sĩ có thể phẫu thuật chấn thương sọ não, nên khi bác sĩ này được cử đi đào tạo chuyên sâu lại không có người thực hiện các ca bệnh này nên lại phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Một khó khăn khác là đầu tư các thiết bị, máy móc cho bệnh viện vệ tinh còn chậm. Nguyên nhân do kinh phí đầu tư các trang thiết bị, máy móc cho các kỹ thuật mới khá đắt, phải thực hiện quy trình phê duyệt kinh phí, đấu thầu nên thời gian chờ đợi lâu; có những kỹ thuật nhận chuyển giao kỹ thuật, con người có rồi nhưng không có thiết bị nên vẫn không thể triển khai được. 

Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà cho biết, đầu năm 2017 Bộ Y tế mới phê duyệt kinh phí đầu tư máy móc, trang thiết bị cho bệnh viện triển khai bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện nhi đồng 2. Việc thiếu máy móc, trang thiết bị khiến việc triển khai các kỹ thuật mới được chuyển giao có phần hạn chế, vì mỗi kỹ thuật bệnh viện chỉ có 1 bộ thiết bị phẫu thuật. Nếu có 2 bệnh nhân cùng một lúc hoặc cách nhau nửa tiếng thì không thể nào xử lý được vì phải chờ hấp và xử lý nhiễm khuẩn dụng cụ. Mặt khác, thực hiện các kỹ thuật cao, kỹ thuật khó thì yêu cầu hệ thống phòng mổ và dụng cụ trang thiết bị phải tốt hơn, an toàn hơn, tối tân hơn để giảm bớt những sang chấn, giảm nguy cơ phải hồi sức, truyền máu, giảm tai biến cho bệnh nhân.

Đặng Ngọc

Đồng Nai

      © 2021 FAP
        65,531,792       1,855